Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Lý Quốc Tuấn. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Những hàm ý quan trọng
Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc?
Việc lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc mang ý nghĩa rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên có một hội nghị tập hợp được toàn bộ lực lượng làm công tác đối ngoại của đất nước. Hoạt động nhằm mục đích triển khai việc thực hiện nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu về việc thực hiện đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả cả ba "mũi chủ công" của đối ngoại, đó là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Hiện nay, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Các nước, các đối tác và bạn bè quốc tế cũng nể trọng và đánh giá cao các hoạt động đối ngoại của chúng ta.
Chính vì thế, việc tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đánh dấu mở đầu giai đoạn thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại với một tinh thần mới, tầm cao mới mới để tăng cường sức mạnh của công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại và xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại - theo Đại sứ, nhiệm vụ này có những nội hàm mới nào và có ý nghĩa ra sao?
Khi đề cập quan niệm của Đảng về một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Ngoại giao mà của tất cả lực lượng làm công tác đối ngoại, của cả Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Quan niệm này theo tôi có hai hàm ý:
Thứ nhất, toàn diện là việc ngoại giao tập hợp tất cả các lực lượng làm công tác đối ngoại, cũng không chỉ thực hiện trong công tác ngoại giao thuần túy, mà còn là tham gia phục vụ phát triển đất nước, bao gồm cả ngoại giao về chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân…
Bên cạnh đó, còn có 3 yếu tố cần thiết để thực hiện nền ngoại giao toàn diện là: con người, nguồn lực và tổ chức.
Thứ hai, về hàm ý “hiện đại”, đó là ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có một thế và lực nhất định, thể hiện là một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, thời gian vừa qua, với tư cách là một thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2020-2021), Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã thể hiện rất rõ vai trò và đóng góp của mình, được cộng đồng, các đối tác và tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Đây là kết quả chặng đường phát triển trong hơn 70 năm của công tác đối ngoại của đất nước. Từ những kết quả đó, chúng ta đã đúc rút được kinh nghiệm, đồng thời nâng lên bước phát triển mới, với những nội hàm mới để bắt kịp với nền ngoại giao của các quốc gia trên thế giới, theo xu hướng hiện đại, hội nhập ngoại giao Việt Nam cùng với ngoại giao thế giới, nhưng phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, những nội dung này được các đại biểu trao đổi, phân tích, thảo luận và đóng góp ý kiến sôi nổi.
Trọng tâm công tác đối ngoại tại Myanmar
Triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII về việc phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại là nhiệm vụ chung của ngành ngoại giao. Đại sứ có thể chia sẻ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar sẽ triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?
Hiện nay, Myanmar đang chịu ảnh hưởng từ hai cuộc khủng hoảng. Thứ nhất, đại dịch Covid-19 gây nên làm thay đổi lối sống, phong cách làm việc và sinh hoạt của người dân. Thứ hai, sự thay đổi về chính trị đã gây tác động lớn tới toàn bộ đất nước Myanmar, gây nên khủng hoảng kinh tế, xã hội, nhân đạo.
Trước tình hình đó, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Myanmar phải có kế hoạch thích ứng phù hợp.
Thứ nhất, nếu DN muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh thì phải duy trì hoạt động của mình tại Myanmar, đồng thời đảm bảo an ninh an toàn cho con người, tài sản DN.
Thứ hai, trong điều kiện tình hình có những diễn biến mới, với những khả năng và tìềm năng mới, thì DN cần nhanh chóng nắm bắt để có thể tiếp tục quay lại thị trường.
Với một địa bàn đặc thù với tình hình riêng như Myanmar, Đại sứ quán sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, tư vấn, hướng dẫn cho DN, đồng thời chú ý đến những tiềm năng về thương mại, đầu tư đồng thời đảm bảo các yếu tố chính trị, đối ngoại phù hợp với mối quan hệ Việt Nam-Myanmar, chính sách của các nước ASEAN với Myanmar.
Đây là một trong những trọng tâm Đại sứ quán đặt ra trong công tác đối ngoại năm 2022.
Đại sứ Lý Quốc Tuấn trao hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho bà con cộng đồng gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại Myanmar. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Myanmar) |
Người ta thường nói trong khó khăn, thách thức vẫn tìm thấy cơ hội. Đối với thị trường Myanmar hiện nay, những cơ hội mà DN Việt Nam có thể tìm thấy là gì, thưa Đại sứ?
Trong thời gian Myanmar gặp phải khủng hoảng chính trị, toàn bộ hoạt động thông tin liên lạc, giao dịch ra bên ngoài bị gián đoạn. Điều này khiến các DN viễn thông tại nước này phải dừng mọi hoạt động.
Khi tình hình dần ổn định hơn, Myanmar đã khôi phục mạng viễn thông, các DN này cũng dần bình ổn hoạt động kinh doanh.
