Đối với thiên hạ và cả đối với nước ta, Canh Tý quả thực là một năm đen tối: nào là đại dịch Covid-19 kèm với thiên tai dữ dằn, nào là chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, nào là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn…
Giữa bầu trời u ám ấy, nước ta nổi lên như một điểm sáng được dư luận rộng rãi trên thế giới đồng thanh ca ngợi.
Ta hãy lẩy ra một số đánh giá của dư luận thế giới về Việt Nam – 2020 để cảm nhận rõ thêm.
Về thành quả phòng chống đại dịch, Courthouse New Service (Mỹ) tháng 7/2020 đánh giá Việt Nam là “vô địch thế giới không có đối thủ cạnh tranh” trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”, còn tờ Deutshe Welle (Đức) đã chỉ ra nguyên nhân đưa tới thành công là “Chính phủ đã coi cuộc đấu tranh chống dịch bệnh như chiến dịch quân sự và huy động toàn dân” còn mạng The Conversation (Mỹ) ca ngợi “tinh thần cao quý của con người. Mỗi cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện tại Việt Nam đều nhắc nhở chúng tôi về giá trị tinh thần cao quý của con người. Những tấm gương sáng đáng khâm phục về tình đoàn kết có thể giúp tất cả chúng ta vượt qua cuộc khủng hoảng này”.
Bà Maria Van Kerklove, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi Việt Nam là tấm gương điển hình đối với các nước khác vì đã “hành động mau lẹ và toàn diện…Đây là điều chúng ta cần được thấy ở tất cả các nước”.
Một bài viết trên báo Nikkei Asia (Nhật Bản) về công cuộc phòng chống Covid-19 của Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình) |
Về thành công trong nhiệm vụ duy trì phát triển kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đều xếp Việt Nam vào số ít nước duy trì được tốc độ tăng trưởng dương cao nhất thế giới. Đưa tin về cuộc họp báo của Tổng cục thống kê công bố kết quả phát triển kinh tế năm 2020, đài phát thanh RFA của Pháp cũng nhấn mạnh điều này.
Còn tạp chí lữ hành nổi tiếng Travel Daily ca ngợi “Việt Nam là hình mẫu anh hùng đích thực của năm 2020…Những thử thách mà Việt Nam đối mặt và vượt qua cho thấy sức mạnh kiên cường của nhân dân và tài trí sáng tạo của ban lãnh đạo đất nước, thu phục sự kính trọng, ngưỡng mộ chân thành của cộng đống thế giới và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Về triển vọng năm 2021, tờ Nikkei Asia của Nhật Bản dự báo “Việt Nam sẽ dẫn đầu 6 nền kinh tế lớn nhất ASEAN về tăng trưởng”; còn mạng S&P Global (Mỹ) cho rằng, mức tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn “bất kỳ quốc gia nào khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Về quan hệ quốc tế nói chung, tờ Times of India (Ấn Độ) ghi nhận rằng, trong năm 2020 uy tín Việt Nam đã tăng lên cả trong khu vực và trên trường quốc tế… Không có gì nghi ngờ rằng, để duy trì cân bằng chiến lược dựa trên trật tự thế giới và pháp quyền, điều kiện tiên quyết là Việt Nam giữ vững vị thế trung tâm…Việt Nam biết cách tiếp xúc với các cực khác nhau của chính trị quốc tế, bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của mình”.
Tạp chí Forbes (Mỹ) trong số ra ngày 29/12 đã đánh giá: "Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại bùng nổ, Hà Nội đã khôn ngoan tự định vị mình như một hàng rào lý tưởng trước cuộc đối đầu Mỹ - Trung” và “Việt Nam là bậc thầy về nghệ thuật đàm phán”.
Nhân tố cốt lõi góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam là kiên trì “đi theo đường lối hòa bình, thân thiện hợp tác...; nhất quán chủ trương sử dụng phương thức hòa bình để giải quyết xung đột… Chính sách và lập trường như vậy của Việt Nam được ASEAN hoàn toàn ủng hộ và coi như tấm gương điển hình. Quan điểm của Việt Nam về tình hình trên biển Đông thực sự trở thành thái độ của cả Hiệp hội các nước Đông Nam Á” như Giáo sư D.Modyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và châu Đại dương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận xét.
