TIN LIÊN QUAN | |
Người trở về sau hai lần truy điệu | |
Thầy giáo trẻ tâm huyết với tiếng Việt |
Bàn ghế học sinh cũng thành... giường!
Sinh ra và lớn lên tại miền ven biển nghèo thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tuổi thơ của chàng trai Lê Bá Giáp gắn liền với cái nắng, với cuộc sống lam lũ của dân biển. Những trải nghiệm thời ấu thơ cũng là một động lực giúp anh không ngại ngần với những công việc khó khăn ở tuổi trưởng thành.
Tạm gác lại những ngày dạo phố phường nhộn nhịp, những giây phút yên vui, hạnh phúc bên gia đình, bạn bè, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng (năm 2008), chàng trai Lê Bá Giáp tình nguyện ra công tác tại trường THCS Nguyễn Trung Trực (thuộc đảo Cam Bình, Cam Ranh, Khánh Hòa).
Năm 2012 trường Tiểu Học và THCS Bình Hưng được thành lập. Ngôi trường này ở vị trí xa hơn, khó khăn hơn trường THCS Nguyễn Trung Trực, đặc biệt là điện lưới quốc gia chưa phủ đến nơi này. Thiếu thốn nhiều thứ nhưng bản thân Giáp nghĩ rằng không có khó khăn nào có thể làm một thanh niên như anh chùn bước. Vì vậy, anh đã tình nguyện xuống công tác và gắn bó với ngôi trường này.
Thầy giáo Lê Bá Giáp (áo xanh ở giữa) cùng học sinh. |
Từ đất liền tới trường phải đi đò khoảng gần 2 tiếng đồng hồ. Anh nhớ lại những ngày khi cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn, không đủ chỗ để ngủ. Gần 20 cán bộ, giáo viên chỉ có 2 phòng ở. Các cô ngủ trong hai phòng chật hẹp (mỗi phòng 15m2), còn các thầy lấy bàn ghế học sinh kê ra hành lang làm giường. Không có chợ, không điện, không quạt nhưng lại thừa mưa, gió và muỗi…
Thiếu nước ngọt nên nhiều hôm thầy cô phải tắm và ăn nước mặn từ giếng khoan. Nhìn các đồng nghiệp bị say sóng hay bị sóng tạt ướt hết cả người và đồ dùng cá nhân trên đường tới trường, cộng thêm cả nỗi nhớ bố mẹ, vợ, con nhỏ và bạn bè... đã có lúc Giáp nghĩ mình không vượt qua được.
Nhưng rồi tình người, tình đồng nghiệp và nỗi nhớ những khuôn mặt ngây thơ, những làn da đen nhẻm, những mái tóc vàng hoe vì nắng và gió biển của những cô cậu học trò đã cho anh niềm tin, giúp thầy giáo trẻ quyết tâm hơn với lựa chọn của mình.
Khó khăn chồng chất khó khăn, lắm lúc nản chí, nhưng vì yêu nghề, thầy giáo vẫn dặn lòng, tự nhủ, động viên mình rằng “phong ba thử thách sẽ giúp ta trưởng thành và mọi cố gắng nhất định sẽ được đền đáp”. Với quan niệm ấy, anh và các đồng nghiệp trong trường luôn đồng hành, sát cánh bên nhau, tương trợ nhau đi qua những khó khăn, vất vả.
“Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo”
Đối với Giáp, nghề giáo càng cao quý biết bao khi cái chữ được trồng ở những mảnh đất khắc nghiệt, khó khăn. Bằng sức trẻ, nhiệt huyết với nghề và tình yêu con trẻ, Giáp chọn đảo Cam Bình làm nơi công tác và gắn bó.
Giáp tươi cười bộc bạch: “Nếu cho tôi được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo và đặc biệt vẫn chọn đây làm nơi gắn bó. Có người bảo nghề giáo bạc lắm, phải đi dạy ở những nơi xa xôi hẻo lánh lại càng bạc hơn. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Ở mảnh đất khó khăn đầu sóng ngọn gió, được nhìn thấy cái chữ mình gieo “nảy mầm” trên bao thế hệ, có lẽ niềm hạnh phúc còn hơn nhiều lần bình thường”.
Thầy giáo trẻ quan niệm rất đơn giản, rằng công việc dạy học, dạy chữ đối với người thầy không chỉ là cái nghề mà còn là “cái nghiệp”.
Lê Bá Giáp cho rằng, một người công nhân chưa lành nghề có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư chưa giỏi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ. Ý thức rõ tầm quan trọng của tài và đức đối với một người thầy, anh luôn cố gắng giữ gìn và trau dồi đạo đức nhà giáo của mình.
Không cần băng rôn khẩu hiệu để hô hào, anh nghĩ mỗi nhà giáo nên làm sao rèn cho mình cái tâm thật tốt. Tâm là sự yêu trẻ, yêu trẻ sẽ yêu nghề; tâm là sự nhiệt huyết trong từng bài giảng, từng hoạt động; tâm còn là sự đứng vững trước những cám dỗ của cuộc sống hiện đại. Bất chợt Giáp dừng lại vài giây rồi nói tiếp: "Có lẽ, chỉ cần bấy nhiêu là đủ".
Thầy giáo Lê Bá Giáp trong giờ tập thể dục |
Khi được hỏi điều gì khiến anh gắn bó với những đứa trẻ ngoài đảo, thầy giáo trẻ cười tươi rồi bộc bạch: “Sự chân chất ngây thơ hồn nhiên và tình nghĩa của học trò đã lôi kéo tôi, khiến tôi muốn gắn bó ở ngôi trường này”.
Theo thầy giáo Lê Bá Giáp, ban đầu anh cứ nghĩ chỉ công tác vài năm thôi rồi sẽ được luân chuyển vào đất liền, dạy ở nơi tốt hơn, ai ngờ gắn bó lâu vậy. “Giờ thì tôi quen và yêu cuộc sống nơi đây rồi, không muốn về đất liền nữa, cũng giống như người trong bờ quen với đất liền mà không muốn ra đảo vậy”.
4 năm rồi chưa được về quê, dịp này ra Hà Nội nên anh mới được về thăm nhà mấy ngày. Nói về dự định trong tương lai, thầy giáo Lê Bá Giáp nở nụ cười: “Tôi muốn gắn bó với nơi này và một ngày nào đó tôi sẽ đưa vợ con cùng ra đảo để sinh sống và làm việc”.
Giáp kể về những bữa cơm nội trú đầy tiếng cười, về sự cảm thông, chia sẻ giữa những người “cùng cảnh”, cả sự đáng yêu, đáng mến của người dân sống trên đảo, của những cô cậu học trò tinh nghịch đã làm bao khó khăn chỉ còn là “chuyện nhỏ”. "Nơi đây tôi thấy hạnh phúc, gần gũi, thân thuộc như chính nhà mình", Giáp tâm sự.
Thế là cũng 7 năm trôi qua anh gắn bó với hòn đảo này.
Khen thưởng:
|
Thầy giáo Việt trên đất Thái Tốt nghiệp chuyên ngành quản lý du lịch khách sạn tại Thái Lan, thay vì nộp hồ sơ vào làm việc tại các khách sạn ... |
Gieo chữ ở trời Âu Hơn mười năm nay, bà con kiều bào ở khu vực Clondalkin, Dublin 22, Ireland quen và thân mật gọi nơi thầy giáo người Việt ... |
Nơi tiếng Việt vang lên giữa giảng đường Sống xa quê hương, nhưng mỗi khi qua Viện Á Phi IXAA, nghe tiếng Việt vang lên giữa giảng đường, tôi thật sự xúc động ... |