Khủng hoảng Ukraine, cú phản đòn vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, Phần Lan gia nhập NATO, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tại California và những điểm nóng khác làm đậm thêm gam màu nóng đối đầu, xung đột và gam màu xám chia rẽ của “bức tranh thế giới”.
Đồng thời, “bức tranh thế giới” cũng dần hiện những nét màu mới về sự dịch chuyển chính trị, ngoại giao… Tâm điểm của sự dịch chuyển là Mỹ, Nga, Trung Quốc và các đồng minh, đối tác của họ. Nhiều sự kiện tiêu biểu chứng tỏ xu hướng trên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ đón trước cuộc hội đàm chính thức ngày 21/3 tại Điện Kremlin. (Nguồn: Reuters) |
Chuyến thăm đặc biệt, tầm nhìn mới và sức hút mới
Sự kiện đầu tiên là chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 20-22/3. Kết quả nổi bật là ký kết 2 tuyên bố chung và 12 văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự, an ninh, công nghệ... Hai nhà lãnh đạo khẳng định quan hệ Nga-Trung không phải là kiểu liên minh chính trị, quân sự theo mô hình phương Tây thời chiến tranh lạnh, không nhằm đối đầu, không đe dọa an ninh, lợi ích của quốc gia khác.
Ẩn chứa sau chuyến thăm là mối quan hệ đặc biệt với tầm nhìn xuyên thế kỷ, mang lại nhiều lợi ích chung cho hai cường quốc. Nga giữ ổn định kinh tế, đời sống nhờ bán dầu khí và nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào từ Trung Quốc. Bắc Kinh được cung cấp nguồn dầu khí lớn, ổn định, giá ưu đãi cùng nhiều nguyên liệu chiến lược khác và công nghệ quốc phòng lưỡng dụng.
Hợp tác toàn diện và sử dụng đồng tiền quốc gia (Ruble, Nhân dân tệ) trong giao dịch, nâng cao sức mạnh, tạo vị thế lớn hơn cho cả Nga và Trung Quốc trong đối phó với thách thức, bao vây, trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Đương nhiên, Mỹ và phương Tây lo lắng, tìm cách đối phó, làm sai lệch, hạ thấp ý nghĩa của chuyến thăm. Nhưng hợp tác Trung-Nga vẫn tạo ra sức hấp dẫn cho các tổ chức mà hai nước là hạt nhân như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS).
Nga điều chỉnh chính sách đối ngoại - tinh thần mới, tư duy mới
Sự kiện nổi bật thứ hai là ngày 31/3, Tổng thống V. Putin phê chuẩn văn kiện “Khái niệm mới về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”, thay thế cho văn kiện năm 2016. Lý do chủ yếu để công bố văn kiện mới là sự thay đổi mạnh mẽ của bối cảnh quốc tế; chính sách, chiến lược chia tách Nga với châu Âu, cô lập Nga với thế giới của Mỹ và phương Tây, nhất là từ khi xảy ra khủng hoảng Ukraine.
Văn kiện có 42 trang, 6 phần và 76 điểm, bao gồm nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính và những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga trong trung và dài hạn. Mục tiêu cơ bản là nâng cao vai trò của Nga trong định hình một trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn và phá bỏ thế bao vây cô lập của phương Tây. Nhiệm vụ chính là mở rộng quan hệ với các đối tác có tinh thần xây dựng và tạo điều kiện để các quốc gia không thân thiện từ bỏ chính sách thù địch, “bài” Nga.
Nga xác định Mỹ và phương Tây là nhân tố thách thức, gây căng thẳng. Nhưng để phân hóa đối tượng, Nga chỉ đích danh Mỹ là mối đe dọa chính. Theo đó, Nga đề ra phương châm “ba không”: không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây và không có ý định thù địch với phương Tây; đồng thời sẵn sàng đối thoại, hợp tác trên cơ sở tương tác bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga là tăng cường quan hệ với các trung tâm quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, như Trung Quốc, Ấn Độ…; đồng thời mở rộng hợp tác toàn cầu và khu vực với các nước thuộc thế giới Hồi giáo, các nước ASEAN, châu Phi, Mỹ Latinh. Với căng thẳng vừa qua, quan hệ với châu Âu không còn là ưu tiên hàng đầu của Nga.
Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, văn kiện mới phản ánh “những thay đổi mang tính cách mạng ở vành đai bên ngoài của Nga sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt”. Nét nổi bật trong tư duy đối ngoại mới của Nga là sự kết hợp giữa 3 thành tố, giữ ổn định chiến lược, răn đe chiến lược và cân bằng chiến lược.
Thay đổi đáng chú ý là Nga không chỉ chủ yếu dựa vào biện pháp ngoại giao, kinh tế để xử lý mâu thuẫn, xung đột, mà còn dựa vào sức mạnh quân sự, quốc phòng để bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vị thế trên trường quốc tế. Moscow tự tin đủ khả năng sẵn sàng thực hiện “các biện pháp đối xứng và bất đối xứng” đáp trả những hành động không thân thiện; có thể sử dụng lực lượng vũ trang để ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào mình và đồng minh.
Theo chuyên gia quốc tế, chính sách đối ngoại mới của Nga điều chỉnh quan hệ theo hướng vừa ưu tiên vừa đa dạng hóa, vừa linh hoạt vừa thực dụng, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn; thể hiện tinh thần sẵn sàng “chung sống hòa bình”. Văn kiện định hướng cho hoạt động đối ngoại của Nga, đồng thời gửi thông điệp mạnh mẽ đến đồng minh, đối tác và đối tượng của Moscow.
