📞

Thách thức chờ Ngoại trưởng BRICS

Phan Quân 06:09 | 02/06/2023
Tranh cãi liên quan tới sự góp mặt của Nga, quan hệ Trung-Ấn xuống dốc cùng nỗ lực của BRICS nhằm khẳng định giá trị là nội dung nổi bật tại Hội nghị sắp tới ở Cape Town.
BRICS cần khẳng định hơn nữa tầm quan trọng, giá trị của mình đối với cộng đồng quốc tế nói chung, các thành viên và quốc gia quan tâm nói chung. (Nguồn: Reuters)

Ngày 1-2/6, các ngoại trưởng BRICS (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) sẽ gặp nhau tại Cape Town. Quan chức ngoại giao của 15 nước từ châu Phi, Nam bán cầu (thuật ngữ chỉ các nước phát triển ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á) và “những người bạn của BRICS” cũng sẽ góp mặt trong các buổi họp ngày 2/6.

Dự hay không dự?

Dù có thể không được đề cập trực tiếp, song xung đột Nga-Ukraine và những hệ lụy tiếp tục “phủ bóng” Hội nghị Ngoại trưởng BRICS lần này.

Tiêu biểu nhất trong số đó là tranh cãi liên quan tới sự góp mặt của lãnh đạo, quan chức Nga. Sở dĩ có câu chuyện này là bởi tháng Ba vừa qua, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo đó, 123 nước thành viên của tổ chức này, bao gồm Nam Phi, có trách nhiệm bắt giữ nhà lãnh đạo xứ bạch dương khi ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.

Diễn biến này đặt Pretoria vào thế khó. Một mặt, Nam Phi muốn thực hiện vai trò chủ nhà BRICS và duy trì quan hệ với Moscow. Mặt khác, nước này muốn duy trì vai trò trung lập về xung đột Nga-Ukraine, cũng như giữ lại chiếc ghế ở ICC.

Ngày 31/5, một ngày trước khi Hội nghị Ngoại trưởng BRICS chính thức khai mạc, Bộ Quan hệ và hợp tác quốc tế Nam Phi (DIRCO) mới đưa ra tuyên bố cuối cùng. Viện dẫn điều khoản Công ước về Đặc quyền và miễn trừ Liên hợp quốc năm 1946 và Công ước về Đặc quyền và miễn trừ của các cơ quan chuyên môn năm 1947, nước chủ nhà đã khẳng định sẽ bảo đảm quyền miễn trừ ngoại giao cho quan chức, lãnh đạo dự Hội nghị Ngoại trưởng BRICS tại Cape Town ngày 1-2/6 và Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg ngày 22-24/8 tới.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow coi trọng việc phát triển các khuôn khổ hội nhập như BRICS và Nga sẽ có đại diện tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới “ở cấp độ thích hợp”.

Thực tế cho thấy mặc dù đang chịu nhiều cấm vận và tác động nghiêm trọng từ xung đột ở Ukraine, Nga vẫn có tầm ảnh hưởng chính trị đáng kể tại BRICS. Bảo đảm sự hiện diện của Tổng thống Vladimir Putin tại Johannesburg là cần thiết, song không hề dễ dàng. Khi đó, Hội nghị Ngoại trưởng BRICS sắp tới có sự tham dự của ông Sergei Lavrov có thể tạo tiền đề để chủ nhà vừa “thử” phản ứng của phương Tây, vừa thăm dò thái độ của Moscow nhằm chuẩn bị cho tháng Tám tới.

Khi thành viên đối đầu

Song, đó chưa phải bài toán khó duy nhất chờ BRICS và nước chủ nhà Nam Phi. Bên cạnh Nga, mối quan hệ song phương xấu đi giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể cản trở hợp tác đa phương trong khuôn khổ BRICS.

Sau thời gian đầu có dấu hiệu khởi sắc khi tình hình biên giới lắng xuống và các cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương và người đồng cấp S. Jaishankar, hai bên dường như đang bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng mới. Cụ thể, New Delhi và Bắc Kinh “ăn miếng trả miếng” khi trục xuất các phóng viên, báo chí của nhau. Theo đó, 3/4 phóng viên thường trú của các hãng thông tấn Ấn Độ đã không thể trở lại hoặc gặp khó khăn khi tác nghiệp tại Trung Quốc. Đáp lại, New Delhi được cho là đã từ chối cấp visa cho phóng viên của Tân Hoa xã và CCTV, hai cơ quan truyền thông nhà nước lớn nhất của phía Bắc Kinh.

