Tam giác quan hệ Mỹ- Trung Quốc-EU được dự đoán trở nên phức tạp trong thời gian tới. (Nguồn: epthinktank) |
Đại dịch Covid-19 đang làm rõ hơn các xu hướng địa chính trị, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong hai thập kỷ qua, sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục ổn định, đạt đến tầm thách thức trực tiếp vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới.
Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã gia tăng tính quyết đoán trong các mối quan hệ quốc tế. Trước ảnh hưởng của Trung Quốc và mối quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi, EU đứng trước tính thế khó xử trong việc duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Bắc Kinh và Washington.
Sau khi tập trung khống chế tương đối thành công đại dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu, Trung Quốc tự tin gia tăng ảnh hưởng ra bên ngoài với việc đẩy mạnh ngoại giao khẩu trang và vaccine. Nước này cũng sẵn sàng “xù lông” trước các lời chỉ trích liên quan đến nguồn gốc đại dịch, nổi lên với việc áp dụng phương cách “ngoại giao chiến lang”.
Giai đoạn đầu, Trung Quốc phản ứng với đại dịch có phần lúng túng và kinh tế bị ảnh hưởng. Tuy vậy, nước này nhanh chóng thoát khỏi đại dịch và đưa kinh tế phục hồi ấn tượng hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Điều này khuyến khích Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp ổn định trong nước và theo đuổi ảnh hưởng quốc tế bằng việc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Quốc gia này cũng có những xung đột về biên giới với quốc gia láng giềng Ấn Độ trên dãy Himalaya, gia tăng sự quyết đoán ở Biển Hoa Đông, Biển Đông, Đài Loan – những hành động thử thách cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ các đối tác trong khu vực.
Mỹ tăng gắn kết với châu Âu
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ tuyên bố Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden ủng hộ quan điểm này, nói rằng sự cạnh tranh Mỹ-Trung là một đặc điểm cấu trúc của quan hệ quốc tế trong những năm tới.
Mỹ tìm cách thành lập liên minh các nền dân chủ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Australia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như các đối tác xuyên Đại Tây Dương truyền thống của họ là châu Âu.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Biden thể hiện mong muốn châu Âu có lập trường rõ ràng trong việc bảo vệ dân chủ, pháp quyền và nhân quyền tại các diễn đàn đa phương, không né tránh những lời chỉ trích đối với Trung Quốc.
Mỹ cũng muốn châu Âu giúp tham gia ngăn chặn quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc thông qua các lệnh cấm chuyển giao công nghệ; tránh việc Trung Quốc kiểm viễn thông và kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của châu Âu thông qua việc kiểm tra an ninh đối với các thỏa thuận mua sắm và đầu tư của chính phủ.
Hơn nữa, Mỹ cũng không ngần ngại bày tỏ sự không hài lòng khi châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua đường ống Nordstream 2, hay trông cậy vào các thiết bị viễn thông của Trung Quốc thông qua các hợp đồng với Huawei.
Mối quan hệ đa chiều của EU
Dù hiểu những mong muốn của Mỹ nhưng sự “tiếp thu” của EU là tương đối và có mối quan hệ ngày càng rõ nét hơn với Trung Quốc.
EU tỏ ra hài lòng với chính sách của Tổng thống Biden, người củng cố mối quanh hệ của Mỹ đối với các đồng minh, ủng hộ các giải pháp đa phương, ví dụ như liên quan đến vấn đề Iran và về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, EU không mấy vui vẻ khi Tổng thống Biden giữ quan điểm của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc và yêu cầu EU liên kết với Mỹ để hình thành một mặt trận chung đối phó với Bắc Kinh.
Trong Báo cáo triển vọng chiến lược 2019 về Trung Quốc, EU phân mối quan hệ với Trung Quốc thành 3 loại: là đối tác (ví dụ về biến đổi khí hậu), đối thủ cạnh tranh (ví dụ về thương mại) và đối thủ mang tính hệ thống (về giá trị và quản trị).
EU vẫn đang thực hiện chính sách này, hài lòng với cách tiếp cận “đa chiều” và miễn cưỡng sát cánh với Mỹ chống lại Trung Quốc trong toàn bộ các vấn đề. EU mong muốn được hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại và đầu tư của Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này vẫn duy trì được tăng trưởng tốt trong đại dịch.
