TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, rút bảo hiểm xã hội một lần cho thấy sự bất an kinh tế của một bộ phận người lao động, đặc biệt với nhóm thu nhập thấp và không ổn định. (Ảnh: NVCC) |
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2021 có hơn 4,25 triệu lao động ở nước ta tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng cũng có tới 4,06 triệu người rút một lần, tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11%.
Trong đó, khu vực doanh nghiệp chiếm đa số người rút BHXH một lần (gần 2,9 triệu, tương đương 90,7%); khu vực nhà nước có khoảng 257.000 người, tương đương 8%; và 38.800 người (1,2%) là lao động tham gia BHXH tự nguyện.
Những người rút BHXH một lần cũng chủ yếu thuộc nhóm lao động khá trẻ: độ tuổi trung bình của nam là 34 và nữ là 32 tuổi, trong đó, nhóm từ 20-40 tuổi chiếm tới 77,5% và sau độ tuổi 40 chiếm 22,5%.
Chấp nhận những rủi ro trong tương lai để xin rút BHXH một lần cho thấy sự bất an kinh tế của một bộ phận người lao động, đặc biệt là với nhóm thu nhập thấp và không ổn định.
Bất an kinh tế xuất hiện khi người lao động mất việc làm trong một khoảng thời gian dài hoặc buộc phải làm những công việc khác có thu nhập thấp hơn, hoặc họ phải đối diện với một khoản chi phí tăng đột biến nào đó. Khi không còn lựa chọn nào khác khả dĩ hơn để vượt qua trạng thái khó khăn, người lao động buộc phải rút BHXH một lần, cho dù họ có thể biết sẽ phải đối diện với những thiệt thòi và rủi ro về lâu dài.
Trạng thái bất an kinh tế có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trước hết do tình trạng làm việc không có tích lũy, cùng những áp lực từ khó khăn trước mắt, hoặc những tính toán khác cho cuộc sống sau này. Giảm bất an kinh tế đòi hỏi những can thiệp chính sách tổng thể, chứ không thể chỉ trông chờ vào việc sửa đổi một bộ luật.
Vì thế, những đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của các nhà hoạch định chính sách ở nước ta trong việc dung hòa giữa đáp ứng nguyện vọng hiện nay của người lao động với bảo đảm sự an toàn về cuộc sống của họ trong tương lai.
Vấn đề hiện nay là làm thế nào để khuyến khích người lao động gắn bó với chương trình BHXH để sau này được nhận lương hưu, đảm bảo cuộc sống an toàn bền vững hơn?
Điều chỉnh đáng chú ý nhất trong Dự thảo Luật bảo hiểm (sửa đổi) là phương án can thiệp mang tính hành chính, giảm thời gian đóng và chỉ cho rút tối đa 50% số năm đóng BHXH. Mặc dù điều chỉnh này có thể khiến người lao động cân nhắc, nhưng nếu xét về logic tâm lý và hành vi, cùng quan sát thực tế cho thấy, động lực chính của những người xin rút BHXH một lần không hẳn chỉ là những chi tiêu trước mắt.
Thay vào đó, cá nhân xin rút BHXH một lần thường sẽ quan tâm hơn đến một khoản kinh phí nhất định để có thể tính toán cho các kế hoạch khác. Đặc biệt là tự tạo dựng một công việc khác, chủ động, ổn định và bền vững hơn cho mình. Bởi thế, có thể dự đoán tổng số tiền được nhận mới là yếu tố hàng đầu để người lao động quyết định rút BHXH một lần hay không, chứ không phải các quy định mới được điều chỉnh.
Điều chỉnh đáng chú ý thứ hai là các hình thức hỗ trợ tài chính, chủ yếu là các chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế, cũng chưa đủ tạo thành động lực mạnh để người lao động kiên nhẫn với BHXH.
Với những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện nhận lương hưu, muốn đợi đến tuổi được nhận lương hưu thì mức trợ cấp hàng tháng tối thiểu là 500.000 đồng cùng bảo hiểm y tế là không đáng kể, chưa tính đến khả năng họ còn phải lo cho người phụ thuộc.
Do đó, đề xuất nêu trên sẽ gặp rất nhiều thách thức nếu tính đến thực tế có tới 3/4 số người rút BHXH một lần thời gian qua thuộc nhóm dưới 40 tuổi. Với nhóm lao động còn thời gian làm việc khá dài như vậy có thể dự đoán khả năng sẽ ít người thực sự quan tâm đến các hình thức hỗ trợ hằng tháng này. Nói cách khác, tác động của biện pháp can thiệp tài chính đến hành vi rút BHXH một lần của người lao động có thể sẽ rất hạn chế.
Chúng ta sẽ nghĩ đến một lựa chọn thay thế khác, có thể khuyến khích người lao động tiếp tục gắn bó với BHXH, là bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, không chỉ nguy cơ chây ỳ của các doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, các quy định pháp lý hiện tại cũng khiến loại bảo hiểm này chưa phải là điểm tựa đáng tin cậy khi người lao động gặp khó khăn về việc làm và thu nhập.
Cụ thể, như các quy định sau đây khiến người lao động muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ khó thực hiện: họ phải "có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp", hay họ “chỉ hưởng tối đa 12 tháng”.
Để giảm bất an kinh tế, giúp người lao động không phải thực hiện những quyết định “lợi bất cập hại” thì phúc lợi từ ngân sách Nhà nước, cụ thể nhất là các chương trình bảo hiểm và trợ cấp xã hội, luôn giữ vai trò hàng đầu.
Theo kinh nghiệm tại một số nước, sự hỗ trợ tài chính phải bằng khoảng 35% thu nhập trước đó của người lao động thì họ mới có thể duy trì cuộc sống tối thiểu. Khi sự hỗ trợ cho các thành viên trong hộ gia đình đang rơi vào trạng thái bất an kinh tế chưa đủ và không kịp thời để duy trì cuộc sống thì những hiện tượng không mong đợi như rút BHXH một lần sẽ vẫn diễn ra.
Thách thức lớn nhất với các loại phúc lợi do Nhà nước bảo đảm ở các nước đang phát triển như nước ta là vấn đề nguồn lực. Cho đến nay, cũng chỉ các nước giàu có, phát triển hàng đầu thế giới mới có thể bảo đảm sự an toàn về kinh tế cho mọi người dân trong những tình huống khó khăn bất ngờ.
Cũng bởi thế, về lâu dài, chúng ta cần tính đến các mô hình hỗ trợ cộng đồng để người dân có điều kiện có thể đóng góp, tạo thành các quỹ tự nguyện. Qua đó, có thể san sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc hỗ trợ những người gặp khó khăn, giúp bảo đảm an toàn cuộc sống cho người lao động trong mọi tình huống.
| Ngày Quốc tế Hạnh phúc: Cần ‘biết đủ’ để đi tới hạnh phúc! GS. TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bài học “biết đủ” để hạnh phúc ... |
| Thanh niên là người đi đầu 'mở cửa' kỷ nguyên số TS. Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Thanh niên – Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho rằng, ... |
| TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Để công nghệ trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ phục vụ loài người… TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là xây dựng một khuôn khổ pháp luật quốc tế về công nghệ ... |
| Chủ trương của Đảng và khát vọng của nhân dân Từ “Cương lĩnh chính trị” đầu tiên năm 1930 đến các văn kiện tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII cho thấy tôn chỉ, ... |