📞
Những sáng chiếu ban đầu của xã hội Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Kỳ 1)

Sức mạnh nội sinh kiến tạo Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

PGS.TS NGUYỄN TIẾN DŨNG * - ThS. NGUYỄN THỊ THU UYÊN** 10:00 | 21/08/2021
Định hình và nâng cao ý thức công dân xã hội chủ nghĩa là một trong những nhân tố tạo sức mạnh bên trong của quá trình kiến tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. (Ảnh minh họa, nguồn: lyluanchinhtri.vn)

Nói về xã hội Xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang kiến tạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021), bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đó là xã hội tất yếu của quy luật của vận động và phát triển của nhân loại, là xã hội của những giá trị Người và đỉnh cao Chủ nghĩa nhân văn: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé" vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”… Là xã hội mà ở đó lý luận khoa học về sự phát triển xã hội và thực tiễn xã hội thống nhất với nhau với tất cả mục tiêu tốt đẹp nhất cho con người, vì con người.

Báo Thế giới & Việt Nam xin giới thiệu loạt bài 3 kỳ làm sáng rõ sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn với thực tiễn phát triển đất nước ở từng thời kỳ, đặc biệt là tư duy đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn phát triển mới, thực hiện khát vọng “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc", trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Bài 1: Sức mạnh nội sinh kiến tạo Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Một trong những động lực của sự kiến tạo đó là phát huy cho được những giá trị tích cực của nhân tố chủ quan trong tương tác với khách quan. Đó là một quá trình lâu dài, phức tạp, đòi hỏi phải giữ vững niềm tin và kiên trì lập trường cách mạng. Định hình và nâng cao ý thức công dân xã hội chủ nghĩa là một trong những nhân tố tạo sức mạnh bên trong của quá trình kiến tạo. Đó chính là nội lực của: “Sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”.

Ý thức công dân - chiều sâu của kiến tạo xã hội

Ý thức công dân (Civic consciousness) là trình độ nhận thức của con người về bản thân, về trách nhiệm và ý nghĩa của cá nhân trong các quan hệ xã hội trong một xã hội nhất định. Đó là kết quả tích hợp của các yếu tố: chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật, đạo đức, giáo dục, tôn giáo, truyền thống…

Vì vậy, ý thức công dân là một hệ thống tương tác của quyền công dân, trách nhiệm công dân, đạo đức công dân… mà biểu hiện cao nhất là lòng yêu nước. Bởi thế ý thức công dân không chỉ là linh hồn, là bộ mặt công dân mà còn là tấm gương phản chiếu của mỗi chế độ chính trị, truyền thống lịch sử văn hoá của mỗi quốc gia, thậm chí quy định tính chất Người của mỗi thời đại.

Về mặt lý luận cho thấy, ý thức công dân là sự biểu hiện của ý thức xã hội nên ở đó không thiếu tính lạc hậu, tính bảo thủ trong tương tác với cá nhân khác, làm giảm thiểu sự hợp lực trong thực hiện các kế sách của các chính phủ. Chẳng hạn do quá đề cao quyền riêng tư cá nhân mà phần lớn cư dân của các nước phát triển đã không hợp tác với chính phủ trong việc truy vết nguồn dịch SARS-CoV-2, làm cho dịch Covid-19 trầm trọng hơn ở những nước đó.

Ngược lại ý thức công dân có khả năng vượt trước. Nghĩa là trong kết cấu của ý thức công dân hiện tại đã hình thành những nét cơ bản của ý thức công dân xã hội tiếp theo tiên tiến hơn do được giáo dục, rèn luyện bởi những tư tưởng tiến bộ, khoa học đại diện cho xã hội tương lai. Trong trường hợp này, ý thức công dân chính là sức mạnh tinh thần, là những tinh lực, góp phần quan trọng trong việc định hình nền tảng tinh thần của xã hội mới.

Lịch sử phát triển của các chế độ xã hội, thậm chí trong những giai đoạn khác nhau của chế độ xã hội cho thấy ý thức công dân luôn là nội lực để tháo gỡ và giải quyết những vấn để đối nội và đối ngoại của quốc gia.

