📞

Sơn ta + vẻ đẹp từ chất liệu truyền thống

Minh Hòa 15:36 | 14/05/2022
Sơn mài thì vài nước khác trong khu vực cũng có, nhưng sơn ta – thứ nguyên liệu được chiết xuất từ nhựa cây sơn ở Phú Thọ, thì chỉ có ở Việt Nam. Chất liệu này đã và đang làm nên những điều đặc biệt.
Góc không gian của triển lãm 'Sơn ta +'. (Ảnh: Mạnh Cường)

Sau thời gian dài ‘dồn nén’ vì Covid-19, Hà Nội trở lại với cuộc sống bình thường mới và hoạt động của những hội, nhóm nghệ thuật cũng sôi động trở lại. Triển lãm tranh sơn mài truyền thống Việt Nam với tên “Sơn ta +” đã chọn thời điểm chớm Hạ để trình làng…

Đây là sự kiện do Công ty Dream Partners và nhóm Sơn ta Việt Nam phối hợp tổ chức. Mang đến cho công chúng một không gian kiến trúc đương đại quyện trong nét Á Đông. Triển lãm đã thực sự gây ấn tượng với người yêu nghệ thuật những bức tranh sơn mài đẹp, độc và lạ.

Chất liệu kén người

Trò chuyện với họa sĩ kì cựu Đỗ Khải – thành viên Ban Chủ nhiệm nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam, anh chia sẻ: Câu chuyện bắt đầu từ 6 năm trước, nhóm Sơn ta có một số họa sĩ, trong đó có họa sĩ Đỗ Khải, tham dự triển lãm tranh quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Tại triển lãm này, chỉ có ở Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là có tranh sơn mài và thật tuyệt vời là tranh sơn mài truyền thống Việt Nam từ chất liệu sơn ta, đã gây hiệu quả bất ngờ với lịch sử hàng ngàn năm nay. Đặc biệt, độ bền của chất liệu này có thể lên tới hàng trăm năm. Sau triển lãm ấy, các họa sĩ bàn nhau thành lập nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam.

Họa sĩ Đỗ Khải cho biết, trong những năm đầu, tranh vẽ bằng sơn ta không mài được vì tính dẻo của nó. Chế gia giảm thêm sơn màu cánh gián, thêm nhựa thông để tạo độ cứng, đến khi tranh sơn ta có thể mài được và đánh bóng được thì người ta gọi nó là tranh sơn mài. Những năm 60-70 của thế kỷ trước, những tên tuổi lớn như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Trần Văn Cẩn… và rất nhiều họa sĩ khác đã làm nên tên tuổi tranh sơn mài và được thế giới ghi nhận.

Chất liệu sơn ta khá “kén” họa sĩ. Để theo được chất liệu này, đầu tiên, họa sĩ phải là người không bị dị ứng sơn (hay còn gọi là sơn ăn), tiếp đó mới là điều kiện tài chính và gu tạo hình với chất liệu lạ này. Sơn ta đắt đỏ bởi nó được chiết xuất từ nhựa cây sơn ở Phú Thọ. Nó còn không dễ dùng bởi nó cần độ ẩm cao (từ 85 % trở lên) và nhiệt độ khoảng 20 độ C trở lên thì mới khô. Nếu không khí khô thì sơn ta lại không khô và ngược lại. Vì thế, để theo được chất liệu sơn ta đòi hỏi ở họa sĩ một số yêu cầu riêng biệt.

Chỉ cần như vậy cũng đủ hiểu, để ra được những tác phẩm thương mại thì chi phí cho công sức họa sĩ và vật liệu đều không ít. Chính vì thế, sơn ta không chỉ “khắc nghiệt” với các họa sĩ, mà cũng đắt đỏ với nhà sưu tầm tranh. Để vẽ được tác phẩm sơn ta thực sự thì phải mất vài tháng, thậm chí có những họa sĩ vẽ vài năm, trăn trở mãi mới xong.

Đó có lẽ cũng là lý do mà nhóm Sơn ta không chọn tên là Sơn mài Việt Nam mà phải là Sơn ta Việt Nam vì nó là chất liệu chỉ Việt Nam mới có. Nói như vậy để “ước lệ” là giữ được “chất truyền thống”, còn tất nhiên, khi vẽ tranh sơn mài thì có thể sử dụng nhiều chất liệu, như sơn công nghiệp, sơn ta, sơn Nhật…

Nhưng để có cái chất riêng vẫn phải là "sơn mài Việt Nam” được sáng tạo nên từ sơn ta. Đấy là cách mà nhóm khẳng định về "cái riêng" cho chất liệu của đất nước mình.

Triển lãm Sơn ta + cho thấy những bức tranh được “hóa thạch” bởi chất liệu sơn ta truyền thống, nhưng cách tiếp cận lại rất hiện đại. Theo họa sĩ Đỗ Khải, quan điểm chung của nhóm là dùng sơn ta không có nghĩa là các họa sĩ phải gò bó trong nghệ thuật truyền thống mà là kế thừa và phát triển. Tính đương đại trong tranh được thể hiện bằng chất liệu truyền thống đã mang đến một thứ ngôn ngữ hội họa mới.

