Vân Đồn sở hữu nhiều tiềm năng được kỳ vọng sẽ trở thành Khu kinh tế đẳng cấp. (Ảnh: Đỗ Phương) |
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Nội dung Quyết định cũng nêu rõ các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý được quy định tại Điều 63, Điều 64 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế (trừ điểm q khoản 2 Điều 63 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP). Nhiệm vụ, quyền hạn khác được cơ quan có thẩm quyền phân cấp, ủy quyền hoặc giao Ban Quản lý thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bộ máy Quản lý mới
Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, tài khoản riêng và con dấu hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về cơ cấu tổ chức và biên chế, Ban Quản lý gồm Trưởng ban và không quá 2 Phó Trưởng ban. Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý gồm: Văn phòng, Phòng Nghiệp vụ và Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư.
Biên chế công chức của Ban Quản lý do UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định trong tổng biên chế hành chính được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm không làm tăng tổng số biên chế công chức của tỉnh và thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định. Số lượng người làm việc do Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ đầu tư quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Quản lý bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan. Ban hành Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn với Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, UBND huyện Vân Đồn và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với Khu kinh tế Vân Đồn từ Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh về Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn theo quy định của pháp luật.
Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm kể từ ngày 21/4. Sau 3 năm triển khai mô hình thí điểm, UBND tỉnh Quảng Ninh tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông cũng được Vân Đồn thúc đẩy mạnh mẽ. Hình ảnh tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. (Nguồn: BQN) |
Tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu
Như vậy, Ban Quản lý KKT Vân Đồn đã được cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ để tham mưu, định hướng và điều hành KKT trong tương lai.
Từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong định hướng phát triển được Trung ương xác định, Ban Quản lý sẽ chủ trì tham mưu UBND tỉnh lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKT Vân Đồn đến năm 2030 trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, đồng thời là trung tâm kinh tế và văn hoá của khu vực. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành đề xuất UBND tỉnh phương án triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, GPMB theo Luật Đất đai và thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và kinh doanh...
Về kinh tế, mục tiêu đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất của KKT Vân Đồn đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu. Về xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình trong các giai đoạn đến năm 2020, 2021-2025, 2026-2030 tương ứng là 6%, 11% và 8%.
Mục tiêu đến năm 2050 là xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, phấn đấu là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ, thành phố hiện đại, thông minh, một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách.
Hiện tại, đã có nhiều nguồn lực từ các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào Vân Đồn. Điển hình như Tập đoàn Sun Group đã huy động nguồn lực đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cải tạo, nâng cấp QL18A đoạn Hạ Long - Mông Dương. Không chỉ thế, KKT Vân Đồn đang đón nhận nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến nghiên cứu, triển khai đầu tư với số vốn đăng ký lên đến 56.000 tỷ đồng (tương đương 2,4 tỷ USD).
Riêng đối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sau hơn một năm đi vào vận hành, khai thác, đến nay đã đón trên 2.000 chuyến bay đến và đi, trong đó có 122 chuyến bay quốc tế. Tổng lượng khách qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến nay là trên 252.200 lượt khách.
KKT Vân Đồn đang hiện thực hóa các mục tiêu bằng cách đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, nhất là của các tập đoàn, nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, nước, viễn thông cũng được Vân Đồn thúc đẩy mạnh mẽ.
Khi thực hiện tốt các mục tiêu này, Vân Đồn sẽ thực sự thay đổi diện mạo và trở thành động lực quan trọng trong cực tăng trưởng Quảng Ninh ở khu vực phía Bắc.