Đó chính là tuệ nhãn của Hồ Chí Minh khi nói về sức mạnh của nhân dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tinh thần ấy - ý thức công dân, phần chìm của lòng yêu nước, yêu chế độ là sức mạnh nội sinh để chúng ta làm nên cách mạng tháng Tám 1945, giữ vững chính quyền sau cách mạng, làm nên một Điện Biên Phủ trấn động địa cầu và đại thắng mùa Xuân 1975 thu giang sơn về một mối, thống nhất đất nước.

Không ít các nhà xã hội học, tâm lý học và tương lai học khi xem xét về ý nghĩa của ý thức công dân với sự phát triển của cá nhân và xã hội thường cho rằng sức mạnh của ý thức công dân thể hiện ở phản tư, ở tự vấn. Đó là tiếng nói bên trong của một chủ thể điều chỉnh hành vi, can thiệp hoạt động khi xuất hiện dấu hiệu đối nghịch với văn hoá, truyền thống, pháp luật, đạo đức… Dưới sức mạnh của Toà án lương tâm, phản tư, tự vấn đã trở thành những giới luật điều chỉnh các quan hệ của cá nhân trong xã hội.

Ngày 7/1/2015, vụ thảm sát đẫm máu tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (Paris, Pháp) đã làm rúng động thế giới. Sau sự kiện này, một câu hỏi day dứt cho cả nước Pháp là tại sao những kẻ khủng bố được hấp thụ văn hóa Pháp nhưng vẫn chà đạp lên những giá trị văn minh, giá trị vật chất mà họ được thụ hưởng.

Ba kẻ xả súng tấn công vào văn phòng tờ báo Charlie Hebdo, Paris, Pháp khiến 12 người thiệt mạng ngày 7/1/2015. (Nguồn: Reuters)

Chưa đủ, nhiều học sinh đã từ chối phút mặc niệm dành cho các nạn nhân theo quyết định của Tổng thống Pháp vào trưa ngày 8/1/2015 đã thực sự gây “sốc” không chỉ với ngành giáo dục mà cả hệ thống chính trị Pháp. Các nhà khoa học và giới chính trị đã chung tay bắt mạch và kê đơn cho thấy vụ thảm sát chỉ là giọt nước tràn ly của sự xuống cấp ý thức công dân.

Như là chữa cháy, ngày 22/1/2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Najat Vallaud-Belkacem đã công bố chương trình tăng cường giáo dục ý thức công dân cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục với kinh phí đầu tư 250 triệu Euro trong thời gian 3 năm.

Người Pháp đã nhận ra những giá trị vật chất không phải là yếu tố duy nhất quyết định ý nghĩa cuộc sống. Các quan hệ kinh tế là cơ sở để nảy sinh các quan hệ xã hội và các quan hệ xã hội sẽ được điều chỉnh qua ý thức công dân.

Cuối cùng cùng thì các chính trị gia cũng đã nhận thấy ý thức công dân là phần chìm của tảng băng trôi, là lực nội sinh quy định giá trị của công dân và chuẩn mực của xã hội.

Ý thức công dân xã hội chủ nghĩa

Công dân xã hội chủ nghĩa (XHCN) là công dân của xã hội XHCN. Khi nói công dân XhCN cũng là nói về ý thức công dân XHCN. Theo logic có xã hội XHCN mới có công dân XHCN nhưng do tính vượt trước của ý thức cá nhân, của ý thức xã hội mà ý thức công dân XHCN có thể có trước hiện thực XHCN và giữ vai trò nguồn lực quan trọng trong kiến tạo xã hội XHCN.

Việc kiến tạo xã hội XHCN và công dân XHCN ở Việt Nam hiện nay diễn ra khi nhiều vấn đề có tính thời đại như thế giới phẳng, toàn cầu hoá, cách mạng 4.0, kinh tế số… với mặt tích cực và hạn chế của nó đã lộ diện hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Sự xuất hiện khái niệm công dân toàn cầu đã làm thay đổi quan niệm truyền thống về biên giới, lãnh thổ, tư pháp, văn hoá, chính trị. Bởi công dân toàn cầu (global citizen) là những công dân có nhiều hơn một quốc tịch, có thể và sống ở nhiều quốc gia khác nhau với ba đặc trưng Kiến thức toàn cầu (Global knowledge), Kỹ năng toàn cầu (Global skills) và Việc làm toàn cầu (Global employment).

