📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 7]

HỮU NGỌC 09:00 | 05/12/2021
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà văn và nhà triết học Beauvoir Simone de.

Beauvoir Simone de (1908-1986) là nhà văn và nhà triết học nữ theo chủ nghĩa hiện sinh, vợ của Jean - Paul Sartre. Tác phẩm chính: Giới tính thứ hai (1949, luận văn triết học). Đặc biệt, với tác phẩm Các quan đại trí thức (1954, tiểu thuyết), Beauvoir đã nhận được giải thưởng Goncourt danh giá.

Giới tính thứ hai là luận văn gồm hai tập: Sự việc và huyền thoại và Kinh nghiệm sống. Beauvoir chứng minh rằng không có cái gọi là “nữ tính muôn thuở”. Sự khác nhau giữa nam nữ do sinh hoạt xã hội tạo ra, là kết quả của luật pháp và phong tục. Phụ nữ luôn luôn bị đe dọa “tha hóa”.

Hình ảnh ước lệ về người phụ nữ khiến họ dễ dàng chấp nhận sự phụ thuộc và thụ động đối với nam giới. Ngay trong tình dục, nam chỉ tìm sự kích động cao độ cho mình, mà không để ý đến cá tính và sự hưởng thụ của phụ nữ.

Nam giới đại diện cho tính người, loài người nói chung, còn nữ chỉ là cái bóng. Nam không muốn cho nữ bình đẳng trong nghề nghiệp và tình yêu, do đó, nữ phải có thái độ chịu đựng hoặc hung hăng, cả hai thái độ ấy đều không đúng bản chất mình. Nữ đối với nam y như người da đen với người da trắng, sự chịu đựng dẫn đến vô trách nhiệm.

Điểm qua văn học, Beauvoir chỉ rõ những vai trò đối lập và bổ sung của nữ: vợ hay mẹ, thú vui tình dục hay chịu đựng, dè dặt hay phóng túng, đức hạnh hay đĩ thõa, tất cả đều được định nghĩa so với nam là gốc. Trong nền văn minh tư bản, không thể có tự do cho phụ nữ được. Dù sao, do biến diễn kinh tế xã hội, nữ đã bắt đầu độc lập về nghề nghiệp và tình dục. Chỉ khi có quyền thực sự thì nữ mới có tự do nội tâm. Lập luận của Beauvoir chưa thật vững chắc do chưa hiểu sâu sắc bản năng làm mẹ.

Các quan đại trí thức phản ánh sự “nhập cuộc” của những người trí thức cánh tả không dứt khoát, một số sự việc trong nhóm hiện sinh và trong giới viết văn rất mông lung. Beauvoir cho là: trong lĩnh vực chính trị và đạo lý, cần đối chiếu ý nghĩa và nội dung hành động. Cốt truyện là một tình bạn bị tan vỡ, rồi lại hàn gắn lại giữa hai nhà văn Dubreuilh và Henri.

Anne, vợ Dubreuilh, không viết văn, nhưng rất tha thiết chồng viết. Dubreuilh là người lịch duyệt, tư duy vững và qua cọ xát với Henri mà có thể định hình nhân cách của vợ và bạn. Anne có ý thức sâu sắc về cái chết, cái Tuyệt đối, còn Henri chỉ sống cái “hiện sinh”.

Ngoài ra có hai nhân vật đáng chú ý: Nadine, con gái Dubreuilh, điển hình cho thanh niên ngổ ngáo, ích kỷ, có ý thức về sự kém cỏi của mình. Paule, một người phụ nữ yêu một người một cách nô lệ nhưng lại hành hạ người yêu. Có người cho rằng, Dubreuilh chính là Jean - Paul Sartre còn Henri là Albert Camus.

***

Nhà viết kịch và tiểu thuyết Beckett Samuel.

Beckett Samuel (1906-1989) là nhà viết kịch và tiểu thuyết Ireland (cái vô lý của phận người), nhận giải thưởng Nobel năm 1969. Tác phẩm chính: Murphy (tiếng Anh 1938, tiếng Pháp 1947, tiểu thuyết), Molloy (1951, tiểu thuyết), Chờ đợi Godot (1953, kịch), Tàn cuộc (1957, kịch), Ôi, những ngày tươi đẹp (1962, kịch).

Chờ đợi Godot là vở kịch đầu tiên viết bằng tiếng Pháp của Beckett. Nội dung nói lên sự vô lý của cuộc đời. Cảnh nông thôn, có độc một cái cây, buổi chiều.

Hai tên đứng cầu bơ cầu bất, Vladimir và Estragon chờ một người tên là Godot mà họ chưa từng gặp, chờ để mong được gì thì chính họ cũng không biết.

Thời gian dài lê thê, bao giờ ông ta tới? Họ cũng không biết tại sao lại cùng đứng ở nơi hoang vắng này. Họ nói con cà con kê với nhau về sự chờ đợi, về những chuyện khổ sở linh tinh, về sự việc và kỷ niệm vớ vẩn… nghe sốt ruột đến phát cười vì ngán.

Mãi rồi bỗng xuất hiện một thầy một tớ: Pozzo đánh đập tàn nhẫn Lucky mà cũng chẳng thích thú gì. Lucky có vẻ an phận (cảnh này gợi ý hiện tượng người bóc lột người, hay nỗi khổ ràng buộc hai vợ chồng). Thầy và tớ đi qua. Còn lại hai người ăn mày.

Có người đến báo là ông Godot mai mới đến. Ngày hôm sau mọi việc xảy ra y như hôm trước, có điều, thầy và tớ đã già đi, thầy mù, tớ câm. Ông Godot lại hẹn hôm sau, cứ thế mãi. Ông Godot phải chăng là Thượng đế (tiếng Anh: God)?

Tàn cuộc là vở kịch nói lên sự vô lý, tính chất bi đát của cuộc đời. Khung cảnh là một phòng gần như rỗng không. Ánh sáng lờ mờ tỏa từ hai cửa sổ nhỏ rất cao, qua đó thấy trời xám xịt và biển im lìm. Chủ nhà, Hamm bị mù, ngồi lì trong ghế bành, kể chuyện lảm nhảm nhưng không khuây khỏa. Hamm đành làm tình làm tội tên đầy tớ Clov để tiêu khiển: sai Clov đi lấy lại một đồ vật, đẩy ghế, nhìn ra ngoài…

Gần chỗ Hamm ngồi có hai thùng rác, hai bố mẹ già của Hamm sống trong đó, chỉ còn biết ăn, thỉnh thoảng nhớ lại một mẩu dĩ vãng lơ mơ. Toàn vở kịch toát ra một không khí kệch cỡm, thảm thê, vạch trần cái vô lý, cái phù du của đời người.