Thực phẩm dát vàng có ảnh hưởng như thế nào đối với sức khoẻ. Trong ảnh là món sushi được bọc vàng. (Nguồn: Shutterstock) |
Vàng đồng nghĩa với sự sang trọng và thịnh vượng, từ lâu đã vượt qua vai trò truyền thống của nó là đồ trang sức, được nhiều đầu bếp ở các nhà hàng cao cấp dát lên các món ăn để tăng độ sang chảnh, thậm chí một số nơi tin rằng nó tốt cho sức khỏe.
Nhưng sự thật có đúng như vậy không? Việc đưa kim loại quý này vào cơ thể liệu sẽ có những tác động gì đến sức khỏe của chúng ta?
Thực phẩm dát vàng có từ đâu?
Thực phẩm dát vàng được cho là có từ thời Ai Cập cổ đại, vào thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên và được cho là liên quan đến yếu tố thần thánh.
Da của các vị thần của họ được mô tả trong các bức bích họa có màu vàng; lăng mộ và quan tài của các Pharaoh cũng được trang trí bằng vàng. Do đó, họ tin rằng, vàng chính là da thịt của các vị thần và họ ăn vàng để được nhận ân huệ từ các đấng linh thiêng.
Tương tự người cổ đại ở nền văn minh Viễn Đông cũng sử dụng thực phẩm dát vàng với mục đích cầu xin sự ưu ái của các vị thần. Trong cuốn du ký “Il Milione,” nhà thám hiểm Marco Polo viết rằng, các nền văn minh Viễn Đông đã ăn vàng như một cách để tiếp cận với thần thánh. Họ tin rằng, việc ăn kim loại quý này sẽ thu hút được ân sủng của các vị thần.
Khác với người Ai Cập cổ đại, ở phương Đông, việc sử dụng thực phẩm dát vàng không liên quan đến thần thánh, mà mang ý nghĩa trang trí như trang trí rượu sake lấp lánh các vảy vàng và một số món ăn đặc biệt được rắc bột vàng.
Truyền thống “ăn vàng” du nhập châu Âu vào thời Trung cổ, khi giới quý tộc tổ chức những bữa tiệc linh đình và phô trương. Trong đó, phải kể đến bữa tiệc xa hoa nhất đã được ghi vào sử sách là đám cưới Violante, con gái Gian Galeazzo Visconti, Lãnh chúa Milan, Italy, năm 1386 khi 30 món ăn trong bữa tiệc đều được dát vàng hoàn toàn.
Kiểu trang trí vàng tương tự cũng được sử dụng trong một bữa tiệc tôn vinh Hoàng tử Bisignano năm 1561 tại Venice, lần này, vàng được phủ lên bánh mì và hàu. Các cung đình Hoàng gia ở châu Âu cũng dát vàng lên các món ăn như một biểu hiện của sự vương giả. Trên bàn ăn của Nữ hoàng Elizabeth I, cam, lựu, chà là, sung và nho đều được phủ một lớp bột vàng lộng lẫy.
Việc sử dụng vàng làm phụ gia thực phẩm vẫn được tiếp tục qua nhiều thế kỷ và gần như biến mất sau thế kỷ XVII. Sau đó được hồi sinh vào năm 1981 bởi đầu bếp Gualtiero Marchesi. Vị đầu bếp nổi tiếng người Italy này đã phát minh ra món risotto nghệ tây được trang trí một lá vàng mỏng ở trên. Với món ăn này, vàng đã trở lại vị thế là “ông hoàng” trang trí món ăn đẳng cấp.
Các đầu bếp nổi tiếng, nhân viên pha chế đồ uống, các thợ làm bánh cao cấp, các nhà sản xuất chocolate và rượu mạnh đã tôn vinh sự hồi sinh của vàng ở cấp độ hành tinh, biến thứ kim loại quý này trở thành một thành phần phổ biến trong ẩm thực cao cấp của thiên niên kỷ mới.
