📞

Thế khó cho Thủ tướng Israel

Minh Vương 06:00 | 21/04/2023
Thủ tướng Israel sẽ phải thể hiện sự khéo léo để vừa giải quyết vấn đề an ninh, vừa duy trì liên minh cầm quyền với nhiều chính trị gia cứng rắn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đứng trước bài toán cân bằng về bảo đảm an ninh và duy trì nội các. Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Bài toán an ninh

Tháng 12/2022, ông Benjamin Netanyahu trở lại vị trí Thủ tướng Israel trong bối cảnh tình hình an ninh đặc biệt căng thẳng. Theo Liên hợp quốc, năm 2022 là “năm đẫm máu nhất” tại bờ Tây hơn 15 năm qua, với 151 người Palestine và 31 người Israel thiệt mạng.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình chưa hạ nhiệt. Đầu tháng Tư, đụng độ đã xảy ra tại Đền al-Aqsa/Núi Đền giữa người Do Thái kỷ niệm lễ Quá Hải và người Arab Palestine trong tháng Ramadan, khơi mào cho khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất giữa lực lượng Israel và các tay súng ở Gaza từ năm 2021.

Trong vài ngày, các tay súng cực hữu đã bắn hàng loạt tên lửa về Israel, khiến không ít người lo ngại về đụng độ lan rộng, đặc biệt là trước lập trường cứng rắn của một số quan chức cấp cao và nghị sĩ Israel. Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben Gvir cho rằng, đã đến lúc Nhà nước Do Thái “khiến họ (các tay súng) cúi đầu ở Gaza”. Phát biểu với Đài truyền hình quân đội Israel, nghị sĩ Danny Danon của đảng Likud khẳng định: “Khu vực này chỉ hiểu được lý lẽ của sức mạnh và đã đến lúc chúng ta sử dụng những gì mình có”.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại có phần kiểm soát hơn nhiều. Một mặt, ngay sau khi sự việc diễn ra, các quan chức Israel nhanh chóng khẳng định, các lực lượng mà nước này cho là được Iran bảo trợ không đứng sau vụ tấn công. Mặt khác, các đợt phản công của Lực lượng phòng thủ Israel (IDF) cũng chỉ nhắm vào các mục tiêu có giá trị chiến lược thấp tại Gaza, Lebanon có liên quan tới Hamas và không gây ra thương vong về người. Thủ tướng Israel cũng ra lệnh tương tự các năm trước, những ai không theo đạo Hồi sẽ bị cấm tới Đền al-Aqsa/Núi Đền trong 10 ngày cuối tháng Ramadan.

Đặc biệt, đương kim Thủ tướng Israel cũng gây bất ngờ khi thông báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, người được coi là “đối trọng” với các thành viên cứng rắn hơn trong nội các, sẽ tiếp tục tại vị. Trước đó, chính ông Benjamin Netanyahu từng đe dọa sa thải quan chức này vì đã phản đối kế hoạch cải cách tư pháp, nhận định nó gây ra “mối nguy hiểm rõ ràng” với an ninh quốc gia Israel.

Sau các biện pháp kéo dài gần một tuần, những đợt xả súng liên tục, bắn tên lửa từ dải Gaza, Lebanon và Syria vào lãnh thổ Nhà nước Do Thái đã tạm lắng. Trong khi đó, tình hình an ninh tại Israel cũng có xu hướng ổn định trở lại.

Các đợt phóng tên lửa của Israel về phía các tay súng Hamas ở dải Gaza và Lebanon nhằm đáp trả đợt tấn công vừa qua, chủ yếu nhằm vào các mục tiêu có giá trị chiến lược thấp và không gây thương vong cho dân thường. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Nỗ lực cân bằng

Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng Israel nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới liên minh cầm quyền của ông, vốn có sự góp mặt của các chính trị gia cực hữu ở các vị trí chủ chốt.

Chia sẻ trên Facebook, Bộ trưởng An ninh quốc gia Itamar Ben Gvir cho biết, ông “bực tức” trước quyết sách của chính phủ và chỉ trích việc cấm người Do Thái tới Đền al-Aqsa/Núi Đền trong 10 ngày cuối cùng của tháng Ramadan là “nhượng bộ cho chủ nghĩa khủng bố”.

Phát biểu trước người ủng hộ, chính trị gia cực hữu, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich cho biết dù “rất cố gắng” để trung thành với chính phủ, song “tình trạng này không thể tiếp tục mãi”.

Khảo sát mới đây cho thấy các cử tri đang tỏ ra thất vọng trước các quyết sách, đặc biệt là về an ninh của chính phủ. Thăm dò dư luận mới đây cho thấy chỉ 27% cử tri Israel tin tưởng rằng liên minh cầm quyền sẽ bảo đảm an ninh cho mình.

Thú vị thay, ông Aviv Bushinsky, nhà phân tích chính trị và cựu cố vấn cho ông Netanyahu, nhận định tỷ lệ ủng hộ liên minh sụt giảm đồng nghĩa ngay cả khi những chính trị gia cứng rắn có bực tức với cách tiếp cận tránh rủi ro của đương kim Thủ tướng đi chăng nữa, chính phủ vẫn sẽ tồn tại. Chuyên gia này nói: “Họ sẽ không kêu gọi bầu cử thêm một lần nữa, bởi tất cả (những người trong liên minh) sẽ rơi vào yếu thế và mất ghế, chưa kể tới việc họ có thể không còn nắm quyền. Theo tôi, ông Netanyahu biết điều đó, rằng ông có thể chấp nhận rủi ro ‘chọc giận’ các đối tác của mình, bởi họ không có sự lựa chọn nào khác”.

Tuy nhiên, có ý kiến khác lại cho rằng liên minh cầm quyền đang mong manh bao giờ hết. Các vụ bạo lực kéo dài, hoặc tranh cãi xung quanh câu chuyện về cải cách tư pháp vào tháng tới, có thể thách thức liên minh này thêm một lần nữa.

Ông Shalom Lipner, nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) từng làm việc cho ông Netanyahu, nhận định: “Tôi nghĩ rằng những người ở đầu bên kia, bao gồm ông Ben Gvir và ông Smotrich, sẽ sớm có động thái. Đây sẽ là bài toán cân bằng cho ông Netanyahu, cũng như các chính trị gia cực hữu này”.

(theo Financial Times)