"Trò đuổi bắt" với sơn ta

Có nghe người trong cuộc chia sẻ mới hiểu thêm về sơn ta. Với chất liệu này, đôi khi, chính họa sĩ không làm chủ được cái tác phẩm của mình. Ban đầu phác thảo là A, nhưng vẽ ra không giống A mà có khi lại thành B hay thành C…

Lý do là trong quá trình vẽ rồi ủ xong, thành phẩm nét vẽ hay màu sắc lại không như ý tưởng ban đầu. Thế là họa sĩ phải vừa đuổi theo, vừa duy trì cảm xúc ban đầu của mình và cứ thế giữ được cảm xúc ấy trong suốt thời gian sáng tạo với tác phẩm đó.

Theo họa sĩ Đỗ Khải, sau khi mài xong rồi thì thứ hiện ra lại là một thứ hoàn toàn khác, hiệu ứng cũng khác. Họa sĩ muốn màu sáng thì nó đã thành trầm hoặc ngược lại. Khi thành phẩm không đạt theo ý tưởng thì "cuộc đuổi bắt cũng bắt đầu". Nhưng chính cuộc truy đuổi ấy lại tạo nên sự hào hứng và cảm hứng cho họa sĩ. Điều này rất quan trọng!

Nhiều người nói rằng, họa sĩ chỉ có cảm hứng mới vẽ. Thực ra, cảm hứng chỉ xuất hiện trong một ngày, có khi chỉ được một đường nét, nhưng nó phải được duy trì và phát triển trong suốt quá trình lao động và sáng tạo. Càng tìm tòi khó khăn thì khi chinh phục được người họa sĩ lại cảm thấy hứng thú hơn. Đó là điều thú vị của quá trình lao động vật lộn nhằm tạo nên cảm hứng.

"Kẻ khổ sai" của nghệ thuật

Họa sĩ Đỗ Khải tâm sự: “Các họa sĩ vốn chỉ biết vẽ và vẽ… không truyền thông, không tiếp thị,… nhiều họa sĩ buồn vì những đứa con tinh thần trưng mãi chẳng ai mua hoặc có người mua thì tiếc không muốn bán vì giá “bèo” quá. Đến khi Sơn ta đến được với nhà tổ chức, họ lo hết khâu tiếp thị, quảng bá tranh… thì việc của họa sĩ chỉ còn là thổi hồn vào tác phẩm”.

Chính vì vậy, theo Đỗ Khải, rất cần có một đơn vị phối hợp để người họa sĩ toàn tâm toàn ý sáng tác, còn việc đưa tác phẩm ra công chúng hay giao dịch thì cần có một nhà tổ chức chuyên nghiệp đảm nhiệm. Việc này đã có ở nhiều nước, còn ở Việt Nam có nhưng chưa phát triển tương xứng với nhu cầu. Và, lần này nhóm Sơn ta may mắn được phối hợp với Công ty Dream Partners.

Họa sĩ Đỗ Khải đang chia sẻ về bức tranh sơn mài truyền thống Múa Khèn. (Ảnh: Mạnh Cường)

Đó là về sự nghiệp nghệ thuật, còn về cuộc sống, có những họa sĩ cũng phải trả giá cho đam mê của mình. Có những họa sĩ vượt qua được chặng đường như thế, nhưng không ít người không vượt qua được, khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Có những họa sĩ luôn cười nói rất vui vẻ, nhưng thực ra lại có thể đang đau đáu một nỗi lòng.

Họa sĩ Đỗ Khải tâm sự: “Vẽ nhìn tưởng nhàn hạ nhưng thực ra rất mệt và tiêu tốn nhiều năng lượng. Chúng tôi vẽ qua bữa cơm là chuyện bình thường bởi đến giờ vẽ thì chưa chắc đã vẽ được ngay mà còn nhìn ngắm có khi đến cuối buổi mới bắt được nhịp và sự hăng say, hưng phấn làm cho chúng tôi quên ăn, quên ngủ, quên thời gian…”.

Một họa sĩ chân chính hiếm khi bằng lòng với những gì mình đã vẽ. Với họ, những bức tranh thật sự đẹp luôn ở tương lai. Ngay những bức đã được mang đi triển lãm nhưng một hôm nào đó sau triển lãm, rất có thể nó lại được sửa lại. Có khi nó được sửa đẹp lên, nhưng cũng có thể bị xấu đi. Đó là chuyện bình thường!

Hóm hỉnh ví von, họa sĩ Đỗ Khải cho rằng, "các họa sĩ cũng giống như vị vua, có quyền sáng tạo, cai trị mọi việc trong tác phẩm của mình, nhưng cuối cùng lại có thể trở thành một kẻ khổ sai khi tự mình hiện thực hóa tất cả những ý tưởng đó. Khi bức tranh sắp hoàn thành, chuẩn bị ký là thời điểm vô cùng khó khăn. Nếu như một đạo diễn cần phải quyết định cho nhân vật nào chết, nhân vật nào sống, đôi nào được lấy nhau, ai được nhớ mãi, ai sẽ bị lãng quên thì họa sĩ phải quyết định để mảng nào nổi bật lên, mảng nào chìm, không tranh chấp nhau… Đắn đo, ngắm nghía mãi rồi mới ký được mà ký rồi vẫn sửa là chuyện bình thường".