Hiện chỉ khoảng 40 quốc gia, xấp xỉ 36% dân số thế giới có thái độ cứng rắn, hăng hái viện trợ vũ khí cho Ukraine. (Nguồn: Getty) |
Sự dịch chuyển dần hiện rõ và những góc nhìn
Các sự kiện có mối quan hệ chặt chẽ, cộng hưởng với nhau, trong một chính sách, chiến lược tổng thể, đang và sẽ tác động đa chiều đến thế giới.
Năm 2022, có thêm 20 quốc gia muốn tham gia SCO, BRICS, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia, Indonesia, Argentina... Nga, Trung Quốc và một số quốc gia dần hình thành hệ thống thương mại sử dụng đồng Ruble, Nhân dân tệ, giảm vai trò chi phối của đồng USD, hạn chế tác động của lệnh trừng phạt. Họ được kỳ vọng tạo nên một hệ thống đối trọng với nhóm 7 nền kinh tế phát triển (G7). Trên nền tảng đó, thúc đẩy quá trình xây dựng trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn.
Qua hơn 400 ngày xung đột, tỷ lệ phản đối, ủng hộ Nga liên quan đến khủng hoảng Ukraine thay đổi theo chiều hướng trung lập, cân bằng hơn. Sự ủng hộ phương Tây không cao như thời gian đầu. Thực tế, chỉ khoảng 40 quốc gia, xấp xỉ 36% dân số thế giới có thái độ cứng rắn, hăng hái viện trợ vũ khí cho Ukraine, cấm vận Nga.
Ngay trong nội bộ EU cũng có những bất đồng chính sách. Nhiều cuộc biểu tình với hàng chục ngàn người vì suy thoái, lạm phát kinh tế, đời sống khó khăn, lo ngại “va chạm hạt nhân”, phản đối chính phủ. Một số quốc gia từ chỗ đồng ý lên án Nga chuyển sang lập trường trung lập; tìm cách duy trì quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế với Nga.
Sau thành công trong việc giúp Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ ngoại giao; tăng cường quan hệ với Nga; đề xuất kế hoạch hòa bình cho Ukraine…, Trung Quốc chứng tỏ không những là cường quốc kinh tế, quân sự mà còn có vai trò to lớn trên trường ngoại giao quốc tế. Sau Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu EU Ursula von der Leyen và nhiều nhà lãnh đạo khác đã đến Bắc Kinh.
Tương quan lực lượng, các mối quan hệ đang có sự thay đổi, do nhiều nguyên nhân. Một là, tác động tiêu cực từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai là, lo ngại trước các hành động can thiệp, gây sức ép, “tiêu chuẩn kép” của Mỹ và phương Tây. Ba là, xu hướng thúc đẩy đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine của nhiều quốc gia. Bốn là, từ tính toán lợi ích quốc gia, dân tộc. Năm là, do tác động từ sự điều chỉnh chính sách chính trị, ngoại giao của Nga, Trung Quốc và đồng minh, đối tác.
Theo chuyên gia quốc tế, các chuyển dịch chính trị, ngoại giao có tác động đa chiều. Mặt tích cực là các hệ thống đối trọng tạo thế cân bằng hơn, buộc các nước lớn phải cân nhắc, hành động thận trọng. Mặt tiêu cực là các hành động đối đầu, đáp trả giữa hai hệ thống sẽ tạo ra những va đập khó lường, khó kiểm soát.
Có thể thấy, thế giới đang phân chia thành nhiều nhóm; có sự dịch chuyển giữa các nhóm và trong từng nhóm. Các nước dù không can dự trực tiếp, không muốn chọn bên cũng chịu tác động từ sự điều chỉnh chính sách, chiến lược của Nga, Mỹ và các nước lớn khác; và sự va đập giữa các hệ thống đối lập nhau.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với Nga, Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước lớn khác. Trong sự cạnh tranh giữa các nước lớn, vai trò của Việt Nam sẽ được coi trọng hơn. Nhưng quan hệ Mỹ, Nga, Trung Quốc căng thẳng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ của Việt Nam với ba nước và đồng minh, đối tác của họ. Nếu xử lý quan hệ không tốt, Việt Nam có thể bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn.
Để khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, trước hết cần giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cân bằng quan hệ với các nước lớn, không chọn bên. Giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao tiềm lực, vị thế quốc tế của đất nước. Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược, đề xuất đối sách, giải pháp sẵn sàng đối phó với những tác động tiêu cực trong quan hệ quốc tế.
| Vấn đề Đài Loan: Lịch sử và thông lệ Ngày 27/3, ông Mã Anh Cửu trở thành cựu lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) đầu tiên tới thăm Trung Quốc đại lục kể từ ... |
| Thổ Nhĩ Kỳ - 'nỗi lo' thường trực của NATO Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến NATO “đau đầu” vì thực hiện những chính sách khác biệt so với các đồng minh. |
| Điểm tin thế giới sáng 7/4: Ngoại trưởng Iran-Saudi Arabia hội đàm, Syria mở lại Đại sứ quán tại Tunisia, 'tẩy chay' TikTok ở châu Âu Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 7/4. |
| Phản đối bộ phim xuyên tạc vai trò của Việt Nam trong vụ máy bay MH370 Việt Nam yêu cầu đơn vị sản xuất, phát hành phản ánh chính xác đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu ... |
| Vấn đề Đài Loan: Mỹ hối thúc Trung Quốc ‘chọn ngoại giao’, Nhật Bản và EU lên tiếng Ngày 6/4, tàu sân bay USS Nimitz của Mỹ đã xuất hiện gần khu vực Đông đảo Đài Loan, cùng khu vực với tàu sân ... |