Ông Joe Biden, người được truyền thông đưa tin là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã tiến hành những lựa chọn đầu tiên cho nội các của mình. (Nguồn: The Times) |
Ông Joe Biden, người được truyền thông đưa tin là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11 đã tiến hành những lựa chọn đầu tiên cho nội các của mình, với mục tiêu xây dựng lại một bộ máy hành chính liên bang.
Nhìn chung, có thể thấy, ông Biden chọn các chuyên gia thuộc thành phần gạo cội của đảng Dân chủ để nắm giữ các vai trò cố vấn quan trọng nhất của mình. Sự lựa chọn này là dấu hiệu đầu tiên báo trước đường hướng chính sách của ông Biden sẽ thay đổi như thế nào so với Tổng thống Donald Trump. Phát biểu từ thành phố Wilmington, Delaware, tiểu bang quê nhà, ông Biden nói: “Cùng nhau, các công bộc này sẽ khôi phục vị thế của nước Mỹ trên thế giới… Đây là một đội ngũ phản ánh sự kiện nước Mỹ đã quay trở lại, sẵn sàng dẫn dắt thế giới, không tránh xa thế giới”.
Những gương mặt "cũ"
Những người được ông Biden chọn để nắm các chức vụ quan trọng là những nhân vật có kinh nghiệm và có liên quan đến chính phủ của cựu Tổng thống Barack Obama trước đây.
Trong bối cảnh phải chú tâm đến vấn đề tìm kiếm sự thông qua của Thượng viện, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, đối với các vị trí nội các mới, ông Biden đã ưu tiên lựa chọn những nhân vật kinh nghiệm và tránh những cái tên hào nhoáng.
Ông Biden thể hiện sự tin tưởng vào bộ máy công quyền vốn đã đồng hành cùng ông trong gần 50 năm qua ở Washington. Ông Biden đã dàn xếp một đội ngũ những người có tham vọng sự nghiệp chính trị với hồ sơ nổi trội và họ đều là những trợ lý đắc lực và quan chức kỳ cựu làm việc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, nhiều người trong số đó đã làm việc cùng ông Biden trong nhiều năm.
Đội ngũ của ông Biden gồm ông Antony Blinken là Ngoại trưởng. Ông Blinken từng làm việc cùng ông Biden tại Thượng viện trong nhiều năm và từng kinh qua các chức vụ như thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia.
Ông Biden lựa chọn ông Jake Sullivan làm Cố vấn an ninh quốc gia vì nhân vật này từng đảm nhiệm chức phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu tổng thống Barack Obama. Tương tự, ông Biden đề cử bà Janet Yellen làm Bộ trưởng Tài chính vì bà từng kinh qua chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và cũng là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng. Trong khi đó, ông Biden đã chọn ông Ron Klain làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Ông Klain từng là Chánh Văn phòng cho ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống.
Ngoài ra, ông Biden đã giữ lời hứa xây dựng một nội các mang đậm đặc điểm đa chủng tộc của Mỹ. Ví dụ, ông Biden đã đề cử bà Linda Thomas-Greenfield, người Mỹ gốc Phi, làm đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc; ông Alejandro Mayorkas, người Mỹ gốc Mỹ Latinh làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa.
Phát biểu khi công bố đội ngũ an ninh quốc gia của mình hôm 24/11, ông Biden khẳng định kinh nghiệm công tác vẫn là yếu tố cốt lõi trong đội ngũ nhân sự đang được hình thành. Ông nói: "Nhìn chung, đội ngũ an ninh quốc gia này đã đạt được một số thành tựu về ngoại giao và an ninh quốc gia rõ ràng nhất trong lịch sử gần đây, có thể hợp tác với các đối tác của chúng ta dựa trên hàng chục năm kinh nghiệm".
Đánh giá về cách ông Biden lựa chọn đội ngũ nội các, ông Steve Rattner, cựu Cố vấn Kinh tế của ông Obama nói: "Sự khác biệt giữa những lựa chọn nội các của ông Biden và ông Trump đã rõ như ban ngày. Ông Biden thích làm việc với những người 'cũ' mà ông từng làm việc cùng họ trong hàng chục năm qua".
Thách thức trước mắt
Đội ngũ chính sách đối ngoại của ông Biden sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn trước mắt về những vấn đề quan trọng toàn cầu với những lời kêu gọi đem lại những giá trị dân chủ và hợp tác quốc tế cho Mỹ.
Mặc dù chính quyền tới đây của ông Biden đã tuyên bố ưu tiên hàng đầu sẽ là cuộc chiến chống Covid-19, song cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề nổi cộm hiện nay là quan hệ với Trung Quốc và Nga, tiếp đó sẽ là chính sách của Mỹ đối với Trung Đông. Ngoài ra, chính quyền ông Biden sẽ phải xử lý vấn đề rút quân khỏi Afghanistan, chính sách với Triều Tiên và cách tiếp cận với Venezuela.
Nhìn chung, ông Biden cũng có cùng quan điểm cứng rắn như Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. Từng là người có kinh nghiệm hoạt động ngoại giao với Trung Quốc, ông Biden cũng coi cường quốc châu Á này là một đối thủ của Mỹ. Với Nga, mặc dù ông Biden khó có thể đề cập khả năng “cài đặt lại” quan hệ, giống như cựu Tổng thống Obama, song phần lớn giới chuyên gia tin rằng ông Biden sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải can dự với Nga. Thử thách đầu tiên mà ông Biden sẽ phải đối mặt khi can dự với Nga là việc đàm phán về gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) vốn sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021.
Tại Trung Đông, thách thức đối với đội ngũ ngoại giao của ông Biden tập trung vào đường hướng ngoại giao với Iran. Ông Biden ủng hộ quan điểm can dự trở lại với Iran, vốn đã phải hứng chịu các đòn trừng phạt của Mỹ dưới thời ông Trump.
Một thử thách khác là vấn đề Triều Tiên. ông Biden tuyên bố ông sẽ không gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không có điều kiện tiên quyết, song khẳng định để ngỏ việc tiến hành các cuộc đàm phán mang tính truyền thống hơn với Bình Nhưỡng.
Với Venezuela, liệu đội ngũ của ông Biden có đưa ra cách tiếp cận mới với quốc gia Mỹ Latinh này hay không? Một số chuyên gia tin rằng, ông Biden sẽ thực hiện cách tiếp cận ôn hòa hơn với Venezuela vốn phụ thuộc nhiều hơn vào hoạt động trung gian hòa giải quốc tế với hy vọng quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra dần dần.
Quyết tâm đưa nước Mỹ sang trang mới là điều dễ hiểu đối với chính quyền tương lai của ông Joe Biden. Nhưng thách thức chủ yếu là ông phải bắt đầu từ đâu, trong bối cảnh đất nước bị chia rẽ sâu sắc, còn ở bên ngoài, hệ thống các mối quan hệ quốc tế đã không còn như trước.