Năm 2014, Thomas Friedman, tác giả của Thế giới phẳng trong một bài báo đã đề cập là thế giới phẳng đang chuyển sang thế giới nhanh. Ngày 18/6/2015 tại trụ sở Liên hợp quốc, ông đã thuyết trình về thế giới nhanh. Thế giới nhanh dựa trên ba M là Market (Thị trường), Mother Nature (Môi trường sống) và Moore (Định luật Moore do Gordon Moore xây dựng).

Ba yếu tố này làm cho thế giới biến đổi nhanh chóng theo hai khuynh hướng ngang nhau là sáng tạo và phá hoại. Dẫn đến cùng một lúc mỗi quốc gia, mỗi cá nhân phải đối diện với nhiều vấn đề có tính hai mặt. Cùng một lúc con người có thể đóng vai kẻ phá hủy hay kẻ sáng tạo.

Do vậy, để đối diện với thế giới đó, con người cần phải được trạng bị và hiểu biết đầy đủ về giá trị nhân văn, ý nghĩa nhân sinh, giá trị văn hóa, bản lĩnh chính trị để bảo toàn và phát triển ý thức công dân, trách nhiệm nhiệm công dân.

Quan điểm duy vật biện chứng cho thấy bất kỳ sự vật nào cũng có tính hai mặt (chẳng hạn tiến bộ và lạc hậu), bởi thế sự ra đời của cái mới bao giờ cũng là kết quả của lọc bỏ và kế thừa.

Do vậy, luận điểm được Tổng Bí thư đưa ra là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học: “Nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bất công, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển”.

Đây cũng chính là ý nghĩa phương pháp luận của con đường hình thành ý thức công dân XHCN ở Việt Nam. Đó là những công dân của nước Việt Nam độc lập với đầy đủ chủ quyền biển đảo linh thiêng.

Đó là công dân của một xã hội hiện đại, phát triển cao nhất của xã hội loài người với những phẩm tính tiêu biểu là sự kết hợp hài hòa của tinh lực của truyền thống và giá trị nhân văn cao quý của nhân loại; có sức khoẻ và trí lực ở trình độ cao; có ý thức đầy đủ về trách nhiệm công dân với xã hội, với môi trường sống; công dân đó là công dân của đạo đức cách mạng, của tinh thần quốc tế trong sáng và thủy chung…

Như vậy, công dân XHCN và ý thức của công dân ấy là một. Việc xác định tên gọi chỉ là do những góc độ tiếp cận khác nhau.

Qua nội hàm của ý thức công dân XHCN cho thấy việc hình thành con người XHCN và kiến thiết XHCN là một quá trình song trùng có sự tương tác lẫn nhau. Những thành tựu của công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội là những tác động quyết định xoá bỏ tính lạc hậu, tính bảo thủ và chủ nghĩa cá nhân gây trở ngại cho sự sinh thành xã hội mới.

Ngược lại, khi ý thức công dân XHCN dần hoàn thiện sẽ là nội lực to lớn thúc đẩy những bước tiến vững chắc và có thể tạo ra những đột biến mang hơi thở thời đại “một ngày bằng hai mươi năm”. Xét đến cùng nhân tố con người là sức mạnh tổ chức của mọi quá trình vật chất, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa".

Ý thức công dân là một hệ thống tương tác của quyền công dân, trách nhiệm công dân, đạo đức công dân… mà biểu hiện cao nhất là lòng yêu nước. Bởi thế ý thức công dân không chỉ là linh hồn, là bộ mặt công dân mà còn là tấm gương phản chiếu của mỗi chế độ chính trị, truyền thống lịch sử văn hoá của mỗi quốc gia, thậm chí quy định tính chất Người của mỗi thời đại.

* Đại học Khoa học Huế

** Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ

Kỳ 2: Xã hội Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Hệ thống giá trị mở trên nền tảng ‘dĩ bất biến ứng vạn biến’