TIN LIÊN QUAN | |
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thuộc nhóm nhanh nhất thế giới | |
10 sự kiện đối ngoại nổi bật 2016 |
Với tư cách là siêu cường số một thế giới, chính sách của Mỹ sẽ tác động lớn đến các nước khác cũng như tình hình chính trị, an ninh quốc tế. Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tác động như thế nào đến tình hình chính trị và an ninh toàn cầu?
Trọng tâm của chính quyền Trump
Bước vào Nhà Trắng khi kinh nghiệm ngoại giao và xử lý các vấn đề quốc tế gần như bằng 0, Tổng thống Trump sẽ phải dựa nhiều vào đội ngũ cố vấn cũng như tham vấn các thành viên quan trọng trong nội các. Quan hệ Mỹ - Nga, Mỹ - Trung Quốc và quan hệ giữa Mỹ với các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á sẽ là việc ông Trump phải xử lý ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ.
Chính sách đối ngoại của Mỹ ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới. (Nguồn: integris-intl.com) |
Năm 2016, quan hệ Mỹ - Nga đã rơi vào trạng thái xấu nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Có lý do gì để tin rằng lần tái khởi động quan hệ Mỹ-Nga dưới thời Trump sẽ tốt hơn nhiệm kỳ Obama? Trong chiến dịch tranh cử và sau khi thắng cử, không ít lần, ông Trump công khai ca ngợi Tổng thống Vladimir Putin và mong muốn cải thiện quan hệ Mỹ - Nga.
Tổng thống Nga và tân Tổng thống Mỹ có thể sẽ ngồi với nhau để đàm phán một cách nghiêm túc những vấn đề khúc mắc, nhưng chắc chắn chính giới hai nước sẽ đặt ra giới hạn xem hai vị Tổng thống có thể gần nhau tới đâu. Giới quân sự, cơ quan tình báo, các nghị sĩ Cộng hòa và thậm chí một số thành viên nội các Mỹ luôn mang tinh thần “diều hâu” đối với Nga, đồng thời nhấn mạnh cái giá chiến lược đắt đỏ mà Washington phải trả nếu Mỹ mất đi tầm ảnh hưởng ở không gian hậu Liên Xô.
Về quan hệ Mỹ - Trung Quốc, bản chất của mối quan hệ này là hợp tác trên những lĩnh vực có thể mang tới lợi ích chung. Tuy nhiên, Mỹ - Trung Quốc đối kháng và mâu thuẫn về khu vực ảnh hưởng chiến lược, trước hết là Đông Á, rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương cũng như các vấn đề cũ như an ninh mạng, thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ - vốn được ông Trump cho là nghiêm trọng. Với việc bổ nhiệm nhân sự có xu hướng cứng rắn với Trung Quốc vào Hội đồng Thương mại Quốc gia, chắc chắn quan hệ thương mại với Trung Quốc là điều ông Trump muốn sớm giải quyết rốt ráo.
Trong quan hệ đồng minh, ông Trump công khai tuyên bố muốn giảm bớt những cam kết của Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặt ra những câu hỏi về giá trị của NATO và sẽ cân nhắc trước khi bảo vệ đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Nếu ông Trump thực hiện đúng những tuyên bố đó, chắc chắn cấu trúc an ninh châu Âu sẽ bị phá vỡ. Không những thế, có thể Mỹ sẽ buộc các nước đồng minh trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh. Tuy nhiên, có thể tin rằng cấu trúc của các hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu sẽ không hoặc ít ra là chưa thể có thay đổi lớn. Không thể vì vấn đề ngân sách mà Mỹ đánh đổi cả một hệ thống liên minh ở khắp thế giới mà mình đã dày công xây dựng trong hơn 70 năm qua.
Dàn xếp ở Syria
Xung đột ở Syria và cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông là hai vấn đề có liên quan và sẽ chịu tác động lớn từ quan hệ Nga - Mỹ. Trong hơn 5 năm qua, khác biệt giữa Washington - Moscow về quan điểm chính trị và số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là trở ngại lớn đối với việc giải quyết xung đột Syria. Vì thế, việc ông Trump xích lại gần hơn với ông Putin sẽ đặt nền móng cho việc tái xây dựng lòng tin giữa hai nước, trên cơ sở đó, Mỹ - Nga sẽ điều chỉnh chiến thuật ở chiến trường Syria. Nhưng cũng phải nói rằng không nên kỳ vọng sẽ có thay đổi lớn ngay trong năm 2017.
Liên quan đến vấn đề Syria còn là cuộc chiến chống khủng bố với mục tiêu lớn nhất là tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cuộc chiến này phụ thuộc vào việc Mỹ và Nga phối hợp dàn xếp được tình hình Syria ở mức độ nào. Nếu nội tình Syria được dàn xếp ổn thỏa, cuộc chiến chống IS sẽ có cơ sở để đột phá. Nhưng nhiều khả năng Mỹ và Nga chỉ có thể hạn chế xung đột giữa các phe phái ở Syria nên giao tranh với IS sẽ còn kéo dài.
