📞

Thế mạnh của văn hóa và sự thích nghi

11:34 | 31/05/2014
Là nhà ngoại giao có nhiều thế mạnh về văn hóa dân tộc, am hiểu văn hóa thế giới, cũng như khả năng ứng dụng linh hoạt thế mạnh đó trong hoạt động đối ngoại, Đại sứ Trần Trọng Toàn đã dành nhiều thời gian trò chuyện với các nhà ngoại giao trẻ về vai trò của văn hóa trong công tác chuyên môn.
Đại sứ Trần Trọng Toàn đang hát bài "Mừng Xuân mới" theo điệu Chầu văn "Hầu xá thượng" (sử dụng nhịp phách bằng đũa và đĩa).

Nhìn tinh thần trẻ trung và tác phong năng động của Đại sứ Trần Trọng Toàn, ít người nghĩ ông đã qua tuổi lục tuần và đang nỗ lực cống hiến trong chặng cuối của sự nghiệp ngoại giao của mình. Vừa khẩn trương biên soạn các tài liệu nghiệp vụ lưu hành nội bộ trong Bộ Ngoại giao, vị Đại sứ quê Quan họ này còn tất bật với lịch trò chuyện dày đặc tại các cơ quan đối ngoại và tại các trường đại học về những kinh nghiệm ông tích lũy được trong suốt sự nghiệp làm công tác đối ngoại của mình. Trong đó, đề tài mà ông vô cùng tâm huyết chính là ngoại giao văn hóa và kinh nghiệm ứng dụng văn hóa trong hoạt động đối ngoại.

Sứ mệnh cao cả

Đại sứ Trần Trọng Toàn chia sẻ: “Hiện nay, các nước lớn triển khai ngoại giao văn hóa với tư cách là sức mạnh mềm nhằm mở rộng ảnh hưởng và thể hiện vị thế cường quốc của mình trên thế giới. Trong khi đó, các nước vừa và nhỏ triển khai ngoại giao văn hóa chủ yếu nhằm tạo sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng ảnh hưởng và thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Ở nước ta, văn hóa ngoại giao đã được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Chất văn hóa trong tư tưởng ngoại giao của ta ngày nay thể hiện chủ yếu ở những điểm như nền ngoại giao hòa bình, hợp tác, đề cao tinh thần nhân văn, hòa hiếu, hữu nghị, độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc và là nền ngoại giao kiên định về nguyên tắc nhưng khéo léo, linh hoạt về sách lược theo đúng phương châm dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trong sự phát triển của quan hệ quốc tế, việc sử dụng văn hóa để phục vụ mục tiêu đối ngoại của các quốc gia chính là cơ sở để triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại.

Theo Đại sứ Toàn, “sứ mệnh cao cả của ngoại giao văn hóa và văn hóa đối ngoại là làm cho các dân tộc hiểu biết và chấp nhận văn hóa của nhau, từ đó xích lại gần nhau hơn, xây dựng một nền hòa bình thế giới vững chắc, lâu dài và quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa các dân tộc vốn khác nhau về văn hóa, tư tưởng, hệ giá trị, lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo...”.

Quy tắc về sự thích nghi

Hiểu và tôn trọng văn hóa (giá trị, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo) của các dân tộc khác, tránh vi phạm các điều kiêng kị và coi văn hóa của mình là cao hơn cả, cố gắng tìm ra những điểm tương đồng để tạo sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau… chính là những quy tắc văn hóa mà các nhà ngoại giao cần luôn ghi nhớ.

Đại sứ Toàn phân tích: Người Hồi giáo sẽ không hài lòng khi được tặng tranh ảnh hay tượng phụ nữ và sẽ bất bình khi được mời ăn thịt lợn, người Ấn Độ giáo sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi được mời ăn thịt bò, người Sikh có thể nổi giận khi được mời hút thuốc lá, người Nhật rất kiêng con số 4 và 9 và sẽ không hài lòng khi được tặng hoa sen – thứ hoa người Nhật chỉ dùng trong các lễ tang…

Không riêng trong công tác ngoại giao mà hiểu biết về văn hóa cần thiết cho tất cả mọi người: Một doanh nhân châu Âu đã bị hủy một hợp đồng lớn với một nước Trung Đông vì đã có động tác ga-lăng khi giơ tay đỡ một quý bà Hồi giáo từ trên xe xuống, một hãng nước chấm của Anh sáu tháng liền không tiêu thụ được sản phẩm tại Bắc Ấn Độ vì tên gọi sản phẩm đó là Bundh, theo tiếng địa phương có nghĩa là “hậu môn”...

Cá nhân Đại sứ Toàn từng ở trong trường hợp mà nếu không hiểu văn hóa của nhau thì sẽ nổi cáu hoặc “không thèm nhìn mặt nhau nữa”. Đó là lần ông đi chơi golf với một nhóm Đại sứ một số nước ở Hàn Quốc. Trong bữa ăn trưa, Đại sứ Australia khen quả swing của Đại sứ Toàn mạnh và xa rồi hỏi ông: “Sao trên 60 tuổi rồi mà gân cốt ông còn tốt thế?” Đại sứ Toàn mới trả lời: “Đó là nhờ hằng ngày tôi uống glucosamine của nước ông sản xuất”. Khi các Đại sứ khác còn đang nhìn nhau gật gù thì Đại sứ kia nhanh nhảu xác nhận: “Đúng vậy, ngày nào tôi cũng cho con chó của tôi uống ba viên nên nó tuy đã già nhưng vẫn rất khỏe”…

Ông bảo: “Trong tình huống đó, nếu như không hiểu trong văn hóa nước đó, họ coi chó như thành viên trong gia đình và hơn nữa, tôi với ông Đại sứ kia chơi khá thân với nhau thì chắc chắn sẽ có xung đột”.

Trong sự phát triển của quan hệ quốc tế, việc sử dụng văn hóa để phục vụ mục tiêu đối ngoại của các quốc gia chính là cơ sở để triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại. Trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, những câu chuyện về xung đột văn hóa và ngôn ngữ là rất phổ biến. Vì vậy, trang bị sẵn sàng cho mình những kiến thức, kinh nghiệm trong ứng dụng linh hoạt yếu tố văn hóa vào các tình huống đối ngoại sẽ trở thành thế mạnh đặc biệt, giúp ích rất nhiều cho nhà ngoại giao trong hoạt động chuyên môn của mình.

Liên Châu (ghi)