Một nghiên cứu gần đây tại Nhật Bản đã tìm thấy mối liên hệ giữa biến động nhiệt độ và tỷ lệ giới tính nam, nữ khi sinh. Tiến sĩ Misao Fukuda, tác giả nghiên cứu này cho biết, các bé trai đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các yếu tố căng thẳng bên ngoài.
Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ sơ sinh nam và nữ. (Ảnh: Daily News) |
Mùa hè năm ngoái, TS. Fukuda và các đồng nghiệp đã công bố một nghiên cứu riêng biệt về việc sinh con ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi các sự kiện môi trường, gây ra căng thẳng cực độ. Nghiên cứu đã thử nghiệm tại tỉnh Hyogo sau trận động đất Kobe năm 1995, tỉnh Tohoku, sau trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản năm 2011 và thảm họa hạt nhân tiếp theo tại nhà máy điện Fukushima Daichii, tỉnh Kumamoto sau trận động đất năm 2016.
9 tháng sau những thảm họa này, tỷ lệ trẻ em nam được sinh ra ở các quận giảm từ 6% đến 14% so với năm trước. Dữ liệu này phù hợp ý kiến cho rằng, căng thẳng cực độ sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ, từ đó làm thay đổi tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh.
Căng thẳng xuất phát trực tiếp từ sự nóng lên toàn cầu cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ giới tính. Ông Fukuda đưa ra giả thuyết rằng, sự tổn thương của các tế bào tinh trùng mang phôi nam hoặc thai nhi bị căng thẳng là lý do của sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ giới tính.
Còn với Samuli Helle, một nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Bộ phận Sinh thái học, Khoa Sinh học tại Đại học Turku Phần Lan phát hiện ra rằng, nhiệt độ ấm hơn sẽ có lợi cho các bé trai.
Trong nghiên cứu của mình về người Sami ở miền Bắc Phần Lan, ông Samuli Helle cho biết, cứ tăng nhiệt độ 1 độ C, tỷ lệ bé trai sơ sinh tăng 0,06% so với bé gái. Ví dụ, nếu nhiệt độ tăng hàng năm 3 độ C sẽ giúp tỷ lệ trẻ sơ sinh nam nhiều hơn trẻ sơ sinh nữ 0,18%.