Làn sóng Covid-19 thứ hai, thứ ba đang đe dọa hệ thống y tế của nhiều quốc gia trên thế giới. (Nguồn: NBC News) |
Theo WHO, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để cân bằng giữa các biện pháp hạn chế chống dịch mới với việc phục hồi các nền kinh tế vốn đang rơi vào trì trệ do ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly hà khắc từ những tháng đầu năm.
Tuy nhiên, sự chán nản của người dân trước các biện pháp cách ly chống dịch, cùng với những khó khăn kinh tế đã khiến cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế mới càng trở nên khó khăn.
Châu Âu đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai và buộc phải áp đặt một loạt các biện pháp chống dịch mới, trong đó để tránh áp đặt các biện pháp cách ly toàn quốc, hầu hết các nước đã áp đặt các lệnh giới nghiêm ban đêm và gia tăng các biện pháp cấm tập trung đông người nơi công cộng.
Từ ngày 24/10, Pháp thông báo mở rộng khu vực áp đặt giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, lên 54 trên tổng số 101 tỉnh, thay vì chỉ 16 tỉnh tuần trước.
Ông Martin Hirsch, một lãnh đạo của hệ thống bệnh viện Paris, đánh giá làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Pháp "có thể tồi tệ hơn" đợt đầu tiên. Thủ tướng Jean Castex cũng cảnh báo rằng "những tuần tới sẽ rất khó khăn và số người chết sẽ tiếp tục tăng".
Trong khi đó, tại Bỉ, chính quyền nước này đã phải áp đặt lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, theo đó mọi trung tâm hoạt động văn hóa như bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim ... đều phải đóng cửa.
Các biện pháp trên được ủng hộ sau khi những con số đang tăng phi mã làm dấy lên mối lo về "nguy cơ sụp đổ" của hệ thống bệnh viện của đất nước. Trong khi đó, tại Đức, sau khi ghi nhận số ca tử vong vượt quá 10.000 người, Thủ tướng Angela Merkel chỉ đạo giảm tiếp xúc và gặp gỡ càng ít càng tốt.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng hiện có quá nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc Covid-19 và điều này khiến các bệnh viện và hệ thống chăm sóc đặt biệt đang phải hoạt động gần bằng hoặc quá công suất.
Người đứng đầu WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động ngay lập tức để ngăn chặn những cái chết không đáng có tiếp theo.
Tính đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,1 triệu người tử vong và hơn 42 triệu ca mắc bệnh.