Nếu như vào thời cổ đại, người ta ăn vàng vì mục đích tôn giáo, hoặc những lợi ích sức khỏe, thì thời hiện đại, người ta ăn những món ăn dát vàng để trải nghiệm cảm giác xa xỉ và mới lạ.
Tác động đến sức khỏe
Theo Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), vàng dùng trong thực phẩm có tên gọi Aurum metallicum, kim loại ánh sáng, chính thức được chấp thuận như một chất phụ gia trong thực phẩm dưới tên gọi E175, được coi là chất tạo màu vàng, hoạt động giống như bất kỳ chất phụ gia và tạo màu thực phẩm nào khác.
Vàng ăn được và vàng để làm trang sức không hề giống nhau. Bởi vàng dùng trong thực phẩm phải là vàng nguyên chất 100%, chúng phải thực sự tinh khiết mới có thể đảm bảo an toàn cho người ăn.
Tiêu thụ một lượng nhỏ vàng được coi là an toàn đối với hầu hết mọi người. Các cơ quan quản lý như Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và EFSA đã phê duyệt một số dạng vàng nhất định có thể dùng trong chế biến thực phẩm. Trong đó, phổ biến nhất là mảnh và lá để trang trí thực phẩm, ít phổ biến hơn là dạng bụi và dạng xịt.
Về mặt khoa học, vàng là kim loại trơ với mọi chất hóa học trong cơ thể, nghĩa là nó sẽ không bị phân hủy. Sau khi vàng đi vào cơ thể, nó không bị tiêu hóa và cứ thế được bài tiết ra bên ngoài dưới dạng không đổi.
Tuy nhiên, vàng không có hương vị khi ăn, cũng không mang lại hiệu quả dinh dưỡng nào. Vàng dát lên thức ăn không hề làm tăng độ thơm ngon cho món ăn, vai trò chính của nó chỉ là làm cho món ăn “lấp lánh” và tăng độ xa xỉ cho món ăn đó mà thôi.
Mặc dù bản chất vàng là một kim loại không phản ứng, nhưng việc tiêu thụ vàng quá nhiều trong thời gian dài có thể gây ra một số hậu quả có hại cho cơ thể.
Các tinh thể vàng có khả năng kết hợp với protein trong hệ miễn dịch khiến hệ miễn dịch nặng hơn, đồng thời làm thay đổi cấu trúc của protein.
Hệ miễn dịch khi đó sẽ xem những protein như tác nhân ngoại xâm, gây dị ứng, khiến cơ thể mẩn ngứa, kích ứng, thậm chí là khó thở.
Ngoài ra, nếu ăn phải vàng kém chất lượng thì thực sự độc hại, vì một số lượng muối của vàng chứa các chất cực độc, có thể gây chết người nếu tích tụ liều lượng đủ lớn.
(theo Vietnamplus)
| Sức khỏe tâm thần quan trọng như sức khỏe thể chất UNICEF kêu gọi tăng cường các chiến lược chăm sóc sức khỏe tâm thần để hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam nhân Ngày Trẻ ... |
| Những thực phẩm tự nhiên nên ăn thường xuyên giúp người trung niên và cao tuổi duy trì sức khỏe Người trung niên và cao tuổi nên thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá tươi, trứng, sữa, thịt nạc... để duy trì ... |
| Bổ sung 6 nhóm thực phẩm trong chế độ ăn lành mạnh, giúp bảo vệ sức khỏe và vóc dáng Thiết lập thói quen ăn nhiều rau xanh, bổ sung các loại hạt... trong chế độ ăn hằng ngày góp phần tăng cường chất chống ... |
| 7 lợi ích đối với sức khỏe của việc đi bộ 10 phút sau bữa ăn Sau bữa ăn, dù chỉ đi bộ 10 phút cũng giúp bạn cải thiện tiêu hóa, điều chỉnh đường huyết, tăng sức khỏe tim mạch ... |
| 7 nguyên tắc cơ bản khi ăn hoa quả để nhận lợi ích sức khỏe tốt nhất Không ăn hoa quả ngay sau bữa trưa hoặc tối, ăn trực tiếp thay vì ép nước... là một số nguyên tắc để thu được ... |