📞

Tham tán Thương mại Na Uy: Nhiều thú vị mới đang chờ đón

Hà Phương 16:45 | 26/09/2019
TGVN. Đến Việt Nam trên cương vị phụ trách xúc tiến thương mại của Đại sứ quán Na Uy, Tham tán Thương mại Arne-Kjetil, Giám đốc Innovation Norway (IN) luôn tràn đầy năng lượng với nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình. 
Ông Arne-Kjetil (thứ ba từ trái) khi tháp tùng Đoàn Đại biểu Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam thăm Aqua Nor.

Cách đây năm năm, khi còn làm cho Telenor, một công ty viễn thông của Na Uy, ông Arne-Kjetil đã có dịp đến với Việt Nam, và rất yêu thích ẩm thực Việt. Ông kể, Việt Nam là một đất nước tươi đẹp. Một số người bạn của ông ở Na Uy và châu Âu đi du lịch rất nhiều, khi được hỏi họ sẽ chọn nước nào để đi lại lần hai, không ít người đã chọn Việt Nam.

Khởi đầu bằng những chuyến đi

Như một cơ duyên, ông Arne-Kjetil được bổ nhiệm làm Giám đốc của IN phụ trách mảng xúc tiến thương mại của Na Uy tại Việt Nam. IN ở Việt Nam đặt văn phòng trong khuôn viên của Đại sứ quán Na Uy, phối hợp chặt chẽ và nhận được sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán, đặc biệt là Đại sứ Grete Lochen.

Ông mới nhận nhiệm vụ chưa đầy một tháng và có khởi đầu khá bận rộn tại Việt Nam, trước tiên là thích nghi với môi trường sống có nhiều khác biệt so với khu vực Bắc Âu.

“Việt Nam đông đúc hơn và nhiều phương tiện đi lại hơn với các kích cỡ và tốc độ khác nhau. Khí hậu thì nóng và ẩm. Tôi sẽ mất một thời gian ngắn để thích nghi và làm quen”, ông Arne-Kjetil chia sẻ.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông mong muốn tới thăm nhiều địa danh ở Việt Nam và hy vọng trong vòng một, hai năm tới, ông có thể đồng tình với những gì các bạn ông ở Na Uy và châu Âu từng nói về Việt Nam...

Hoạt động đầu tiên của ông Arne-Kjetil trên cương vị Tham tán Thương mại là tháp tùng Đoàn khảo sát nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu sang Na Uy, tháng Tám vừa rồi.

Đoàn đã tham dự Aqua Nor – Triển lãm về Công nghệ nuôi trồng thủy sản lớn nhất thế giới, tổ chức ở Trondheim hai năm một lần. Ông Arne-Kjetil đã đưa Đoàn tham quan dọc bờ biển Na Uy, thăm các trại cá hồi, gặp gỡ và nói chuyện với các cơ quan quản lý thủy sản và các nhà khoa học của Na Uy.

Những tháng cuối năm nay, ông Arne-Kjetil sẽ bận rộn hơn với một số chương trình lớn. Trước mắt, đầu tháng 10, IN sẽ tổ chức Hội nghị Kinh tế Đại dương Xanh ở Nha Trang.

Ông tiết lộ đây là sự kiện rất thú vị cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy. Na Uy vốn là một cường quốc biển và nhân dịp này, các công ty, tổ chức và nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nuôi cá biển công nghiệp của Na Uy sẽ chia sẻ các câu chuyện thành công của họ.

Trong tháng 11, IN sẽ tổ chức hai Hội thảo về khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Na Uy có thế mạnh về LNG với công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và đặc biệt là Na Uy quan tâm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

“Mặc dù với số lượng rất ít nhân viên trong văn phòng đại diện, chúng tôi luôn cố gắng để đáp ứng nhu cầu và mong muốn của các bên. Hy vọng, những hoạt động đó sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”, ông Arne-Kjetil nói.

Chia sẻ kinh nghiệm, tạo sự thay đổi

Đứng từ góc độ kinh doanh, ông Arne-Kjetil cảm nhận được tinh thần hợp tác và xây dựng ở Việt Nam. Nhà ngoại giao với kinh nghiệm làm việc ở nhiều nước châu Á nhận thấy, doanh nghiệp Việt Nam chân thành, thẳng thắn và luôn đi thẳng vào vấn đề. Đó là điều khiến ông rất lạc quan về tương lai hợp tác của hai phía.

Theo ông, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng hợp tác với Na Uy trong mảng kinh tế. Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã và đang phát triển tốt nhưng vẫn có thể tốt hơn, thương mại hai chiều cũng có thể cao hơn nữa.

Ông Arne-Kjetil điểm tên một số lĩnh vực hợp tác lớn giữa hai nước như thủy sản, năng lượng tái tạo, dầu khí, công nghệ thông tin, xã hội/thành phố thông minh và số hóa.

Na Uy có thế mạnh về năng lượng gió mà Việt Nam có thể hợp tác. (Nguồn: Equinor)

Theo ông, Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới, rất coi trọng năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Na Uy sở hữu rất nhiều công nghệ và giải pháp tiên tiến để phát triển các ngành năng lượng Mặt trời và gió.

Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp Na Uy có ý định thành lập văn phòng tại Việt Nam. Điểm thuận là quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, môi trường kinh doanh ở Việt Nam khá tốt...

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ những khó khăn trong quy trình áp dụng thủ tục ở Việt Nam. Các công ty Na Uy thường rất thận trọng khi đưa ra các quyết định đầu tư hay kinh doanh, vì thế,

Việt Nam cần cải thiện và làm cho môi trường kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Na Uy.

“IN sẽ tiếp tục thực hiện tốt công việc của mình, tổ chức các sự kiện thành công, các chuyến khảo sát và các đoàn nghiên cứu hiệu quả cả hai chiều. Đại sứ Grete Lochen và cá nhân tôi đều cam kết làm hết sức mình để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước”, ông Arne-Kjetil khẳng định.

Nhà ngoại giao Na Uy tin rằng nhiều thú vị đang chờ đón ông trong cuộc sống mới ở Việt Nam.

IN là tổ chức quan trọng của Chính phủ Na Uy phụ trách việc đổi mới và phát triển doanh nghiệp và công nghiệp của Na Uy. IN hỗ trợ các công ty phát huy lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. IN có trụ sở ở Oslo và văn phòng ở nước ngoài. Tại châu Á, IN hiện diện tại bảy quốc gia bao gồm Việt Nam (từ năm 2000).