Nhà văn Victor Hugo. |
Victor Hugo (1802-1885) là nhà văn lớn nhất của chủ nghĩa lãng mạn Pháp.
Tác phẩm chính: Thơ: Đoản thi và Ballades (1822), Thơ phương Đông (1829), Lá thu (1831), Những bài ca khi xẩm tối (1835), Ánh sáng và bóng tối (1840), Trừng phạt (1853), Trầm tư (1856), Truyền thuyết các thời đại (1859-1863), Năm khủng khiếp (1872), Nghệ thuật làm ông (1877).
Tiểu thuyết: Buych Giar’-gan (1818), Nhà thờ Đức Bà Paris (1831), Ngày cuối cùng của người tử tù (1829), Những người khốn khổ (1862), Những người lao động biển cả (1866), Người cười méo xệch (1869), Năm chín mươi ba (1874). Kịch: Cromvell (1827), Hernani (1830), Marion de Lorme (1831), Lucrèce Borgia (1833), Ruy Blas (1838), Những viên thống lãnh thành trì (Les Burgraves, 1843).
Trừng phạt là tập thơ trào phúng chỉ trích Napoléon III đã đặt chế độ cộng hòa và lập lại Đế chế. Hugo viết, trong khi sống lưu vong ở đảo Jersey, Hugo coi Napoléon III điển hình của bạo chúa, tố cáo tội ác và tính chất nhỏ nhen của chế độ Đế chế II.
Để làm nổi bật điểm này, Hugo ca ngợi cái vĩ đại của Napoléon I. Ông tin tưởng vào tương lai và tự do. Nói chung, tập thơ hơi nặng nề. Nhưng có những bài đạt tới mức hùng biện và hùng ca tuyệt vời. Trong những bài hay nhất có: Tặng một người chết vì nghĩa, Về sự vâng lời thụ động, Chiếc áo khoác của Hoàng đế, Đền tội (miêu tả trận Napoléon I thua ở Waterloo), Ultima Verba.
Nhà thờ Đức Bà Paris là tiểu thuyết lịch sử, viết theo quan điểm lãng mạn chủ nghĩa (gợi lại thời Trung cổ, đối lập cái cao siêu với cái kệch cỡm, tình cảm mãnh liệt). Hugo đưa ra một tư tưởng triết lý bi quan. Định mệnh đẩy nhân vật đến sát nhân và cái chết.
Câu chuyện xảy ra vào đầu thế kỷ XV. Ngày hội dân gian năm 1482, ở phòng lớn Tòa án, có diễn kịch về đời Chúa của nhà thơ Gringoire. Trên sân trước Nhà thờ, cô gái du cư Bohemia xinh đẹp Esmeralda biểu diễn múa. Theo lệnh của chủ là phó giám mục Claude Frollo, gã kéo chuông gù lưng xấu xí Quasimodo bắt cóc cô, cô được đại úy điển trai Phoebus cứu thoát.
Gringoire lạc vào khu ăn mày và lưu manh; chàng bị đem xử tử, nhưng Esmeralda thương hại và cứu thoát nhà thơ. Bị tội bắt cóc người, Quasimodo bị trói vào cột; tấm lòng man rợ của hắn bỗng rung động khi gã được Esmeralda cho uống nước. Tu sĩ Claude ghen tức, đâm chết người yêu của Esmeralda là đại úy Phoebus.
Frollo đổ tội giết người cho Esmeralda, Esmeralda bị trói ở của Nhà thờ đợi hành hình vì tội giết người và là phù thủy. Quasimodo cướp nàng đưa vào nhà thờ, nơi không ai được vào bắt người. Bọn ăn xin và lưu manh tấn công nhà thờ để cứu Esmeralda nhưng bị đẩy lùi.
Frollo bắt Esmeralda giao cho một bà lão tu kín, bà nhận Esmeralda là con mình bị lạc từ bé, nên giấu kín; nhưng Esmeralda lại bị bắt và đem treo cổ ở trước Nhà thờ. Frollo đứng trên tháp chuông Nhà thờ theo dõi, mỉm cười độc ác. Quasimodo truớc khi vâng lệnh chủ ngoan ngoãn như con chó, đẩy chủ ngã từ cao xuống đất. Sau đó, Quasimodo vào nơi để di cốt, ôm xác Esmeralda mà đợi chết.
Những người lao động biển cả - tiểu thuyết lãng mạn được Hugo quan niệm là một bản hùng ca, ngợi ca lao động của con người đối diện với thiên nhiên. Cụ Lethierry có một chiếc tàu chạy hơi nước đầu tiên; có kẻ ghen tức làm cho tàu bị đắm. Cụ hứa sẽ gả cháu gái xinh đẹp là Deruchette cho chàng trai nào trục được máy móc lên nguyên vẹn.
Anh đánh cá lầm lì Gilliat thầm yêu cô, nên một mình vào trong động hì hục làm việc phi thường ấy; anh đã có lần phải chiến đấu với một con bạch tuộc khổng lồ để thoát chết.
Cuối cùng, khi anh thành công thì anh được biết là Deruchette lại yêu một mục sư trẻ mà anh đã từng cứu cho khỏi chết đuối. Rất hào hiệp, anh giúp hai người yêu nhau trốn đi (bố cô Deruchette không chịu cho họ cưới). Gilliat ra ngồi ở một mỏm đá đợi thủy triều lên vùi mình, trong khi hai người đi trốn ngồi trên một chiếc tàu đi qua ở đằng xa.