Tháng 12 năm ngoái, EU đã đạt được đồng thuận chính trị với Trung Quốc về Thỏa thuận Toàn diện mới về Đầu tư (CAI), nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu.
Với thỏa thuận trên, các công ty Trung Quốc cũng được hưởng nhiều quyền tiếp cận miễn phí vào thị trường châu Âu. Hai bên đã gấp rút ký kết thỏa thuận trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump.
Trên nhiều phương diện, EU có thể có khả năng thương lượng tốt hơn nếu họ cùng hành động với Mỹ, hoặc có thể tạo lập một thỏa thuận đa phương.
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân can thiệp và đưa ra những nhượng bộ cuối cùng cần thiết để đảm bảo thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và EU được ký kết, điều khiến mối quan hệ giữa EU và Mỹ trở nên căng thẳng.
Về phía Mỹ, nước này đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các nguồn cung quan trọng.
Trên thực tế, EU cũng muốn làm như vậy nhưng không thực hiện một cách cực đoan. Chẳng hạn, Đức vẫn quyết định cho phép Huawei cung cấp thiết bị cho các mạng viễn thông mới của mình. Pháp hài lòng với tuyến cáp mang tên Hòa bình - siêu xa lộ thông tin kết nối Trung Quốc với châu Âu và châu Phi và một nhà máy Huawei sẽ được triển khai ở nước này.
Ngày 22/3, EU đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bốn cá nhân Trung Quốc và một thực thể liên quan đến vấn đề Tân Cương, trong một động thái phối hợp với Mỹ và các đối tác khác.
Trung Quốc đáp trả nhanh chóng và không cân xứng trong cùng ngày, với một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà ngoại giao EU, các thành viên nghị viện châu Âu, các nhà nghiên cứu và thành viên gia đình của họ.
Trớ trêu thay, điều này sẽ khiến nghị viện châu Âu khó phê chuẩn CAI hơn.
Nhận thức của công chúng về Trung Quốc trong EU cũng xấu đi rõ rệt khi Covid-19 xuất hiện, được gia tăng thêm với các biện pháp cưỡng chế kinh tế và trừng phạt đáp trả. Có vẻ như chính Trung Quốc đang đẩy châu Âu vào vòng tay của Mỹ.
EU chọn “ngoại giao đu dây”?
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu kết luận rằng Trung Quốc đã buộc EU phải đưa ra lựa chọn rõ ràng đứng về phía nào.
Ngày 16/4, các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức có một cuộc gặp đặc biệt với Chủ tịchTập Cận Bình trao đổi quan điểm về biến đổi khí hậu, vấn đề nằm trong mảng quan hệ "đối tác" của EU đối với Trung Quốc. Cuộc gặp diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trực tuyến do Mỹ tổ chức vào ngày 22-23/4.
Ngày 19/4, EU công bố báo cáo chiến lược mới của EU đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó đề cập đến nhu cầu duy trì luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, cũng như hợp tác với các đối tác cùng chí hướng, đồng thời bày tỏ mong muốn thực hiện các bước để thúc đẩy CAI được phê chuẩn.
Tài liệu chỉ rõ rằng cách tiếp cận của EU đối với Ấn Độ - Thái Bình Dương là “bao gồm tất cả các đối tác”, tức là không nhằm vào Trung Quốc.
Có thể thấy, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là không thể thiếu đối với EU và Mỹ tiếp tục đảm bảo an ninh của châu Âu thông qua NATO. Hơn nữa, EU có nhiều điểm hội tụ hơn với Mỹ dưới thời chính quyền Biden.
Tuy nhiên, EU cũng muốn hưởng lợi từ các cơ hội thương mại và đầu tư mà Trung Quốc mang lại.
Do đó, trong những năm tới, EU sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc, cân bằng giữa an ninh, giá trị và lợi ích kinh tế nếu Trung Quốc không làm khó thông qua các chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Những nỗ lực quyết đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm thu hút sự hợp tác hoặc có được quan điểm trung lập từ các nhà lãnh đạo châu Âu khiến cho tam giác quan hệ Washington-Bắc Kinh-Brussels càng trở nên phức tạp trong thời gian tới.