📞

Thế giới phân mảnh - Giấc mộng Davos tan vỡ

16:08 | 07/02/2019
Gần 50 năm, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đặt mục tiêu phấn đấu cho một thế giới mở cùng chia sẻ những giá trị dân chủ chung đã không thể trở thành hiện thực.

Nhưng WEF lần thứ 49 vừa diễn ra tại Davos đã cho thấy tất cả điều trái ngược: sự vắng mặt của nước Mỹ là biểu tượng cho sự rút lui khỏi các công việc chung của thế giới; những vấn đề lớn của thế giới từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, quy định về tài chính, số hóa, bất bình đẳng,… đều đã bị đặt xuống hàng thứ yếu để nhường chỗ cho việc các nước ra sức bảo vệ quyền lợi quốc gia của mình.

Davos, Thụy Sĩ là nơi giới tinh hoa của Thế giới nuôi giấc mộng một thế giới mở cùng chia sẻ. (Nguồn: Getty Images)

WEF lần thứ 49 đã không đạt được mục tiêu mà chủ đề Diễn đàn nêu ra là “xây dựng một cấu trúc thế giới mới ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”. Không một ai có những kế hoạch cho ngôi nhà chung để bảo vệ các tài sản chung, các giá trị chung.

Giấc mơ của Davos đã trở thành ác mộng, thế giới gặp nhiều trở ngại và đang chứng kiến sự đối đầu ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại Diễn đàn đã mong muốn toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng ông đã nhanh chóng đưa ra các giới hạn khi tuyên bố “nhất định phải tôn trọng chủ quyền quốc gia, tránh tìm kiếm bá quyền về công nghệ và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác”.

Đây là một ám chỉ cho cuộc tranh chấp hiện nay về tập đoàn Huawei và cũng cho thấy một tâm lý đang ngự trị là cuộc đối đầu giữa hai nước lớn, cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa họ bất cứ lúc nào cũng có thể  bùng nổ mạnh mẽ và làm thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres đã phải thốt lên: “Chưa bao giờ quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga lại xuống cấp như hiện nay”.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, tại WEF năm nay, 47 nước trong đó có Mỹ, Trung Quốc và EU đã thông báo từ tháng 5/2019 tới sẽ mở thảo luận để xây dựng các quy định về thương mại điện tử.

Đây là một thời điểm đồng thuận hiếm hoi, một cải cách rộng rãi. Sự kiện này có tính biểu tượng cao, giúp cho WTO vốn bị tê liệt từ nhiều năm qua tìm lại được hình ảnh của mình. WTO đang hy vọng sẽ có nhiều thỏa thuận đa phương tương tự sắp tới sẽ được áp dụng cho tất cả các nước thành viên. Cao ủy châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström ca ngợi sự kiện lịch sử này cho thấy WTO “có thể tấn công vào các thách thức của thế kỷ 21”.

Trung Quốc trong nhiều năm qua đã mạnh mẽ hạn chế sử dụng internet bên trong lãnh thổ nước họ và ban đầu từ chối tham gia thảo luận, nay đã thấy trong sáng kiến này là một phương tiện để làm sống lại WTO. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đã thông báo việc xây dựng các quy định về thương mại nằm trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ Nhật Bản đảm nhận vai trò chủ tịch G20.

Hiện thị trường thương mại điện tử có doanh số 25.000 tỷ USD/năm, trong đó 47 nước đồng ý tham gia thảo luận chiếm tới hơn 90%.

(theo Les Echos)