📞

Sinh nhật NATO tuổi 70: Liệu có vui?

Hoàng Hà 19:45 | 03/12/2019
TGVN. Các nhà lãnh đạo các nước thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tập trung tại London để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kỷ niệm 70 ngày thành lập Liên minh, nhưng với tình hình hiện tại, không có gì đảm bảo “lễ sinh nhật” này sẽ diễn ra suôn sẻ.
Hội nghị Thượng đỉnh NATO: Sinh nhật tuổi 70 liệu có vui? (Nguồn: AFP)

Mỹ chỉ trích các thành viên khác đóng góp ngân sách quá ít cho NATO, Pháp nói liên minh này đang "chết não", các quốc gia châu Âu thì lại đả kích Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến dịch quân sự ở Syria. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ “vặc” lại tất cả, đặc biệt là Pháp.

Chưa hết, chủ nhà Anh giờ đây lại đang “rối như tơ vò” vì cuộc tổng tuyển cử sắp tới và Brexit. Vì vậy, có thể dự đoán buổi lễ sinh nhật này sẽ bớt rình rang hơn nhiều và chỉ xoay quanh những khúc mắc gần đây.

Tăng chi tiêu quốc phòng, lập quân đội châu Âu và PESCO

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ​​sẽ đưa vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng ra Hội nghị các nhà lãnh đạo NATO. Kể từ khi nhậm chức, hết chỉ trích, ông Trump lại kêu gọi, yêu cầu các đồng minh NATO phải đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% để xứng đáng với Mỹ - nước đóng góp nhiều nhất, khoảng 22%.

Tuần trước, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của các đồng minh. Theo đó, từ năm tới, Mỹ sẽ đóng góp ít hơn vào ngân sách của liên minh quân sự, bù lại, Đức sẽ tăng khoản đóng góp. Cả Mỹ và Đức dự kiến ​​sẽ đóng góp 16% vào tài trợ trực tiếp của NATO.

Cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đã lên tiếng kêu gọi thành lập lực lượng quân đội châu Âu.

Ông Macron đã đưa ra ý tưởng này kể từ khi trở thành Tổng thống. Chính trị gia người Pháp đã cảnh báo châu Âu rằng, họ không thể dựa vào Mỹ mà cần một "đội quân châu Âu thực thụ" do EU quản lý.

Theo Tổng thống Pháp, châu Âu cần có khả năng tự bảo vệ mình khỏi Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump đã chế giễu ý tưởng này. Hồi tháng 11/2018, ông Trump mỉa mai rằng, “ trong Thế chiến II, nếu không nhờ Mỹ, tất cả công dân Pháp chỉ nói tiếng Đức mà thôi”.

Có vẻ như châu Âu hiện nay thống nhất rằng, Mỹ không đáng tin cậy trong việc phòng vệ châu Âu và do đó, họ muốn thiết lập cơ chế phòng thủ riêng độc lập với Mỹ. Chính Thủ tướng Đức Merkel đã tuyên bố: 'Thời đại mà chúng ta có thể dựa vào người khác đã qua. Điều này có nghĩa là người châu Âu chúng ta phải tự nắm giữ số phận của chính mình”.

Theo ông Ali Demirdas, Giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Nam Carolina (Mỹ), "Cuộc đấu tranh thoát khỏi 'ách thống trị' Mỹ của châu Âu đang được tiến hành".

Chuyên gia này cho rằng, người châu Âu cảm thấy đang bị ông Trump “bắt nạt” và vì thế, họ triển khai việc xây dựng Hợp tác cơ cấu thường trực (PESCO), một sáng kiến ​​quốc phòng toàn châu Âu - thay thế cho NATO.

Giáo sư Demirdas nhận định: "Vấn đề duy nhất là châu Âu đang thiếu khả năng quân sự để thành lập được lực lượng quân đội châu Âu. Quốc gia châu Âu duy nhất có khả năng đó là Thổ Nhĩ Kỳ”. Đó là lý do tại sao Đức, Pháp, Anh (không phải là thành viên PESCO) và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức cuộc họp 4 bên bên lề Thượng đỉnh NATO, và sẽ thảo luận về PESCO bên cạnh chủ đề chính là Syria.

NATO “chết não” và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói ông Macron “trước hết nên kiểm tra não của mình có chết hay không”. (Nguồn: Hurriyet Daily News)

Tổng thống Macron đã phải nhận nhiều "gạch đá” từ các thành viên khác trong NATO kể từ khi ông đánh giá liên minh chiến lược này đang bị “chết não” vào tháng trước. Gay gắt nhất phải kể đến bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đáp trả ông Macron rằng: “Trước hết, ông nên kiểm tra não của mình có chết hay không”. Pháp ngay lập tức triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Paris để yêu cầu giải thích về những phát ngôn “không thể chấp nhận được” này.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Demirdas, cuộc đấu đá nội bộ giữa các đồng minh NATO sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ lâu dài của họ. "Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Pháp đã sống sót qua các cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn. Tôi không nghĩ rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ có tác động tiêu cực lớn đến các mối quan hệ. Pháp không có bất kỳ tác động nào đến chính sách Syria của Thổ Nhĩ Kỳ. Đơn giản là Pháp không có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với Ankara để làm vậy", Giáo sư nhận định.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Stoltenberg đã đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia rất quan trọng đối với liên minh: “Chỉ cần nhìn vào bản đồ và kiểm tra vị trí địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là đủ hiểu điều này”. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất có biên giới với Syria và Iraq.

Tuy nhiên, EU lại chỉ trích cuộc tấn công của Ankara ở miền Bắc Syria chống lại phiến quân người Kurd hồi tháng 10, sau khi Mỹ tuyên bố rút quân ra khỏi khu vực. Đáp lại những lời chỉ trích từ các đồng minh EU trong NATO, đặc biệt là Đức và Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ “nhẹ nhàng hứa” sẽ gửi trả một phần trong số 3,6 triệu người tị nạn mà Ankara đang phải một mình gánh vác.

Giáo sư Demirdas cho rằng: "Trong bài phát biểu gần đây, Tổng thống Macron đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì những hành động đơn phương ở Syria, nhưng nghịch lý là ông ta biện minh cho sự hiện diện của Pháp ở Mali và vùng Sahara ở châu Phi, đồng thời yêu cầu NATO trở thành một phần trong các hoạt động 'chống khủng bố' của Pháp”.

Lời đề nghị này của Pháp được đưa ra sau khi Tổng thống Erdogan yêu cầu NATO thực hiện các biện pháp tại Syria vì an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng theo Giáo sư Demirdas, lý do thực sự mà ông Macron đưa ra những đề nghị gây tranh cãi này là bởi vì Pháp cảm thấy đang mất dần ảnh hưởng ở các thuộc địa cũ của Sahara và không hài lòng về vai trò ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Balkan.

“Vào thời điểm Liên minh châu Âu đang trở thành bất cứ thứ gì ngoại trừ một "liên minh", Tổng thống Macron muốn dẫn đầu Pháp thống trị châu Âu ", Giáo sư Demirdas khẳng định.

NATO bước vào tuổi 70, khi mà nhiều người dự đoán sự sụp đổ của liên minh đang đấu tranh để xác định lại sứ mệnh và mục đích. "Mặc dù tôi không hy vọng NATO sẽ tan rã theo cách tương tự như Hiệp ước Warsaw, nhưng khả năng là dần mất đi chức năng vốn có", Giáo sư Demirdas kết luận.

(theo Sputnik)