📞

Tác động của Covid-19 đến quyền học tập của trẻ em

NGUYỄN HỮU VIỆT ĐỨC 11:00 | 05/07/2021
Đại dịch Covid-19 đang tác động rất lớn tới trẻ em trên nhiều mặt, trong đó có quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học - một trong những quyền cơ bản nhất được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Thực tế đó đòi hỏi nỗ lực của từng quốc gia cũng như hợp tác toàn cầu để bảo vệ quyền được đến trường và bảo đảm các điều kiện học tập, phát triển cho trẻ em trong và sau Covid-19.

Khi trường học đóng cửa do Covid-19, học trực tuyến thông qua Internet là giải pháp hàng đầu được các nền giáo dục thực hiện. (Nguồn: TTXVN)

Không được đến trường và bất bình đẳng khi học trực tuyến

Mỗi khi các đợt dịch bùng phát, trường học luôn là một trong những nơi bị phong tỏa, đóng cửa đầu tiên. Thực tế này khiến trẻ em mất đi môi trường lành mạnh để phát triển kiến thức, thể chất và tinh thần.

Việc đóng cửa trường học còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến nhóm trẻ em trước đại dịch vốn đã gặp phải rào cản trong việc tiếp cận giáo dục hoặc những trẻ có nguy cơ không thể đến trường vì nhiều lý do như trẻ em khuyết tật, học sinh ở vùng sâu vùng xa, người xin tị nạn, người đang tị nạn và trẻ em trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm.

Trên thực tế, khi trường học đóng cửa, học trực tuyến thông qua Internet là giải pháp hàng đầu được các nền giáo dục thực hiện. Tuy nhiên, khủng hoảng đã cho thấy sự chênh lệch lớn về khả năng chuẩn bị các tình huống khẩn cấp để duy trì quyền được học tập liên tục, điều kiện truy cập Internet cho học sinh và nguồn cung về tài liệu, trang thiết bị học tập giữa các quốc gia, khu vực.

Trong báo cáo có nhan đề “Học tập từ xa và khả năng tiếp cận” được công bố hồi tháng 9/2020, UNICEF nhận định ít nhất 1/3 trẻ em trên thế giới (khoảng 463.000.000), đã không thể học từ xa khi các trường học bị đóng cửa vì Covid-19. Thông qua kết quả khảo sát, nghiên cứu tại hơn 100 quốc gia, báo cáo này chỉ ra những hạn chế của việc học từ xa (thông qua phát thanh truyền hình và Internet), cho thấy sự bất bình đẳng sâu sắc trong việc tiếp cận giáo dục.

Mặc dù đã tập trung nhiều vào các nền tảng trực tuyến nhưng nhiều trường công lập không trang bị máy tính hoặc không có công nghệ và thiết bị để thực hiện việc giảng dạy. Gần một nửa học sinh trên thế giới không thể truy cập Internet. Theo báo cáo của các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ tháng 9/2020, 1/5 trẻ em tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong độ tuổi đi học không có quyền truy cập vào máy tính hoặc Internet tốc độ cao ở nhà.

Tại Trung Quốc, nhiều học sinh phải đi bộ hàng giờ để tìm kiếm tín hiệu di động trên đỉnh núi mới có thể truy cập online. Trẻ em sống ở những nơi bị ngắt kết nối nhất trên thế giới sẽ phải đối mặt với việc sử dụng Internet với tốc độ chậm hơn rất nhiều. Học sinh tại các quốc gia chỉ kết nối Internet ở một số khu vực (như Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar…), thậm chí không có hy vọng học trực tuyến.

Cũng theo khảo sát của nhiều tổ chức, học trực tuyến cũng dẫn đến nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư dữ liệu với trẻ em. Dữ liệu giáo dục của trẻ em ít được bảo vệ hơn nhiều so với dữ liệu sức khỏe. Nhiều quốc gia có các qui định chi phối việc sử dụng thích hợp và tiết lộ thông tin về sức khỏe, nhận dạng cá nhân, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, mặc dù dữ liệu trường học của trẻ em (tên, địa chỉ nhà riêng, hành vi và các chi tiết mang tính cá nhân khác) có thể gây hại cho trẻ em và gia đình khi bị lạm dụng nhưng đến nay hầu hết các quốc gia không có luật bảo mật dữ liệu bảo vệ trẻ em.

Với việc các trường học trên toàn thế giới bị đóng cửa, hàng triệu trẻ em đã phải thích nghi với các hình thức học tập mới. (Nguồn: Businessday)

Gia tăng nguy cơ bị lạm dụng tại nhà

Không chỉ là nơi tiếp thu kiến thức, đối với không ít quốc gia đang hoặc kém phát triển, trường học còn là nơi cung cấp bữa ăn và dịch vụ y tế thiết yếu cho trẻ em. Theo UNICEF, gần một nửa số học sinh trên thế giới (tương đương khoảng 310 triệu) cần đến trường để có bữa ăn hàng ngày, bao gồm 100 triệu ở Ấn Độ, 48 triệu ở Brazil và 9 triệu ở Nigeria và Nam Phi.