Các nhà mạng đã rất nỗ lực để làm sao trong thời gian nhanh nhất có thể thu hút trở lại lượng khách hàng, từ đó sẽ có nguồn thu từ kinh doanh.
Mytel (liên doanh của Viettel với các đối tác Myanmar) là một trong những DN điển hình đã cung cấp dịch vụ trở lại cho người dân Myanmar và các đối tác khách hàng khác. Đây chính là cơ hội.
Trong thời gian tới, khi tình hình tiếp tục được cải thiện, thì những DN như Mytel sẽ phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn phải chú ý đến việc bảo đảm an toàn, an ninh con người, tài sản.
Bên cạnh đó, các DN phân phối một số loại hàng hoá, nguyên vật liệu (xi măng, sắt thép, đồ gia dụng…) cũng có cơ hội tăng trưởng tốt tại Myanmar do nhu cầu ở thị trường này khá lớn. Một số DN Việt Nam tiếp tục bám trụ tại Myanmar (ngân hàng, dịch vụ công nghệ thông tin…) cũng có cơ hội phát triển.
Do đó, các DN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình Myanmar, để ứng phó kịp thời với những rủi ro có thể xảy ra đồng thời nắm bắt cơ hội để quay trở lại thị trường.
4 việc lớn trong công tác cộng đồng
Đại sứ có thể chia sẻ về công tác bảo hộ công dân trong năm 2021 tại Myanmar có gì khác biệt so với năm 2020?
Công tác bảo hộ công dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, việc hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho công dân là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Từ tháng 6/2021, Myanmar xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 3, lớn, nghiêm trọng, phức tạp. Số ca nhiễm tăng hơn 20% so với cả năm 2020. Dịch bệnh gây khó khăn trong sinh hoạt, kinh doanh của cộng đồng người Việt Nam và DN Việt Nam tại Myanmar.
Trong năm 2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã thực hiện nhiệm vụ này còn cấp bách hơn nữa, nhất là sau khi nước sở tại có sự thay đổi về chính trị. Đại sứ quán Việt Nam đã tập trung thực hiện 4 việc lớn đối với cộng đồng người Việt tại Myanmar.
Thứ nhất, thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình dịch Covid-19 và đưa ra hướng dẫn để công dân có thể nắm được, có biện pháp chủ động phòng chống dịch và bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình và cộng đồng.
Thứ hai, cố gắng vận dụng mọi nguồn lực để có thể tiêm vaccine Covid-19 cũng như hỗ trợ cho công dân Việt Nam. Trong năm 2021, Đại sứ quán đã tổ chức trợ giúp trực tiếp 76 công dân Việt Nam là công nhân gặp khó khăn do mất việc làm trong nhiều tháng.
Thứ 3 là làm việc thường xuyên với chính quyền sở tại để bảo vệ được an ninh, an toàn cho người Việt ở Myanmar cũng như các DN Việt.
Đại sứ quán đã tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tiếp với DN để tìm hiểu khó khăn mà DN gặp phải, cần tháo gỡ, xử lý ra sao. Bên cạnh đó, Đại sứ quán cũng quan tâm đến việc nắm thông tin, tạo điều kiện, hỗ trợ để DN quay trở lại thị trường Myanmar.
Trong 11 tháng năm 2021, Đại sứ quán đã hỗ trợ DN Việt Nam bán 10 mặt hàng chủ lực bao gồm sản phẩm chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may và da giày, hàng dệt may, phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện và cáp điện, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường và sản phẩm, sản phẩm hóa chất, sắt thép - với giá trị đạt 709 triệu USD.
Thứ tư là tổ chức các chuyến bay hỗ trợ công dân về nước. Trong năm 2021, Đại sứ quán đã phối hợp tổ chức 3 chuyến bay đưa 849 người về nước. Còn tính từ đầu 2020 đến nay, đã tổ chức 7 chuyến bay, đưa 2.204 công dân về nước.
Trong thời điểm còn nhiều khó khăn như hiện nay ở Myanmar, cả về dịch bệnh cũng như tình hình chính trị, Đại sứ có mong muốn, khuyến nghị gì với bà con cộng đồng người Việt?
Trước hết, chúng tôi mong muốn những công dân Việt Nam đang ở tại Myanmar luôn bình an, mạnh khoẻ.
Bà con cần nâng cao ý thức để phòng tránh lây lan dịch bệnh, những rủi ro khi an ninh, trật tự ở nước sở tại vẫn còn chưa ổn định hoàn toàn, nhất là những nơi tập trung đông người, địa điểm gần cơ sở của lực lượng an ninh, quân đội; không nên đi một mình, đi quá khuya…
Sắp bước sang năm 2022, tôi xin gửi lời chúc và mong muốn tới tất cả bà con người Việt ở Myanmar luôn có sức khoẻ dồi dào, hạnh phúc và thành đạt.
Xin cảm ơn Đại sứ!