Tiến sĩ Omar Ashour. (Nguồn: Middle East Institute) |
Tiến sĩ Omar Ashour thuộc Viện nghiên cứu Ả rập và Hồi giáo thuộc Đại học Exeter (Anh) đã nhận định như vậy trong một bài viết đăng trên Trang mạng của Viện Nghiên cứu Trung Đông, ngày 7/4.
Xác định mục tiêu mới
Trước năm 2015, mục tiêu địa chiến lược của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chủ yếu tập trung vào chiếm giữ các vùng đất ở Trung Đông, làm sạch và kiểm soát các vùng đất này rồi xây dựng một "nhà nước" theo những lý tưởng tôn giáo riêng. Tiếp theo, IS sẽ mở rộng lãnh thổ sang những vùng lân cận bằng việc tấn công các đối thủ xung quanh từ các lực lượng thuộc phiến quân Syria, nhóm Mặt trận Hồi giáo al-Nusra cho đến quân đội Chính phủ Syria và Iraq. Tuy nhiên, mục tiêu này bắt đầu thay đổi dần dần kể từ mùa Hè năm 2014, đặc biệt là sau các cuộc không kích IS của Mỹ vào thời điểm đó.
Kể từ tháng 10/2014, các chi nhánh của IS và những phần tử ủng hộ tổ chức này đã có trên 30 kế hoạch và các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các lợi ích của phương Tây. Trước đó, chỉ có ba vụ tấn công khủng bố ở châu Âu, bao gồm cuộc tấn công theo kiểu “Mumbai” ở London (Anh) tháng 10/2013, kế hoạch khủng bố ở Riviera (Pháp) tháng 2/2014 và vụ tấn công bảo tàng người Do Thái ở Brussels (Bỉ) tháng 5/2014. Hầu hết các âm mưu và kế hoạch tấn công khủng bố đó được thực hiện bởi các phần tử ủng hộ IS chứ không có sự chỉ đạo trực tiếp từ các thủ lĩnh cấp cao của tổ chức này.
Hiện trường một khu vực bị đánh bom khủng bố ở Brussels, hôm 22/3. (Nguồn: AP) |
Chủ đề gần đây nhất trên Tạp chí “Dabiq” của IS đều tập trung vào việc kích động các cuộc tấn công nhằm vào phương Tây thay vì chỉ chú trọng vào việc hợp pháp hóa các quy định của tổ chức này, công kích tính hợp pháp của các đối thủ và kẻ thù (bao gồm cả al-Qaeda và Taliban) hay kêu gọi người Hồi giáo di cư đến vùng lãnh thổ do IS kiểm soát như trước đó.
Đến nay, các chỉ huy của IS thấy được những lợi ích trong việc tấn công trực tiếp vào phương Tây. Tổ chức này muốn đạt được nhiều mục đích cùng lúc bao gồm: Ngăn chặn phương Tây tấn công vào vùng lãnh thổ do IS kiểm soát; Trả thù các cuộc không kích của liên minh chống IS làm chết hơn 20.000 chiến binh và phá hủy các cơ sở vật chất của tổ chức này; Thúc đẩy hơn nữa sự ruồng bỏ đối với những người Hồi giáo phương Tây và tận dụng điều đó để chiêu mộ và huy động lực lượng. Do đó, IS phát động tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây bất chấp việc đang bị ném bom dữ dội ở trung tâm đầu não.
Nhiều điểm khác biệt
Tuy nhiên, chiến lược khủng bố đó không mới. Trước đây, Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác cũng đã có các chiến thuật và mục tiêu tương tự. Các tổ chức này không những thất bại mà trong một số trường hợp, những vụ tấn công như vậy đã đánh dấu việc các tổ chức khủng bố đó bắt đầu đi đến hồi kết. Nhưng cũng có một số điểm khác biệt đối với trường hợp của IS, nổi bật nhất là khả năng khủng bố giết người hàng loạt và phân bố các chiến dịch khủng bố.
Hơn nữa, xét trên khía cạnh năng lực và tính bền vững, có khoảng 6.000 tay súng châu Âu đã rời bỏ đất nước để tham gia cuộc chiến ở Syria, trong đó có khoảng 1.700 tay súng được cho là công dân Pháp và 600 đối tượng trong số đó chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Tính theo tỉ lệ bình quân đầu người thì Bỉ có tỉ lệ chiến binh tham chiến ở Syria cao nhất trong số các nước phương Tây, với ước tính khoảng hơn 500 tay súng và theo một thống kê, có 181 tay súng đã trở về châu Âu. Hiện vẫn chưa có con số chính xác về các chiến binh châu Âu đã được IS huấn luyện và đưa trở lại châu lục này.
Các chiến binh IS tại một địa điểm thuộc tỉnh Nineveh, Iraq. (Nguồn: Getty) |
Abdelhamid Abaaoud, chỉ huy một nhánh của IS và là người đồng chủ mưu các vụ tấn công khủng bố ở Paris tuyên bố rằng, y đã trở lại châu Âu cùng với 90 kẻ khủng bố được IS đào tạo. Tại các căn cứ của IS, tổ chức này được cho là đã đào tạo từ 400-600 tay súng cho “các chiến dịch bên ngoài”. Cuối năm 2015, các tay súng đó được đào tạo dài hạn và phức tạp hơn để có thể thực hiện đánh du kích ở đô thị, thực hành sản xuất các thiết bị nổ tự chế, phát hiện, chống lại các biện pháp an ninh. Vì vậy, khả năng tiến hành khủng bố của số tay súng này rất tốt.
Bên cạnh đó, việc duy trì các chiến dịch khủng bố ở nhiều nơi khác nhau cũng là điểm mấu chốt trong chiến lược của IS nhằm “vắt kiệt sức” của châu Âu cả về tài chính và tinh thần. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là nước bị khủng bố nhiều nhất và tiếp đến là Pháp nhưng chắc chắn danh sách các nước bị tấn công khủng bố nghiêm trọng sẽ còn mở rộng. Đồng thời, cũng không nghi ngờ gì về việc IS sẽ tìm cách gây ra các vụ khủng bố trên khắp “lục địa già”.
Như vậy, châu Âu cần phải duy trì sự đoàn kết giữa các nền dân chủ và phát triển một chiến lược an ninh chung nhằm đối phó với các thách thức an ninh do IS gây ra. Mất đoàn kết và chia rẽ không chỉ giúp IS đạt được các mục tiêu được tuyên bố công khai là “làm suy yếu sự gắn kết của châu Âu” và thúc đẩy “căng thẳng giữa Pháp và Bỉ do thất bại về tình báo” mà nó còn làm giảm đi khả năng hồi phục của xã hội trước chủ nghĩa khủng bố cũng như sự hợp tác an ninh chiến lược.