Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo vẫn luôn đau đáu về việc cải cách hiến pháp. (Nguồn: Reuters) |
Thước đo lá phiếu cử tri
Đảng cầm quyền vẫn giành được 63/124 số ghế được tranh cử lần này, và lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) coi đó là chiến thắng. Cộng với số ghế mà họ đã có, LDP vẫn chiếm đa số ở Thượng viện. Tuy nhiên, Đảng LDP của ông Abe và đảng Komeito, đối tác trong liên minh cầm quyền với đảng LDP, không đạt đủ 164 ghế tại Thượng viện để có thể tiến hành sửa đổi Hiến pháp hòa bình của nước này, sau cuộc bầu cử ngày 21/7.
Thượng viện là một trong hai viện của Quốc hội Nhật Bản, cùng với Hạ viện tạo thành cơ quan lập pháp duy nhất của đất nước. Tuy nhiên, quyền lực của Thượng viện nhỏ hơn so với Hạ viện, chẳng hạn như dự luật được đệ trình để Hạ viện xem xét trước, trong trường hợp dự luật được Hạ viện thông qua nhưng Thượng viện bác bỏ, nếu trên 2/3 nghị sĩ tại Hạ viện tiếp tục thông qua thì dự luật này sẽ lập tức có hiệu lực.
Các thượng nghị sĩ Nhật Bản có nhiệm kỳ 6 năm, mỗi 3 năm lại sẽ bầu lại 1/2 tổng số ghế thượng nghị sĩ, cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra lần gần đây nhất là vào năm 2016. Những thượng nghị sĩ được bầu lại tại Thượng viện lần này là các những người đã được bầu chọn vào năm 2013.
Căn cứ vào Luật bầu cử các chức vụ công sửa đổi vào tháng 7/2018, số ghế được xác định ở Thượng viện đã tăng từ 242 trước kia lên 248. Cuộc bầu cử lần này lần đầu tiên tăng thêm 3 ghế, tổng cộng bầu ra 124 thượng nghị sĩ, tổng số ghế của Thượng viện sau cuộc bầu cử lên 245.
Cuộc bầu cử Thượng viện luôn là thước đo niềm tin của cử tri đối với đảng cầm quyền. Trong thời gian đảm nhận vai trò thủ tướng lần đầu vào năm 2007, LDP do ông Abe Shinzo lãnh đạo đã thất bại thảm bại trong cuộc bầu cử Thượng viện, dẫn đến sự thay đổi lớn tại Quốc hội. LDP cũng thất bại đau đớn vào năm 2009, và phải trao đất nước cho đảng Dân chủ (DPJ).
Tuy nhiên, sau khi ông Abe Shinzo quay trở lại cầm quyền vào cuối năm 2012, ông đã giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2013, lãnh đạo LDP giành được 65 ghế, đảng Komeito giành được 11 ghế, đảo ngược tình thế tại Quốc hội. Trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016, ưu thế của LDP có phần giảm. Mặc dù LDP giành được 56 ghế cộng thêm với đảng Komeito giành được 13 ghế, vẫn được xem là có thành tích tốt, nhưng hai thành viên trong Chính quyền của ông Abe đã vấp phải thất bại hiếm thấy, làm thay đổi cấu trúc quyền lực tại khu vực bầu cử ở Okinawa và Fukushima.
Tới đây, dự kiến, Thủ tướng Abe sẽ ra quyết định cuối cùng về việc cải tổ nội các. Chính phủ và liên minh cầm quyền do LDP lãnh đạo cũng đang cân nhắc việc tổ chức phiên họp bất thường của Quốc hội vào ngày 1/8. Phiên họp này có thể sẽ kéo dài trong vòng 5 ngày, chủ yếu để bầu ra Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thượng viện. Phiên họp bất thường khác của Quốc hội có thể sẽ bắt đầu vào đầu tháng 10/2019.
Trong khi đó, theo hãng tin Kyodo News, đợt cải tổ nội các lần này có thể sẽ diễn ra trong tuần thứ 2 của tháng 9, thời điểm Thủ tướng Abe, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, hoàn thành danh sách ban lãnh đạo LDP sau một chuỗi các sự kiện ngoại giao, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ở Pháp và Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) ở Yokohama vào cuối tháng 8.
Thủ tướng Abe Shinzo trong một cuộc vận động cử tri tại Tokyo. (Nguồn: AP) |
Nỗ lực cải cách hiến pháp
Sau cuộc bầu cử Thượng viện lần này, ông Abe không nhắc đến việc không giành đủ 2/3 số ghế cần thiết để cải cách hiến pháp, mà chỉ cho biết ông hy vọng phe đối lập sẽ cùng thảo luận sâu sắc, tạo sự đồng thuận. “Tôi hy vọng phe đối lập sẽ hoàn thành trách nhiệm của họ và sẵn sàng tranh luận”, ông Abe nói.
Vừa qua, mặc dù ông Abe Shinzo nói rằng “lằn ranh sinh tử” của cuộc bầu cử là đảm bảo quá bán số ghế của liên minh cầm quyền, nhưng dư luận cho rằng nắm chắc 2/3 số ghế cần thiết để sửa đổi hiến pháp mới là mục tiêu thật sự của ông.
Ông Abe Shinzo luôn tìm cách sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, đặc biệt là Điều 9, đưa Nhật Bản trở thành “quốc gia bình thường”. Tại cuộc tranh luận của lãnh đạo đảng vào tháng 3, ông Abe Shinzo nhắc lại cần phải đưa sự hiện diện của Lực lượng phòng vệ vào Điều 9 của Hiến pháp, đồng thời gọi đây là “gốc rễ của quốc phòng”.
Hiến pháp của Nhật do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến II và được người dân nước này bỏ phiếu thông qua. Trong đó, Điều 9 quy định "các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không, cũng như các lực lượng chuẩn bị chiến tranh, không bao giờ được phép duy trì". Dù vậy, chính phủ Nhật Bản đã thông qua đạo luật về quyền phòng vệ tập thể hồi năm 2015, cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài. Tham vọng sửa đổi hiến pháp của ông Abe sẽ càng mở rộng vai trò của quân đội ở nước ngoài.
Hiện nay, chính quyền của ông Abe Shinzo đang có nhu cầu cấp bách mới đối với việc sửa đổi Hiến pháp. Trước mắt, chính quyền của ông Donald Trump đã có những điều chỉnh lớn trong chính sách đối với Nhật Bản, cho rằng Mỹ có quá nhiều trách nhiệm trong việc bảo vệ các đồng minh ở châu Á, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc lại gánh vác quá ít trách nhiệm, yêu cầu hai nước này gửi thêm quân. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Abe Shinzo còn hy vọng thông qua sửa đổi Hiến pháp để mở ra cánh cửa phát triển lực lượng quân đội Nhật Bản.