Vừa qua, Trung Quốc đã đặt tên cho một số địa điểm trong khu vực tranh chấp tại bang Arunachal Pradesh, Ấn Độ. Trong một động thái khác, New Delhi tổ chức một buổi họp của nhóm làm việc về du lịch của Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển (G20) tại Kashmir, khu vực tranh chấp với Islamabad, đối tác gần gũi của Bắc Kinh. Đại diện Trung Quốc đã từ chối tham dự sự kiện này.

Trên bình diện khu vực, lãnh đạo Ấn Độ, cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia, đã ra tuyên bố chung của Bộ tứ (Quad). Các bên “phản đối các hành động đơn phương hoặc gây bất ổn nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép”, “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, sử dụng lực lượng hải cảnh và tàu dân quân, ngăn chặn hoạt động khai thác tài nguyên xa bờ của các quốc gia khác”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân và truyền thông nước này đã lập tức phản đối tuyên bố nhằm vào Bắc Kinh này.

Trong bầu không khí đó, hợp tác giữa Bắc Kinh và New Delhi trên diễn đàn đa phương sẽ ít nhiều bị hạn chế. Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất trong BRICS, với nhiều sáng kiến trong phát triển thương mại nội khối, song New Delhi cũng muốn có ảnh hưởng kinh tế lớn hơn tại đây.

Tìm kiếm điểm cân bằng giữa hai quốc gia châu Á tại BRICS sẽ là một nhiệm vụ khó khăn với chủ nhà Nam Phi.

Khẳng định giá trị

Hơn bao giờ hết, BRICS cần khẳng định hơn nữa tầm quan trọng, giá trị của mình đối với cộng đồng quốc tế nói chung, các thành viên và quốc gia quan tâm nói riêng.

Khi thành lập năm 2001, khối này được kỳ vọng sẽ trở thành “chỗ dựa” mới cho kinh tế thế giới, trong bối cảnh đầy u ám của thị trường tài chính sau sự kiện 11/9. Người khai sinh thuật ngữ BRICS, nhà kinh tế học của Goldman Sachs (Mỹ) Jim O’Neil, từng nhận định rằng kinh nghiệm chung trong duy trì tăng trưởng bền vững sẽ là chất keo kết nối, thúc đẩy các nước thành viên BRICS phát triển nhanh và đồng đều, tạo động lực cần thiết đưa nền kinh tế thế giới tiến bước.

Tuy nhiên, kịch bản đẹp này đã không diễn ra. Brazil, Nga, Nam Phi không thể duy trì tốc độ như kỳ vọng. Ấn Độ tăng trưởng nhanh, song chưa thể bắt kịp với Trung Quốc. Giám đốc Trung tâm Wilson (Mỹ), cựu Đại sứ Mỹ tại Tanzania Mark Green nhận định BRICS đứng trước nguy cơ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề địa chính trị, với quan điểm đối lập so với G7, thể hiện rõ nhất qua nỗ lực duy trì lập trường trung lập của bốn nước thành viên về xung đột Nga - Ukraine.

Mặc dù vậy, sẽ là thiếu sót nếu phủ nhận thành quả của BRICS thời gian qua. Khi Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chưa thể thúc đẩy những cải cách về quản trị toàn cầu cần thiết, BRICS đã lập cơ chế Ngân hàng phát triển mới (NDB). Với nguồn vốn 50 tỷ USD từ các nước thành viên cùng đóng góp của Ai Cập, UAE, Uruguay và Bangladesh, kể từ khi ra đời năm 2015, tổ chức này đã phê duyệt các khoản vay trị giá hơn 30 tỷ USD cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Nga cũng đang thúc đẩy phát triển một đồng tiền chung giữa các thành viên.

Vừa qua, Đại sứ Nam Phi tại BRICS Anil Sooklal cho biết 19 nước đã nêu nguyện vọng về tham gia BRICS; 13 nước đã chính thức nộp đơn. Trong số đó, nổi bật có Saudi Arabia, Iran, Argentina, UAE, Algeria, Ai Cập, Bahrain và Indonesia, với Mexico và Nigeria là ứng cử viên gần đây nhất cho vị trí thành viên của khối.

Tuy nhiên, liệu số lượng thành viên ngày một lớn có thể thúc đẩy sự phát triển của BRICS, hay ngược lại, trở thành rào cản ngăn khối xây dựng các chính sách hướng đến mục tiêu chung? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Mặc dù vậy, có một thứ đã rõ ràng – BRICS, khởi đầu với nhiều kỳ vọng và lạc quan, hiện đứng trước cột mốc quan trọng để tái định hình, tìm lực đẩy mới, tiếp tục tiến về tương lai.