Giám đốc Điều hành UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh: “ngoài việc học tập, các trường học cung cấp cho trẻ em các dịch vụ sức khỏe quan trọng, tiêm chủng và dinh dưỡng, cũng như một môi trường an toàn và được hỗ trợ. Tuy nhiên những dịch vụ này lại “bị tạm dừng khi các trường học đóng cửa”.

Đó là lý do vì sao theo các cơ quan của LHQ, việc đóng cửa trường học trong thời gian dài có thể gây ra những hậu quả tàn khốc cho trẻ em.

Bởi bên cạnh việc không được học tập hay hưởng phúc lợi như trong tuyên bố của bà Henrietta Fore: Trẻ em “trở nên dễ bị bạo hành hơn về thể chất và tình cảm. Sức khỏe tinh thần của chúng bị ảnh hưởng. Các em dễ bị lạm dụng tình dục và lao động trẻ em hơn và ít có cơ hội thoát khỏi vòng nghèo đói”. Bà nhấn mạnh rằng đối với những người thiệt thòi nhất, việc không đi học “dù chỉ trong vài tuần” có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực kéo dài suốt đời.

Còn Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet lưu tâm đến việc do không được đến trường nên “trẻ em ngày càng bị bạo hành về thể chất và tâm lý, bị đẩy vào công việc, hôn nhân, bóc lột và buôn bán. Và đối với nhiều trẻ em gái và thiếu nữ trẻ, mối đe dọa lớn nhất lại chính là nơi các em cần được an toàn nhất: trong nhà riêng của chính các em”.

LHQ cũng chỉ ra rằng trẻ em nghỉ học càng lâu thì khả năng quay trở lại càng giảm và ít nhất 24 triệu trẻ em sẽ phải bỏ học vì đại dịch Covid-19. Năm 2020, số trẻ em sống trong cảnh nghèo đói tăng thêm 142 triệu. Nhiều học sinh có thể không bao giờ quay lại trường học, những em khác dành nhiều thời gian trước màn hình và tiếp xúc nhiều hơn với nội dung không phù hợp và những kẻ săn mồi trực tuyến.

Trong số những ưu tiên trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, nhất thiết phải dành ưu tiên cho việc đảm bảo quyền được học tập và thụ hưởng các phúc lợi xã hội không bị gián đoạn của trẻ em.

Bảo vệ quyền học tập của trẻ em

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với sự tấn công của nhiều biến chủng mới vào các quốc gia. Các nước đang chạy đua với thời gian để bảo đảm tiêm chủng vaccine nhanh, hiệu quả và sớm tạo được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi nhiệm vụ phổ biến vaccince vẫn còn cần thời gian thì trẻ em không thể chờ đợi quá lâu để được khôi phục quyền học tập cơ bản và các phúc lợi khác tại trường học.

Trên thực tế, các tổ chức quốc tế và chuyên gia giáo dục đã đề cập đến nhiều giải pháp tổng thể ở quy mô toàn cầu cũng như khuyến nghị cho từng quốc gia để bảo đảm quyền được đến trường và tiếp cận các phúc lợi tại trường học của trẻ em.

Trong phát biểu ngày 16/4/2020, Tổng Thư ký LHQ đã kêu gọi bảo vệ trẻ em và bảo vệ phúc lợi của trẻ em; thúc giục lãnh đạo các quốc gia ưu tiên giáo dục, lương thực, sức khoẻ và an toàn cho trẻ em với thông điệp “cùng bảo vệ trẻ em và phúc lợi của trẻ em”.

Thứ nhất, các chính phủ cần ưu tiên sử dụng công nghệ hiện có, bao gồm phát thanh - truyền hình, điện thoại, máy tính, ứng dụng nhắn tin hoặc các phương tiện khác để bảo đảm phổ cập giáo dục trong và sau đại dịch. Mỗi nước phải có lộ trình tài trợ và vận động tài trợ cho các trường học vùng sâu vùng xa, thiếu nguồn lực để giáo viên có thể liên lạc với học sinh, in và phân phát tài liệu học tập.

Trong số các hình thức giáo dục từ xa, cần huy động nguồn lực để cung cấp dịch vụ Internet nhanh nhất nhằm bảo đảm quyền được học tập liên tục, nhất là đối với các nhóm dân số nghèo và bị thiệt thòi, bao gồm tìm cách cung cấp quyền truy cập miễn phí và giảm giá vào các dịch vụ và máy tính.

