Nhỏ Bình thường Lớn

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 6]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.

Barbusse Henri (1873-1935) là nhà viết tiểu thuyết chống chiến tranh. Tác phẩm của Barbusse mở đầu cho một loại văn học phản chiến hiện đại với Remarque (Đức), L.Renn (CHDC Đức)... Ông được giải thưởng Goncourt. Tác phẩm chính: Địa ngục (1908), Khói lửa - Nhật ký một tiểu đội (1916).

Khói lửa - Nhật ký một tiểu đội: Barbusse tham gia Thế chiến I, viết tác phẩm hiện đại đầu tiên tả chiến tranh một cách trần truồng (bút pháp tự nhiên chủ nghĩa), không tô vẽ bằng lượt phấn “ái quốc”.

Truyện do một người lính bộ binh kể với những lời lẽ mộc mạc, ý vị dùng tiếng lóng của lính, vừa tục tằn vừa cảm động. Nó gợi lên những ngày ở chiến tuyến buồn tẻ, bùn lầy, ướt át, bẩn thỉu, những đêm lo sợ dưới bom đạn, những cuộc tấn công khói lửa...; xen vào có những việc tầm thường: tháo dày ủng của xác chết, giấc mơ của anh lính, lễ mi-xa ở chiến hào của hai bên... Trong địa ngục ấy, những con người đau khổ bị hy sinh chỉ sống với những tình cảm thô sơ.

***

Baudelaire Charles (1821-1867) là nhà thơ có cảm xúc hiện đại, chán ghét cái tầm thường, tình cảm có khi bi quan, suy đồi. Tác phẩm chính: Những bài thơ ngắn viết bằng văn xuôi hay Nỗi u buồn Paris (1855-1862), Hoa ác (1840-1857).

Hoa ác là tập thơ duy nhất của Baudelaire, khi xuất bản (gồm 100 bài) đã bị tòa kết án vì bị coi là vô luân, tác giả bị phạt. Lần tái bản năm 1861 phải bỏ đi sáu bài đã bị kết án, và thêm vào 32 bài. Về bố cục, có sáu phần. Trong phần Buồn man mác và Lý tưởng, Baudelaire đối lập một cách đau khổ cuộc đời cơ cực của mình với cái cao cả thiêng liêng của Nghệ thuật và Tình yêu. Baudelaire ca ngợi sáng tác, định nghĩa Cái đẹp bất tử, gợi lên hình ảnh những người phụ nữ đã yêu, phân tích nỗi đau của mình.

Trong ba phần Những cảnh Paris, Rượu vang, Hoa ác, Baudelaire miêu tả những cố gắng tuyệt vọng để thoát ra khỏi cái buồn (giao du, rượu và trác táng). Nổi loạn chỉ rõ cố gắng cũng vô ích, chỉ còn lại một lối thoát là Cái chết. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua các bài thơ là tâm hồn đau khổ của một người cô đơn, cá nhân chủ nghĩa cực đoan, được trình bày một cách trung thực.

Nhà thơ cố gắng tạo ra trật tự và cái đẹp trong một thế giới tư bản hiện đại xấu xa ngột ngạt. Baudelaire tìm ra những “tương ứng”, tức là những quan hệ thầm kín giữa các vật, các hiện tượng chung quanh. Bằng nhạc điệu, ngôn ngữ và hình ảnh gợi cảm, ông đi sâu vào nỗi cô đơn, tội lỗi, cái Ác, cái buồn, sự suy đốn của đời sống Paris.

Lần đầu tiên trong văn học, một nhà thơ thi vị hóa cái xấu, cái dị thường, chống đối cái tầm thường của cuộc sống, vươn lên lý tưởng. Baudelaire rất có ảnh hưởng đến thơ hiện đại Âu - Mỹ.

***

Beaumarchais Pierre Augustin Caron de (1732-1799) là nhà viết kịch (đả kích xã hội phong kiến thiếu bình đẳng). Tác phẩm chính: Người thợ cạo thành Séville (1775), Đám cưới Figaro (1784).

