📞

Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

23:39 | 12/12/2018
Ngày 12/12 tại Hà Nội. UNESCO và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo Quốc tế về “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.”

Tham dự Hội thảo có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESSCO tại Hà Nội Michael Croft, cùng sự tham dự của khoảng 100 đại biểu là các học giả, nhà quản lý và cộng đồng những người làm việc trong các lĩnh vực có liên quan như quan hệ quốc tế, văn hóa, báo chí và truyền thông.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam…” (Ảnh: Trung Hiếu)

Các phần trình bày và thảo luận xoay quanh việc xác lập cơ sở lý luận và khung phân tích, kinh nghiệm quốc tế và các giải pháp phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Từ các kết quả nghiên cứu ban đầu, nhóm nghiên cứu đề tài do PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Phương và thành viên triển khai thực hiện cho rằng, hầu hết các quốc gia đứng trong vị trí top đầu trong bản đồ soft power 30 (sức mạnh mềm 30) từ năm 2015 đến nay như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật,  hay các cường quốc mới nổi tại châu Á như Hàn Quốc dù gia tăng sức mạnh mềm theo mục tiêu nào thì sự thành công của họ đều có mẫu số rất đặc biệt liên quan việc chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa – thành sức mạnh mềm văn hóa có sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục đối tượng tiếp nhận.

Điều đó đưa đến một hướng tiếp cận mới về sức mạnh mềm văn hóa là xác lập cơ chế chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm thông qua các kênh tác động ngoại giao văn hóa, công nghiệp văn hóa, truyền thông và thương hiệu quốc gia, thương hiệu thành phố thành sức lan tỏa, lôi cuốn, thẩm thấu vào quốc gia tiếp nhận.

Các quan điểm khoa học cũng chỉ ra, cơ chế chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa nếu được xác lập và vận hành tốt sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam phát huy sức mạnh mềm văn hóa hiệu quả trong điều kiện thực tế của một quốc gia đang phát triển và chưa có tiềm lực cạnh tranh về kinh tế.

Các ý  kiến thảo luận từ các học giả trong và ngoài nước và nhà quản lý dù có nhiều khác biệt, song đều thống nhất ở quan điểm cần xác lập một tầm nhìn dài hạn để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và trước hết tầm nhìn này phải được bắt đầu từ việc thực hiện các mục tiêu rất cụ thể là hình thành cơ chế phối hợp giữa các kênh tác động nhằm tạo hiệu quả tích cực trong việc chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa vốn rất đa dạng, phong phú của Việt Nam.

Đặc biệt là đề xuất cần có trọng điểm phát triển thương hiệu sức mạnh mểm văn hóa Việt Nam từ việc xây dựng thương hiệu Hà Nội – thủ đô, thành phố sáng tạo của khu vực của TS. Lê Văn Phong, Ủy viên thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Từ đề xuất này,  tiềm năng và tầm nhìn cho Hà Nội như một thành phố sáng tạo đã được đưa ra thảo luận như một trường hợp điển hình về sức mạnh mềm văn hóa. Tim Voegele-Downing, chuyên gia về thương hiệu từ Tomorrow + Partners, đề xuất một chương trình dài hơi nhằm định vị Hà Nội như một trung tâm văn hóa của cả nước, một thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO với trọng tâm vào lĩnh vực Thiết kế, và xa hơn là một Kinh đô Sáng tạo của Đông Nam Á. Sau đó, các chuyên gia quốc tế khác cũng chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các thành phố sáng tạo trong khu vực nhằm hướng tới tạo dựng môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo.

Hội thảo quốc tế này là một phần trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”, mã số KX.01.16/16-20 thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, mã số: KX.01/16-20, với sự hợp tác của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESSCO tại Hà Nội Michael Croft đang phát biểu. (Ảnh: Trung Hiếu)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, nhấn mạnh “những hiểu biết sâu sắc về sự hình thành và việc duy trì sức mạnh mềm văn hóa có vai trò then chốt đối với Việt Nam trong việc giải quyết với các thách thức của tương lai và định vị quốc gia tốt nhất để đạt được thành công và sự ổn định.” Ông cũng đưa ra một câu hỏi đặc biệt quan trọng cho Hà Nội, “Chúng ta biết rằng năm tới sẽ tròn 20 năm Hà Nội được công nhận là Thành phố vì Hòa bình. Mặc dù vẫn rất có ý nghĩa, liệu danh hiệu này có đủ đại diện cho tất cả những khát vọng của Thủ đô trong thế kỷ mới hay không?”

Cũng chia sẻ quan điểm này, PGS. TS. Phạm Thị Lan Oanh, Phó Viện trưởng, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam. Đất nước đang hội nhập sâu rộng và có vị thế hơn trên trường quốc tế. Bên cạnh những nỗ lực phát triển kinh tế, Việt Nam rất quan tâm phát triển “sức mạnh mềm”, đặc biệt về văn hóa. PGS. TS. Phạm Thị Lan Oanh kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong việc đưa các chiến lược và ý tưởng được thảo luận trong hội thảo vào các hoạt động triển khai trên thực tế.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu tại Hội thảo, chia sẻ những trải nghiệm của ông về “sức mạnh mềm Việt Nam” mà theo ông bao gồm 5 nhân tố đặc trưng:

Thứ nhất, vị trí địa chính trị - địa kinh tế tự nhiên của Việt Nam tạo nên sức hấp dẫn của đất nước đối với các nước lớn. Thứ hai, lịch sử VN tạo nên sức hấp dẫn rất mạnh đối với quốc tế. Thứ ba,nhân tố văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là yếu tố văn hóa phi vật thể đặc sắc. Người Việt Nam có truyển thống yêu nước, cần cù lao động, có tính sáng tạo cao. Thứ tư, chính sách của Việt Nam có sức hấp dẫn mạnh cả trong thời chiến cũng như thời bình, vì ẩn sau đó là những triết lý về văn hóa. Bên cạnh đường lối chính sách của Nhà nước còn có hành xử của người dân Việt Nam, mà theo ông là rất nhân văn. Thứ năm, chính sức mạnh cứng về quân sự - chính trị - kinh tế cũng góp phần tạo nên sức mạnh mềm, và chuyển hóa thành sức mạnh mềm.

Đại sứ Vũ Bình (Bộ Ngoại giao Việt Nam) phát biểu nhấn mạnh: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nảy sinh nhiều thách thức mới, phức tạp, việc giải quyết các vấn đề này không chỉ sử dụng sức mạnh cứng mà cần sức mạnh tổng hòa, trong đó ngoại giao văn hóa, sức mạnh mềm đang ngày càng được các quốc gia quan tâm, tăng cường và đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đại sứ Vũ Bình khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và phát huy vai trò của ngoại giao, trong đó có ngoại giao văn hóa, và đã đạt một số thành tựu quan trọng, nổi bật.

Đại sứ Vũ Bình (giữa) đang phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Trung Hiếu)