Châu Âu gặp nhiều khó khăn
Một vấn đề nữa chịu ảnh hưởng của quan hệ Nga - Mỹ là tình hình Ukraine, vốn đã và đang là địa bàn tranh chấp của hai cường quốc này. Ở Ukraine, chính quyền thân phương Tây của Tổng thống Petro Poroshenko đang gặp rất nhiều khó khăn. Sự trợ giúp về kinh tế mà phương Tây dành cho chính quyền Kiev sụt giảm, trong khi quan hệ với Nga đổ vỡ khiến tình hình quốc gia Đông Âu này ngày càng khó khăn. Diện tích quốc gia bị thu hẹp, kinh tế khó khăn, xung đột xã hội, nội chiến... đủ khiến chính quyền ở Kiev phải tính toán lại chiến lược nếu không muốn trượt dài vào khủng hoảng toàn diện.
Các nước châu Âu nói chung và thành viên của NATO nói riêng sẽ phải chuẩn bị cho triển vọng không mấy sáng sủa. Khủng hoảng nợ còn để lại dư âm và tác động xấu chưa chấm dứt, những vấn đề mới đã nổi lên. Các đảng cánh hữu mang tinh thần dân túy sẽ hoạt động mạnh hơn sau khi thấy hiệu quả của chiến dịch tranh cử của ông Trump. Các phong trào ly khai ở Tây Ban Nha, Anh... sẽ tiếp tục. Cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn sẽ làm trầm trọng thêm tình hình ở châu Âu. Hai nước quan trọng nhất Liên minh châu Âu (EU) là Pháp và Đức sẽ phải trải qua một kỳ bầu cử mà kết quả khó dự báo, nhất là ở Đức, vì Thủ tướng Angela Merkel sẽ phải chịu rất nhiều sức ép và thách thức. Có lẽ, từ sau khi kết thúc Thế chiến thứ Hai tới nay, chưa bao giờ châu Âu phải đối mặt với nhiều vấn đề cùng một lúc như vậy.
(Ảnh: ABC News) |
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Ở châu Á, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nỗ lực lôi kéo các nước vào liên kết khu vực. Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là cơ hội cho Trung Quốc thuyết phục các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Khu vực Tự do Thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), chiến lược “Một vành đai, một con đường” (OBOR) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Đây đều là những sáng kiến được Trung Quốc đầu tư nhiều và kỳ vọng lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục coi Biển Đông là bàn đạp để phát triển thành một cường quốc đại dương, mở rộng địa bàn chiến lược.
Đối với những đối tác chủ chốt của Mỹ ở Đông Á, thất bại của TPP là một đòn giáng mạnh vào họ. Quốc hội Nhật Bản mới thông qua TPP sau khi ông Trump đắc cử. Đối với Nhật Bản, TPP không chỉ là một hiệp định thúc đẩy cải cách kinh tế mà còn là biểu tượng cho tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Mỹ-Nhật. Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ buộc phải đầu tư hơn vào phát triển năng lực quân sự, không loại trừ khả năng sản xuất và sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhật Bản có thể sẽ tiếp tục “diễn giải lại” hiến pháp để trở thành một nước “bình thường”, mở rộng khả năng hoạt động quân sự ở nước ngoài. Tất cả những động thái đó sẽ được nhìn nhận như là quá trình tái vũ trang và mở rộng ảnh hưởng, đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì thế, Trung Quốc càng có cớ để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và hiện đại hóa quân đội.
Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một “điểm nóng” ở châu Á. Trong năm 2016, chính quyền Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân, thể hiện sự phát triển của công nghệ hạt nhân cũng như tham vọng của quốc gia Đông Bắc Á. Mặc dù Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên, song nước này đã lên tiếng phản đối, thậm chí còn tiến hành thêm một số cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn, mô phỏng tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dự kiến gia tăng trong năm 2017 khi Mỹ sẽ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở lãnh thổ Hàn Quốc.
Thỏa thuận hạt nhân Iran có thể sẽ gặp nguy. Phe Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ công bố kế hoạch thông qua dự luật áp lệnh cấm vận lên Iran thêm 10 năm-động thái có thể phá hủy hoại quan hệ Mỹ - Iran một lần nữa. Dù vậy, Iran vẫn sẽ cho cộng đồng quốc tế thấy thiện chí của họ bởi lúc này Iran cần phát triển kinh tế hơn, mặt khác còn phải lo đối phó với những vấn đề khủng hoảng ở cấp độ khu vực. Cách ứng xử của chính quyền Trump có thể sẽ tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Iran dự kiến diễn ra vào tháng 5/2017.
Tóm lại, dựa trên nét phác họa ban đầu về chính sách đối ngoại của Mỹ, chúng ta có thể tạm thời dự báo tác động của chính sách đó lên một số vấn đề nổi bật trong nền chính trị thế giới năm 2017. Nhưng dự báo chỉ là dự báo. Hãy để thời gian cho chúng ta câu trả lời.
2016: Một năm thành công của các golf thủ châu Á Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất trong làng golf thế giới trong năm 2016 chính là sự vươn lên mạnh mẽ của các ... |
Thị trường chứng khoán 2017: Tín hiệu tích cực Tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam 2017 dự ... |
10 cú sốc của bóng đá thế giới trong năm 2016 Năm 2016, bóng đá thế giới đã chứng kiến quá nhiều cú sốc lớn như việc Leicester City vô địch Premier League, Bồ Đào Nha ... |