Tiểu thuyết Ogieni Grande. |
Ogieni Grande là tiểu thuyết thuộc chủ đề “Những cảnh đời tỉnh nhỏ”. Tỉnh nhỏ đối với Balzac là khung cảnh im lìm có thể để cho những dục vọng cuồng nhiệt nổ bùng ra.
Lão Grande, trước làm nghề đóng thùng, đã phất to trong thời kỳ Cách mạng. Lão keo kiệt, sống cay nghiệt với vợ, con gái là Eugénie và một người hầu gái. Eugénie có của hồi môn lớn nhất vùng, dửng dưng trước sự ganh đua của hai gia đình muốn hỏi nàng cho con trai họ. Nàng sống héo hon trong phòng khuê.
Bỗng một hôm, ánh sáng tình yêu đến với nàng. Cha nàng nhận một người cháu (mà bố vừa tự sát vì vỡ nợ) đến ở trong nhà. Chàng Charles là thanh niên thủ đô, lịch thiệp, phong nhã. Eugénie vừa thương vừa yêu chàng, ngầm đưa chàng hơn chục đồng tiền vàng mà cha đã đưa dần cho nàng. Nhờ vậy, Charles đi được Ấn Độ, tính kế làm ăn và hứa khi về sẽ cưới Eugénie.
Năm sau, lão Grande giận điên lên khi biết việc con gái cho vàng, nhưng lão đành làm lành vì thấy là nếu vợ lão chết, Eugénie sẽ có quyền đòi phân chia tài sản. Vợ chết, lão bắt Eugénie hứa là sẽ không đòi thừa kế. Sau đó ít lâu thì lão chết, trong khi đang ngắm vàng. Eugénie nhận được tin Charles đã làm giàu và cưới một đám có lợi cho hắn. Eugénie đành lấy chồng cho xong. Ít lâu sau, chồng chết, Eugénie sống kham khổ, dành phần lớn gia tài làm việc thiện.
Vỡ mộng cũng là tiểu thuyết thuộc loại “Những cảnh đời tỉnh nhỏ”. Đây là một áng văn trào phúng, đập tan những ảo tưởng tốt đẹp về giới báo chí và xuất bản ở Paris, tố cáo sức mạnh và sức hủ hóa của đồng tiền.
Lucien là một nhà thơ trẻ thích hưởng thụ, dễ sa đà và có chút tiếng tăm. Lucien cùng tình nhân là một nữ quý tộc đỏng đảnh bỏ tỉnh nhỏ lên Paris cầu danh. Bị bỏ rơi ở thủ đô, Lucien đành tìm cách tự xoay sở.
Lucien làm quen với một tay xuất bản và kinh doanh sách có uy tín là Dauriat. Lucien đưa cho Dauriat tập bản thảo thơ, Dauriat giữ ít lâu không đọc, rồi trả lại. Lucien cay cú. Anh làm báo, viết một bài đả kích cay độc cuốn sách của Nathan, tác giả ăn khách của Dauriat. Dauriat đành mua bản thảo của Lucien.
Về phần Lucien, muốn làm thân với Nathan nên lại viết một bài báo ký tên khác để khen y. Từ đó, Lucien có vị trí trong làng báo, nhưng làm nhiều việc bẩn thỉu, mất uy tín.
Bị thương trong một cuộc đấu gươm, hết tiền, Lucien lang thang về tỉnh lỵ quê hương. Sau đó, hắn còn làm hại anh vợ bạn mình là David, cùng có tâm hồn thơ, chủ một nhà in nhỏ. Lucien lợi dụng danh nghĩa David đi xoay xở, khiến David phải ngồi tù. Lucien lại ra đi, định tự tử, nhưng rồi kết giao với một tay gian hùng là Vautrin. David ở tù ra, được hưởng gia tài của bố, sống với cái thú văn chương.
Dì Bette thuộc đề tài “Những cảnh đời Paris”. Adeline gốc nông dân, dịu dàng và xinh đẹp, lấy được chồng quý tộc là một vị Nam tước có địa vị cao trong quân đội. Adeline có lòng tốt, gọi một người chị em họ là Bette từ nông thôn ra ở với gia đình. Bette có tính đố kỵ, ngoài mặt làm ra bộ tận tụy, nhưng trong thâm tâm ghét cay ghét đắng Adeline.
Bette cứu được một thanh niên người Slav tên là Wenceslas định tự tử và đưa về nhà cho ăn ở. Bette dồn hết tình cảm của người phụ nữ không chồng cho Wenceslas. Một hôm, Bette phát hiện ra Wenceslas muốn lấy con gái của Adeline, ả đã quyết tâm phá hoại gia đình của ân nhân mình. Bette tìm cách xúc xiểm gieo bất hòa giữa Wenceslas và con gái Adeline sau khi họ lấy nhau, Bette xúi giục chồng Adeline đi sâu vào con đường trác táng, ăn cắp của công, do đó, gây nên cái chết của người anh là một vị nguyên soái.
Nhưng gia đình Adeline lại phất lên được. Nam tước được phục hồi. Tiếc thay, sau khi Bette chết vì ho lao thì Nam tước lại tiếp tục cuộc sống trụy lạc, phản bội vợ, bắt nhân tình với một mụ ma lem. Adeline đau đớn chứng kiến cảnh đó, ba ngày sau qua đời.
Chú Pons thuộc đề tài “Những cảnh đời Paris”. Pons là một nhà soạn nhạc đã từng có tiếng. Ông có lần hoạt động ở Italy và từ lúc đó bắt đầu say mê sưu tầm đồ nghệ thuật. Về già, ông sống mòn mỏi, làm chỉ huy dàn nhạc ở một rạp hát tồi tàn.
Một số anh em họ thuộc giới quý tộc thượng lưu, thỉnh thoảng còn đoái hoài mời ông ăn cơm, nhưng khinh miệt ông vì cho ông là người nghèo khó. Ông vốn nhân hậu, lấy ân giả oán. Ông tìm cách gả chồng cho một cô em họ. Khốn thay người chồng tương lai mà ông tìm được cho cô đến phút cuối cùng lại lảng ra. Bà mẹ cô gái do đó căm ông lắm.
Ông Pons buồn quá, đau ốm triền miên. Bỗng một hôm, các anh chị em họ của Pons phát hiện ra ông có một bộ sưu tập rất giá trị, nên cả lũ bâu quanh ông như những con nhặng bẩn thỉu. Tuy cả tin và ngây thơ, cuối cùng ông cũng hiểu được dã tâm của bọn chúng, nên đã để lại tất cả của cái cho người bạn là một nhạc sĩ Đức. Ông này đáng tiếc lại bị kiện tụng, cuối cùng mất quyền thừa kế số tài sản đó.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 4] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Tác phẩm văn học Bồ Đào Nha tiêu biểu [Kỳ cuối] Văn học Bồ Đào Nha nói chung và văn học viết bằng tiếng Bồ Đào Nha được viết bởi công dân Bồ Đào Nha, những ... |