Liên quan tới các hoạt động đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm 2020, tờ Times of India nói trên nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ mang tính xây dựng trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Còn Tổng thư ký ASEAN Lim Dzok Hoi đánh giá rằng, "ASEAN đã đoàn kết và ngay từ tháng Hai đã nhanh chóng phản ứng trước đại dịch. Sự phán ứng như vậy chủ yếu nhờ ở vai trò lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt qua việc khuyến khích đối thoại và sự hợp tác giữa các nước thành viên”.
Đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) ở Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam “rất đặc biệt trong thời điểm có nhiều bất định và thách thức”... Theo bà, “chủ đề gắn kết và thích ứng rất phù hợp và phản ánh đúng tình hình”, “Liên hợp quốc rất phấn khởi thấy chủ nghĩa đa phương lại được nhấn mạnh vào thời điểm này”.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Một điều khác được dư luận thế giới nhấn mạnh là chủ trương tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế thông qua việc “ngày càng mở rộng mạng lưới hiệp định thương mại về khu vực mậu dịch tự do, kể cả với EU và Anh quốc” như tờ Financial Times (Anh) đánh giá.
Mặc dù Ấn Độ chưa ký thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) song hãng tin Inter Press Service (Italy) cũng cho rằng, việc hoàn tất Hiệp định này dưới sự chủ trì của Việt Nam trong năm nay sẽ củng cố vai trò quan trọng của Việt Nam ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
"Sự ra đời của RCEP sẽ là sự kiện quan trọng nhất của hệ thống thương mại toàn cầu kể từ khi thành lập WTO năm 1994. Khi Việt Nam trở lại đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN vào năm 2030, có lẽ lúc đó nền kinh tế nước này đang trên lộ trình trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới”.
Dư luận rộng rãi đều cho rằng, với những thành tựu nổi bật trong năm 2020 đầy thử thách, Việt Nam đang trở thành cực nam châm thu hút đầu tư nước ngoài mà theo tạp chí Forbes (Mỹ) trong bài viết đăng ngày 29/12 cho rằng, Việt Nam đã làm tốt hơn rất nhiều khi trải “thảm đỏ” chào đón các công ty đa quốc gia đàm phán các thỏa thuận để tạo ra việc làm mới, tăng lương và vươn lên dẫn đầu thông qua cách tiếp thị “sức mạnh mềm” của mình”.
Chuyên gia Yuta Tsukada thuộc Viện nghiên cứu Nhật Bản đánh giá “nhiều công ty thế giới đang đổ xô tới Việt Nam…”.
Theo nhận định của trang mạng seekingalpha.com, “Việt Nam ở vị thế độc nhất vô nhị tận dụng diễn biến này (xử lý thành công dịch bệnh) để chào đón nhiều công ty chuyển dịch tới vì quy mô của kinh tế Việt Nam cùng Singapore, Malaysia và Philippines đứng hàng thứ ba ở khu vực sau Indonesia và Thái Lan đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khu vực khác và cơ cấu đa dạng hơn; mức lương ở Việt Nam vẫn thấp hơn hầu hết các nước lân cận; chi cho hạ tầng cao nhất khu vực; tầng lớp trung lưu có thể chiếm tới 26% dân số vào năm 2025/2026 so với 13% hiện nay và tạo động lực lớn cho tiêu dùng và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình 6%/năm hiện nay”.
Những trích dẫn trên chỉ phản ánh một phần rất nhỏ trong số lượng lớn những sự đánh giá, bình luận của các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, các nhà kinh doanh và các phương tiện truyền thông thế giới về đất nước ta trong năm 2020 đầy thử thách.
Cho dù rất khiêm nhường và nhận thức sâu sắc về những thách thức còn đang rình rập ở phía trước, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những gì nhân dân ta đã làm được trong năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Niềm tự hào ấy chắc chắn tạo thêm cảm hứng cho chúng ta vững tin đi tới tương lai trên con đường hiện thức hóa khát vọng đưa đất nước lên hàng các nước phát triển khi kỷ niệm 100 năm nước Việt Nam độc lập ra đời như văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu.