Công tác người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm thông qua việc ban hành các chính sách, chủ trương: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 và Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị đều khẳng định nhất quán chủ trương: "Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Bên cạnh đó là Chỉ thị 1737/CT-TTg ngày 20/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài trong tình hình hiện nay.
Với sự quan tâm, chú trọng của Đảng và Nhà nước, công tác NVNONN thời gian gần đây đã có nhiều kết quả rõ nét, sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tích cực hơn, góp phần đáng kể vào kết quả xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, cũng như nâng cao hình ảnh của người Việt Nam trên thế giới góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Thanh Hoài) |
Tại Đăk Lắk, Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về công tác NVNONN; đã xây dựng, ban hành và thực hiện tốt các chính sách liên quan đến NVNONN; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thu thập thông tin về tình hình người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư và làm việc trên địa bàn tỉnh; tình hình người Đắk Lắk xuất cảnh ra nước ngoài định cư, tình hình Việt kiều về Đắk Lắk thăm thân, du lịch, hồi hương; và thông qua các chương trình công tác của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đã tiếp cận đầy đủ các thông tin cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của kiều bào và kêu gọi, vận động kiều bào về đầu tư tại quê hương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk; đẩy mạnh công tác thông tin cho kiều bào ở nước ngoài, góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đến với bạn bè quốc tế.
Tính đến nay có hơn 5.400 công dân Đắk Lắk đang sinh sống, lao động và học tập ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở Hoa kỳ, Canada, Australia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Thời gian qua, cộng đồng người Đắk Lắk ở nước ngoài đã có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thông qua việc ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, tặng quà cho người nghèo, giúp đỡ vốn sản xuất… với số tiền 12.823.200.000 đồng.
Ngoài ra, lượng kiều hối được gửi về cho gia đình, người thân đạt 127.634.950 USD, trong đó số lượng kiều hối được gửi đến người dân tộc ít người là 9.763.046 USD; hỗ trợ xúc tiến, tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức.
Tuy nhiên, từ năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid đã tác động đến đời sống của tất cả mọi người, trong đó có cộng đồng NVNONN, cũng thường xuyên gặp những khó khăn như: các tình huống khẩn cấp ở nước sở tại như tử vong, lao động bất hợp pháp, bị tai nạn, bị bắt giữ cần được bảo hộ tại nước sở tại.
Với bối cảnh trên, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã có những chỉ đạo kịp thời để hỗ trợ, làm tốt công tác hỗ trợ NVNONN cũng như việc bảo hộ công dân được chủ động hơn nhằm bảo đảm sẵn sàng ứng phó các tình huống, một số nội dung cụ thể có thể kể đến như sau:
Một là, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành, chỉ đạo thực hiện, đôn đốc triển khai, và tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định pháp luật và các điều ước quốc tế trong lĩnh vực di cư ra nước ngoài nhằm nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích chính đáng của công dân khi di cư ra nước ngoài, trong đó tập trung vào các thông tin về phòng, chống di cư trái phép; lao động đi làm việc ở nước ngoài; phòng, chống tội phạm mua bán người; khuyến khích công dân Việt Nam đang học tập, công tác và sinh sống ở nước ngoài chủ động liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được kịp thời tư vấn và giúp đỡ khi cần thiết.
Hai là, cung cấp đường dây nóng tổng đài hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và cung cấp địa chỉ cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cho các cán bộ công chức, viên chức đi nước ngoài được biết, đồng thời gửi email thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ khi cần thiết.
Ba là, cung cấp đầy đủ thông tin cho công dân của tỉnh và được bảo hộ khi đi xuất khẩu lao động, tỉnh đã tăng cường quản lý thông qua nhiều biện pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ngoại ngữ, kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh nếu tư vấn, tuyển chọn, ký hợp đồng không đảm bảo quyền lợi cho người lao động; đồng thời, phối hợp với các cơ quan bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, giáo dục định hướng và khuyến cáo cho người lao động trước khi ra nước ngoài để người lao động có đầy đủ thông tin về quy định pháp luật, phong tục tập quán của nước đến làm việc; vận động người đi lao động nước ngoài về nước đúng thời hạn, kết hợp với việc tuyên truyền cảnh báo, phòng chống di cư bất hợp pháp và buôn bán người tại các địa bàn có nhiều người di cư, cung cấp thông tin về các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho lao động Việt Nam liên hệ để được tư vấn, giúp đỡ khi gặp sự cố.
Bốn là, tiếp tục phối hợp với tỉnh Mondulkiri-Campuchia (tỉnh có chung đường biên giới) trong việc phối hợp ngăn chặn, giải quyết hiệu quả các trường hợp người dân tộc thiểu số của tỉnh vượt biên sang Campuchia qua đường biên giới của tỉnh; đề nghị tỉnh Mondukiri quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng người Campuchia gốc Việt hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Mondulkiri được hưởng các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo an toàn về sức khỏe và ổn định đời sống trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có liên quan nâng cao hiệu quả bảo hộ công dân ở nước ngoài: hỗ trợ xác minh, cung cấp thông tin và đề nghị bảo hộ công dân gặp nạn ở nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Ðảng và Nhà nước về giúp đỡ, hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài; bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân.
Sáu là, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý di cư quốc tế thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽcủa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiệnnhằm tạo môi trường di cư minh bạch, dễ tiếp cận của người di cư, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, đặc biệt là các nhóm đặc thù, phụ nữ và trẻ em.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra vô cùng phức tạp và nguy hiểm, với tinh thần “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc”, tỉnh Đắk Lắk hy vọng với những biện pháp triển khai thực hiện sẽ bảo đảm tốt việc hỗ trợ công dân của tỉnh đang sinh sống ở nước ngoài trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh hiện nay.
| Bảo hộ công dân ở tâm dịch thế giới Đi công tác đúng vào thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, những cán bộ làm công tác bảo hộ công dân ... |
| 'Bảo hộ công dân' trong tim tôi Nhớ lại những ngày mới về Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, không biết cơ duyên nào đã đưa tôi – nữ cán bộ ... |