Khái niệm văn hoá đọc cho tới nay vẫn chưa có một học giả nào viết một cách chuẩn xác. Tuy nhiên, thuật ngữ văn hoá đọc đã được xã hội thừa nhận và được nhắc đến nhiều, thậm chí hiện nay văn hoá đọc còn là một đề tài nghiên cứu được nhiều người quan tâm. Thế nhưng, trước khi nghĩ đến chuyện chúng ta đọc như thế nào, hãy tự hỏi bản thân rằng, chúng ta đang đọc gì?
Câu hỏi trên làm tôi nhớ đến câu chuyện mới đây trong kỳ nghỉ 30/4 vừa qua của đại gia đình tôi ở Nha Trang. Trong lúc mọi người háo hức tắm biển, tôi bắt gặp một hình ảnh mà có lẽ không còn thấy trong cuộc sống thường nhật rất lâu rồi. Bên ban công đầy nắng và gió biển, mẹ tôi - người đã bước qua tuổi 70, đang đắm mình trong thế giới của riêng bà: “Papillon - người tù khổ sai”. Tôi biết cuốn sách đó. Nó không chỉ đồng hành trong suốt tuổi thơ của tôi, mà luôn là một trong những cuốn sách mẹ tôi yêu thích.
Hội sách Hà Nội năm 2015. |
Tôi chợt giật mình khi không nhớ lần cuối mình đọc sách và đi mua sách là khi nào. Tôi cũng nhận ra từ lâu lắm rồi, tôi không được đọc sách một cách thư thái như cách mẹ vẫn đọc mà thường là tranh thủ phút nghỉ trưa hiếm hoi, vừa đọc vừa ngủ gật ở cơ quan hay uể oải lướt qua vài trang sách trước khi chìm vào cơn mộng mị sau một ngày dài mệt nhọc.
Thiếu không gian đọc sách?
Khác với việc tiếp thu thông tin từ các phương tiện truyền thông hiện đại khác, việc đọc sách đòi hỏi người đọc có tính tự giác cao. Các nhà phân tích về văn hóa đọc đã phân biệt rõ ràng hai hoạt động tiếp thu thông tin: Khi nghe một bản nhạc hoặc xem một bộ phim hay, chúng ta bị lôi cuốn nội tâm vào đó, cũng vui, buồn, ghét và giận. Trong khi đó, đọc sách sẽ bồi dưỡng trí nhớ và tư duy, mở mang kiến thức và hình thành thế giới quan cho người đọc.
Thế nhưng, khi xã hội ngày càng phát triển và càng hiện đại, con người càng khó chủ động trong cuộc sống của chính mình. Trước đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết bị như smartphones, iPad… chưa xuất hiện ồ ạt như hiện nay, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những người đọc thảnh thơi bên cửa sổ, trước sân nhà, hay nằm trên ghế dài kê dưới bóng cây trong buổi trưa hè…
Nhưng, ngày nay, khi quỹ thời gian rảnh rỗi ngày càng bị thu hẹp lại thời gian dành cho sách đang ngày càng ít đi. Sự tập trung khi đọc cũng vì thế mà ngày càng bị phân tán. Cũng vì thế mà những ước muốn thoát ra khỏi cuộc sống hiện thực, quên hết mọi phiền não, khó khăn và gạn đục khơi trong tâm hồn dường như cũng ngày một khó khăn hơn.
Đừng đọc theo phong trào
Ngày nay, mua sách rất dễ. Nhưng mua một cuốn sách đáng đọc và bổ ích lại không dễ dàng gì. Đó là chưa kể đến khối lượng sách dịch khổng lồ được xuất bản hàng năm với những lỗi morasse, lỗi dịch thuật, lỗi kỹ thuật… Đọc một cuốn sách có lỗi giống như ăn bát cơm tám có sạn. Nó không chỉ làm người đọc mất hết cảm hứng với cuốn sách đó, mà nghiêm trọng hơn, nó khiến họ nghi hoặc về chất lượng của những cuốn sách khác.
Bên cạnh đó, cũng có một xu hướng thường thấy là đọc theo phong trào. Những cuốn sách vừa được trao giải hay những cuốn mà tác giả của nó “dính scandal” lại bán chạy như tôm tươi, dù giá trị thực sự của nó còn nhiều tranh cãi, hoặc chẳng có gì đặc biệt. Đơn giản bởi rất ít người trong số chúng ta có được định hướng đọc và kế hoạch đọc cho mình.
Cũng có rất nhiều người có sở thích mua, sưu tầm sách… nhưng khi nào đọc, thậm chí có đọc hay không lại là việc khác. Với những người có sở thích này, cuốn sách nào gáy càng đẹp, bìa càng cứng càng tốt, để bày cho sang chứ có lẽ chẳng bao giờ họ giở ra. Người ta thậm chí mua sách chỉ để xin chữ ký của tác giả và lại cũng để… trưng bày cho sang.
Lại có những người chỉ đọc những điều mình thích chứ chưa chắc đã cần. Nhưng, đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích và sự kiên nhẫn. Đó là một quá trình liên hệ qua lại giữa người đọc và tác giả, mà người xưa từng ví “đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”.
Người ta nói rằng, đọc sách giúp hoàn thiện tư duy con người. Sách có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, đến thế giới nội tâm, đến trình độ văn hóa, đến hoạt động xã hội của người đọc. Ngay khi khép lại bài viết này, tôi sẽ đi tìm cho mình một cuốn sách. Còn bạn, bạn có tự hỏi, lần cuối bạn đọc sách là khi nào?