Để tạo ra động lực cho cán bộ giáo dục, chính phủ cũng cần làm việc với giáo viên, cán bộ, các hiệp hội giáo viên để đưa ra kế hoạch khôi phục số giờ giảng dạy bị mất, điều chỉnh lịch học và lịch thi và đảm bảo bồi thường công bằng cho giáo viên và nhân viên nhà trường đang làm việc thêm giờ.

Cần chuẩn bị cho việc đưa trẻ em trở lại trường học sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc, bao gồm cả việc theo dõi từng trẻ em không đến lớp; đảm bảo giáo dục tiểu học và trung học miễn phí; cung cấp chứng từ hoặc hỗ trợ tài chính để bù đắp các chi phí liên quan đến trường học cho trẻ em có gia đình gặp khó khăn về kinh tế và không thể trở lại trường học.

Thứ hai, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về Covid-19 nên bao gồm thông tin liên lạc nhằm hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình có thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Các chính phủ cần bảo đảm rằng các dịch vụ chống bạo lực gia đình không bị gián đoạn bởi Covid-19 và luôn sẵn sàng hỗ trợ có cho tất cả mọi người kể cả trẻ em và người lớn đang bị cách ly hoặc bị nhiễm bệnh.

Các chính phủ nên mở rộng các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em, bao gồm cách phòng ngừa, cách xác định các dấu hiệu cảnh báo về bạo lực tiềm ẩn tại gia đình, cách tiếp cận các dịch vụ. Đồng thời phải chú trọng các biện pháp chuyên sâu để bảo vệ trẻ em gái vị thành niên trước nguy cơ tảo hôn và trẻ em có nguy cơ lao động sớm.

Thứ ba, nhiều chuyên gia khuyến cáo các chính phủ nên nhắm mục tiêu hỗ trợ kinh tế, bao gồm cả chuyển tiền mặt để giúp các gia đình nghèo, khuyết tật, các gia đình dễ bị tổn thương nhằm đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ mà không cần sử dụng đến lao động trẻ em hoặc lựa chọn tảo hôn. Các chính phủ cần khẩn trương mở rộng các chương trình phân phối thực phẩm cho các gia đình dễ bị tổn thương, bao gồm việc phân phát bữa trưa miễn phí từ các trường học, ngay cả khi họ không tổ chức lớp học.

Mỗi nước cũng cần đào tạo cho nhân viên y tế, giáo dục và dịch vụ trẻ em về các rủi ro liên quan đến bảo vệ trẻ em trước Covid-19, bao gồm việc ngăn ngừa bóc lột, lạm dụng tình dục và cách báo cáo các mối quan ngại một cách an toàn. Cơ quan chức năng cũng cần tìm kiếm thêm sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo nhằm nỗ lực xác định trẻ em mồ côi do vi rút gây ra và xác định các lựa chọn phương án chăm sóc thay thế phù hợp.

Cuối cùng, Covid-19 có thể kết thúc hoặc còn kéo dài, nhưng không ai biết được một khủng hoảng tương tự sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Các chính phủ không chỉ có trách nhiệm hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em trong đại dịch mà còn phải xem xét các quyết định của họ hiện nay có thể duy trì tốt nhất quyền của trẻ em sau khi đại dịch kết thúc.

Do đó, trong số những ưu tiên trong các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, nhất thiết phải dành ưu tiên cho việc đảm bảo quyền được học tập và thụ hưởng các phúc lợi xã hội không bị gián đoạn của trẻ em.

Điều đó, đòi hỏi nỗ lực quốc tế, trách nhiệm của các tổ chức toàn cầu, các quốc gia phát triển đồng hành với những nước có điều kiện thấp hơn, đặc biệt là khả năng dự báo, nâng cấp cơ sở hạ tầng (nhất là quyền truy cập Internet phục vụ học tập) của mỗi quốc gia.

Theo báo cáo công bố ngày 8/4/2021 của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hoá LHQ (UNESCO) hơn 1,5 tỷ học sinh ở 188 quốc gia đã phải nghỉ học do Covid-19, chiếm hơn 91% số học sinh toàn thế giới.

Còn theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), đại dịch khiến tình trạng mất việc làm, giảm thu nhập lan rộng, làm gia tăng tỷ lệ lao động trẻ em, bóc lột tình dục, mang thai ở tuổi vị thành niên và tảo hôn. Căng thẳng trong gia đình, đặc biệt là những gia đình đang bị cách ly hoặc chịu hạn chế khác (tự do đi lại…) cũng làm tăng tỷ lệ bạo lực trẻ em.

Khi số người chết do Covid-19 gia tăng, một số lượng lớn trẻ em sẽ mồ côi, dễ bị bóc lột và lạm dụng. Trong số những tác động này, việc hạn chế quyền học tập và tiếp cận các điều kiện học tập tốt, các phúc lợi tại trường học của trẻ sẽ để lại nhiều hệ lụy.