Nhỏ Bình thường Lớn

Tản mạn Đệ Nhất danh Trà

Sau hơn một năm tích cực chuẩn bị, Liên hoan Trà với quy mô quốc tế lần đầu tiên được tổ chức vào trung tuần tháng 11/2011 tại tỉnh Thái Nguyên. Sự kiện tôn vinh sản phẩm trà và văn hóa trà Việt Nam nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng là cơ hội để trà Thái Nguyên tiếp tục được giới thiệu, quảng bá hình ảnh với du khách thập phương và bạn bè quốc tế.
Thông qua các hoạt động, Liên hoan Trà lần này sẽ làm cho mọi người thêm hiểu về văn hóa trà của Việt Nam.

Đệ nhất danh trà

Xưa nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca “ Trà Thái, gái Tuyên”. Tuy trà Thái Nguyên nổi tiếng là vậy, nhưng mãi tận bây giờ mới được chính thức đem ra phô diễn, quảng bá rầm rộ tại Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất do tỉnh Thái Nguyên tổ chức…

Nhớ lại những năm tháng giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc bằng không quân, Thái Nguyên lúc bấy giờ là khu công nghiệp gang thép đầu tiên của miền Bắc XHCN, là trọng điểm ném bom ác liệt của máy bay Mỹ. Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác phải đi sơ tán vào vùng chè Tân Cương cách thành phố non 20 km. Thời bao cấp, mua bán mọi thứ đều dùng tem phiếu, tư nhân không được phép kinh doanh buôn bán. Sống ở vùng chè mà cũng không có chè mà mua. Vì vậy, gia đình nào cũng có ít nhất chục luống chè trồng quanh nhà gọi là tự cung tự cấp.

Học cấp 2 tôi đã biết đi trẩy những quả chè già về bóc vỏ lấy những hạt đen bóng đem ngâm nước lã chờ nứt vỏ rồi trồng trên triền đồi trước nhà. Hàng ngày đi học về lại tranh thủ múc nước giếng tưới lên những luống chè, rồi hồi hộp chờ đợi mầm non nhú lên khỏi mặt đất. Thời niên thiếu của tôi đã lớn lên ở trung du cùng với những đồi chè như vậy. Sau này, dù đi đâu nhưng hình ảnh cây chè với những bông hoa trắng tinh khôi lấp ló trong sương sớm vẫn cứ làm tôi nhớ mãi…

Bẵng đi mấy chục năm, trung tuần tháng 11/2011 được tin Thái Nguyên tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế lần thứ nhất, tôi háo hức ngược quốc lộ 3 trở về vùng đất “ Đệ nhất danh trà”. Qua cầu Đa Phúc đã thấy hai bên đường khẩu hiệu, pa nô, áp phích quảng bá khá rầm rộ. Nghe nói, tỉnh Thái Nguyên đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào sự kiện trọng đại này. Trong tuần diễn ra liên hoan trà, cả thành phố Thái Nguyên tưng bừng náo nhiệt, đâu đâu cũng thấy khẩu hiệu chào mừng, cờ hoa rực rỡ. Lượng khách thập phương đổ về quá đông khiến thành phố bỗng trở nên quá tải, tất cả các khách sạn, nhà nghỉ đều hết chỗ. Riêng lượng khách mời, Ban tổ chức đành thống nhất phương án khách của ngành nào, ngành đó tiếp cho đỡ chồng chéo.

Chị Đỗ Thị Thìn, Tổng biên tập Báo Thái Nguyên vừa lo chỉ đạo phóng viên bản báo cập nhật thông tin viết bài lại lo đón tiếp cánh báo chí từ Hà Nội và các địa phương khác lên thành ra cứ tất tả chạy đi chạy lại. Điều dễ nhận thấy là lần đầu tiên Thái Nguyên tổ chức liên hoan Trà quốc tế nhưng đã gặt hái được thành công ngoài sự mong đợi. Bên cạnh các hoạt động chính còn có nhiều hoạt động bên lề với nhiều nội dung phong phú bổ ích.

Lễ khai mạc Liên hoan Trà được phát sóng trực tiếp trên VTV1 Đài truyền hình Việt Nam. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Đảng, Nhà nước đã đến dự và biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành Chè Việt Nam cũng như tỉnh Thái Nguyên đã đạt được. Thái Nguyên được cả nước trân trọng biết đến không chỉ là Thủ đô kháng chiến mà còn là thủ phủ chè với danh tiếng “ Chè Thái”, với địa danh Tân Cương nổi tiếng trong và ngoài nước. Đặc biệt là tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo của hàng triệu nông dân lao động – người trực tiếp trồng, chế biến và kinh doanh chè Việt Nam. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế với nhiều hoạt động thiết thực hướng về cội nguồn, tôn vinh cây chè và các sản phầm Trà, tôn vinh người trồng chè, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp đã có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển ngành chè Việt Nam…

Đưa hương trà bay xa

Trong những ngày diễn ra Liên hoan Trà Quốc tế, chúng tôi tranh thủ tìm đến những vùng chè nổi tiếng ở Thái Nguyên như Tân Cương, Trại Cài, La Bằng…gặp gỡ bà con trồng chè, thấy ai cũng phấn khởi. Ông Mai Xuân Doanh ở xóm Soi Vàng, xã Tân Cương bộc bạch: Tôi gắn bó với nghề trồng chè đã 30 năm, nhưng đến bây giờ tôi mới cảm nhận thấy vị thế của trà Tân Cương. Liên hoan Trà Quốc tế một lần nữa đã xướng tên thương hiệu Trà Tân Cương bà con chúng tôi rất phấn khởi tự hào. Hy vọng sau Liên hoan này người tiêu dùng biết thêm về Trà Tân Cương và thu nhập của người trồng chè cũng sẽ cao hơn…

Còn ông Nguyễn Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế phấn khởi cho biết: Liên hoan Trà nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm trà Việt Nam nói chung và trà Thái Nguyên nói riêng với du khách trong nước và quốc tế. Là dịp để Việt Nam biết đến các sản phẩm trà trên thế giới và thế giới biết đến các sản phẩm trà của Việt Nam. Thông qua các hoạt động liên hoan làm cho mọi người hiểu về văn hóa trà của Việt Nam, thêm yêu mến đất nước con người Việt Nam, tạo sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, đặc biệt phát triển sản xuất cây chè, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện cả nước có 132.000 ha chè, sản lượng trên 165 ngàn tấn chè khô, xuất khẩu đạt 133,150 triệu USD/năm. Giải quyết cho 400.000 hộ sản xuất của 35 tỉnh trong cả nước. Trong đó tỉnh Thái Nguyên có gần 18.000 ha chè, năng xuất chè búp tươi bình quân đạt 100 tạ/ha, sản lượng gần 200.000 tấn.

Hiện Thái Nguyên đang triền khai thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất chè an toàn trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, việc chế biến chè ở Thái Nguyên thời điểm này vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống. Chè tiêu thụ chủ yếu vẫn là thị trường nội địa, lượng chè xuất khẩu còn chiếm tỷ lệ thấp, giá trị xuất khẩu không cao, xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Anh, Pakistan, Nga, Đài Loan… Tới đây, việc phát triển cây chè phải đi theo hướng năng xuất, chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế. Muốn vậy trước tiên phải thay đổi giống, đầu tư kỹ thuật, thâm canh tăng năng xuất, mở rộng chế biến công nghiệp… có như vậy hương trà Thái mới tiếp tục bay xa hơn.

Hà Huy Hoàng