Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (Nguồn: Tạp chí Quê Hương). |
Vào thời nhà Đinh (930-950), dân ta đã dùng mủ cây sơn để trét thuyền, rồi lần lượt qua các triều đại Lê, Lý, Trần còn giữ được nhiều cổ vật, nhiều pho tượng gỗ hay đất đều được sơn son thếp vàng... Ngày nay, Huế là nơi những vết tích và tác phẩm sơn mài cổ còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất.
Từ trong kiến trúc tâm linh
Năm 1925, trong một buổi làm việc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, họa sỹ Josehp Inguimberty sửng sốt trước các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng lâu đời. Ông đề xuất ngay với thầy Victor Tardieu, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) để đưa sơn ta vào chương trình nghiên cứu và thực tập. Từ đó, chất liệu sơn mài liên tục được sáng tạo từ hai màu truyền thống là cánh gián đỏ và đen, sau này có thêm các vật liệu màu như vàng, bạc, son, then, vỏ trứng, vỏ trai...
Sơn ta truyền thống, chất liệu chỉ sử dụng trong trang trí, đã trở thành một chất liệu hội họa. Có thể nhắc đến bức tranh sơn mài đầu tiên của Trần Quang Chân trên bình phong Cành tre bóng nước năm 1934. Nhưng phải kể đến họa sỹ Nguyễn Gia Trí, người dẫn đầu thời kỳ cực thịnh của tranh sơn mài (1938-1944) với những tác phẩm tiêu biểu như Cảnh nông thôn (1939), Thiếu nữ bên cây phù dung (1944). Ông cùng một số họa sỹ khác như Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Quốc Lộc phát triển tranh sơn mài nhưng mới chỉ thuần gam màu nóng.
Đến thời kỳ sau cách mạng, năm 1948, tác phẩm Bộ đội thổi sáo do họa sỹ Tô Ngọc Vân và Nguyễn Tư Nghiêm nghiên cứu thành công, mở ra một hệ gam lạnh. Đến năm 1954, tranh trang trí đã sử dụng được tất cả các gam màu nóng lạnh. Bên cạnh đó, nội dung tranh sơn mài gần với đời sống, bám sát cuộc sống cách mạng hơn, có khả năng miêu tả hiện thực cao hơn. Tại các triển lãm mỹ thuật quốc tế, tranh sơn mài Việt với đầy đủ các màu sắc biểu cảm, nhiều kích cỡ đã ghi dấu ấn đặc biệt trong con mắt giới mỹ thuật quốc tế.
Họa sỹ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam nhận định: Kỹ thuật “sơn mài truyền thống” đã chuyển hẳn sang mỹ thuật hội họa. Thế hệ sau này, bên cạnh những sáng tác theo phong cách sơn mài truyền thống, đã tìm ra nhiều màu sắc, bao gồm cả màu công nghiệp, với nhiều lối tạo hình khác nhau. Có thể khẳng định, kể từ khi ra đời, tranh sơn mài Việt Nam ngày càng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng. Nhiều tác phẩm trong thế kỷ XX đã trở thành kiệt tác, bảo vật Quốc gia. Tranh sơn mài Việt Nam được khách quốc tế “săn lùng”, tìm mua... trở thành một thể loại đắt giá tại thị trường tranh khu vực.
Tính tiên phong của sơn mài Việt
Tại một vài nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và sau này Hàn Quốc... cũng có những sản phẩm sơn mài. Tuy nhiên, những đồ dùng hoặc vật dụng trang trí mỹ nghệ sơn mài đó hoàn toàn khác với sơn mài của Việt Nam. Tranh sơn mài của mỗi nước mang nội dung phản ánh bản sắc riêng. Kỹ thuật sơn mài và mài tạo màu của các nước cũng khác nhau. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia đầu tiên sử dụng chất liệu sơn mài trong hội họa.
Theo họa sỹ Trần Khánh Chương, tranh sơn mài của Việt Nam đặc biệt bởi khí hậu phù hợp để làm tranh sơn mài. Sơn ta nếu gặp trời hanh thì cả năm cũng không khô. Vì vậy, họa sĩ sơn mài phải có phòng ủ ẩm.
Hiện Trung Quốc có khoảng 30 trường dạy mỹ thuật có khoa tranh sơn mài với mục tiêu đưa thể loại tranh này trở thành thương hiệu của mỹ thuật quốc gia. Theo họa sỹ Trần Khánh Chương, tranh sơn mài Trung Quốc được làm tinh tế nhưng thiếu chiều sâu. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều thế hệ nghệ sỹ tranh sơn mài, có phong cách riêng, có nhiều chất liệu quý, độc đáo, có kỹ thuật mài tạo nên vẻ đẹp chiều sâu. Các họa sỹ Việt Nam đang tiếp tục sáng tạo tranh sơn mài hội họa biểu cảm chứ không phải đơn giản là tranh trang trí.
Ngày nay, tranh sơn mài đang được lớp họa sĩ trẻ tuổi tìm tòi, nâng cao về mặt kỹ thuật, thao tác cho đến sử dụng chất liệu sơn ta để tạo ra nhiều tác phẩm đẹp cả về nội dung cho đến nghệ thuật biểu cảm. Vì vậy việc nghệ thuật sơn mài đang hướng đến danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào to lớn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và làm rạng rỡ thêm kho tàng nghệ thuật tạo hình Việt Nam.