Người thợ cạo thành Séville là vở hài kịch mỉa mai tươi mát, nhịp độ dồn dập, có tính chất quần chúng, viết và diễn trong không khí trước Cách mạng tư sản 1789. Tuy chưa đả kích thẳng vào xã hội đương thời như tác phẩm Đám cưới Figaro (viết chín năm sau), tác giả cũng đã chứng tỏ là nhà quý tộc rất cần đến sự giúp đỡ của người dân hạ đẳng, vì giai cấp này khôn khéo, có trí tuệ, biết xoay xở và trong lịch sử sẽ là chủ tương lai.

Chàng bá tước Tây Ban Nha Almaviva mê một cô gái ở Séville, bị ông lão đỡ đầu là tiến sĩ Bartolo giam lỏng để cưới. Almaviva gặp lại một tên hầu cũ là Figaro lém lỉnh và khôn ngoan, đang làm thợ cạo. Almaviva nhờ Figaro giải quyết cho việc tình duyên nan giải. Figaro đưa được chủ cũ đột nhập hai lần vào nhà Bartolo.

Lần đầu Almaviva trá hình là quân nhân, lần thứ hai giả danh là người liên lạc của thầy dạy hát cô gái. Kết quả, Almaviva chắc chắn là cô gái yêu mình. Bartolo hết sức cảnh giác mà không ăn thua, tên tay sai của Bartolo tuy cay nghiệt nhưng lại hám tiền.

Rút cuộc, viên chưởng khế đến để tổ chức đám cưới cho Bartolo và cô gái thì lại chứng nhận hôn nhân của bá tước với cô. Tên tay sai được trả tiền, nhận làm chứng. Khi Bartolo biết thì đã muộn.

Tin liên quan
Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 5] Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 5]

Đám cưới Figaro là một vở hài kịch. Vở kịch bị nhà vua cấm diễn, mãi cho đến năm 1794. Buổi diễn đầu tiên rất sôi nổi, các nữ công tước và người hầu chen nhau lấy vé, tiền thu vào như nước. Vở kịch bị lên án là vô luân, bị coi là táo tợn. Chính tác giả cũng gây ra bê bối để tuyên truyền. Ông bị nhà vua bỏ tù, nhưng lại được thả ra ngay do dư luận phản đối.

Không khí hừng hực báo hiệu Cách mạng tư sản 1789. Nó được diễn 67 buổi năm 1794. Nó lên án giai cấp quý tộc. Figaro sắp lấy cô người hầu Suzanne của nữ Bá tước Almaviva. Nhưng dự định của Figaro có thể thất bại vì bản thân Bá tước là chủ mình cũng muốn tòm tem cô nàng. Đồng thời, Marceline mà Figaro đã hứa lấy rồi lại thôi, cũng muốn phá mối tình duyên này.

Bà bèn lừa bá tước, làm cho ông tin là có kẻ tán bà chủ. Bá tước chơi lại, lập mưu đẩy Figaro phải đi lấy Marceline. Nhưng may thay, Marceline lại tình cờ phát hiện ra Figaro chính là con mình cùng ông già Bartolo. Suzanne ăn mặc giả làm nữ bá tước, giả đò hẹn bá tước đến gặp. Trời tối, bá tước thấy có Figaro lại tưởng là có kẻ đến tán vợ mình. Khi mang đuốc đến thì hóa ra là cô hầu, chứ không phải vợ. Bá tước đành cho phép Figaro lấy cô hầu Suzanne.

'Tiên học lễ, hậu học văn': Không chỉ là triết lý giáo dục mà còn là nét văn hóa của dân tộc

'Tiên học lễ, hậu học văn': Không chỉ là triết lý giáo dục mà còn là nét văn hóa của dân tộc

Trước đề xuất bỏ khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' của GS. Trần Ngọc Thêm, có người đồng tình nhưng không ít người ...

Chỉnh đốn trường học để thực thi 'văn hóa học đường'?

Chỉnh đốn trường học để thực thi 'văn hóa học đường'?

Để triển khai và thực thi thật tốt "văn hóa học đường" không có gì khác chính là phải làm cho cán bộ quản lý, ...