Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: AP) |
Chỉ trong vòng một thập kỷ, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thay đổi lớn, từ chiến lược cố gắng ôn hòa trong khu vực địa chính trị phức tạp, đến tâm thế sẵn sàng căng thẳng với bất kỳ quốc gia nào.
Can dự nhiều nơi…
Syria, Libya, Armenia, Hy Lạp, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) và Pháp là những quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đối đầu hay có quan hệ ngoại giao căng thẳng.
Tháng 10/2019, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cuộc chiến dịch quân sự mang tên “Mùa Xuân hòa bình” vào miền Bắc Syria với các cuộc không kích và tấn công trên bộ nhằm đuổi lực lượng người Kurd nổi dậy ra khỏi biên giới phía nam. Đầu tháng Mười, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu phê duyệt tiếp tục hoạt động này thêm một năm.
Người Kurd sinh sống trên khu vực núi cao trải dài từ bắc Thổ Nhĩ Kỳ qua Syria và Iraq và luôn có tham vọng lập nên một nhà nước riêng. Theo trang The Sun, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại lực lượng người Kurd chiếm thế thượng phong ở Syria sẽ liên kết với các phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đòi ly khai. Chính vì lẽ đó, Tổng thống Erdogan đã quyết định tấn công vào Syria để tránh những nguy hiểm có thể xảy ra và bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ khoảng tháng 5/2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái can thiệp vào tình hình ở Libya. Xung đột ở Libya được coi là cuộc chiến ủy nhiệm của nhiều nước, trong đó nổi lên là đối đầu giữa Ai Cập - hậu thuẫn lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và Thổ Nhĩ Kỳ - hậu thuẫn Chính phủ Đoàn Kết dân tộc Libya (GNA) nhằm giành quyền thăm dò và khai thác dầu khí ở Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ hết sức cho GNA, từ những cố vấn quân sự, cung cấp vũ khí, tên lửa chống tăng, máy bay không người lái… cho đến chuyển giao công nghệ quốc phòng, giúp GNA phá vỡ cuộc bao vây kéo dài ở thủ đô Tripoli của LNA...
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tích cực viện trợ cho Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thừa nhận được sự giúp đỡ chưa từng có: “Nhờ có vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ và sự hỗ trợ trực tiếp từ Ankara, Azerbaijan không chỉ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công của Armenia và các lực lượng Cộng hòa Nagorno-Karabakh mà còn có thể trấn áp hoàn toàn kẻ thù.”
Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan có quan hệ thân thiết với nhau nhờ mối liên kết lịch sử và văn hóa. Thổ Nhĩ Kỳ là nước đầu tiên công nhận độc lập của Azerbaijan sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Hai nước cũng tích cực thúc đẩy mạnh mẽ các hợp tác kinh tế: Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp đường ống dẫn dầu để Azerbaijan xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ trong khi Azerbaijan từ lâu đã trở thành nhà đầu tư lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Trái lại, Thổ Nhĩ Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Armenia. Ankara thậm chí đóng cửa biên giới với Yerevan năm 1993 để thể hiện sự đoàn kết với Azerbaijan về vấn đề tranh chấp ở Nagorno-Karabakh. Năm 2009, việc ông Erdogan nhượng bộ trong nỗ lực hòa giải với Armenia đã khiến Azerbaijan giận dữ. Sau đó vị tổng thống đã phải tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thiết lập quan hệ chính thức với Armenia nếu nước này rút khỏi khu vực Nagorno-Karabakh.
Tình hình đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và kẻ thủ lịch sử Hy Lạp cũng đã leo thang vào hồi tháng 8/2020 và trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Xung đột Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp được đánh giá là đã trở nên căng thẳng nhất trong hai thập kỷ, đặc biệt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu Oruc Reis, với sáu tàu tháp tùng, thăm dò dầu khí từ ngày 10/8 tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải được Hy Lạp tuyên bố chủ quyền. Quan hệ song phương giữa hai quốc gia này vẫn luôn không mấy tốt đẹp trong nhiều thế kỷ từ vấn đề tôn giáo, câu chuyện người nhập cư, chủ quyền quốc gia trên biển,…
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ đối với Saudi Arabia cũng đã trở nên rạn nứt kể từ “Mùa xuân Arab” khi hai bên ủng hộ các phe đối lập trong cuộc cách mạng tại Ai Cập. Mâu thuẫn đạt đỉnh điểm sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó sử dụng vụ việc để tố cáo Saudi Arabia trước công luận.
Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đe dọa cắt quan hệ với UAE do nước này công nhận Israel. Động thái này cũng được cho là khá kỳ lạ bởi, mặc dù liên tục hướng chỉ trích tới Israel, bản thân Ankara đã thiết lập quan hệ ngoại giao với quốc gia Do Thái này nhiều thập kỷ trước đây.
Quan hệ ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO ở phương Tây cũng được đánh giá là đang tụt dốc. Mặc cho Tổng thống Erdogan và Tổng thống Donald Trump có mối quan hệ cá nhân khá tốt đẹp, nhưng Mỹ nhiều lần cảnh báo trừng phạt nhằm đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ mua và thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất.
Phía Pháp cũng có những chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ trên một số mặt trận khiến quan hệ hai nước khá căng thẳng mà đỉnh điểm là đối đầu quân sự ở Địa Trung Hải vào tháng 6/2020. Gần đây, đáp trả tuyên bố sẽ chống lại Hồi giáo cực đoan của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Erdogan nói rằng Tổng thống Pháp cần “kiểm tra tâm thần”. Điều này đã khiến Pháp rút đại sứ của mình tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Qua rồi thời ôn hòa
Chỉ một thập kỷ trước, khi ông Ahmet Davutoglu còn là Ngoại trưởng và sau đó là Thủ tướng, Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi khẩu hiệu “Không có vấn đề với láng giềng”, một chính sách nhằm đạt được ảnh hưởng thông qua những cam kết ngoại giao, với cả những kẻ thù truyền thống như Hy Lạp và Armenia.
Chính sách khi đó đã mang lại những kết quả tức thì. Các bất đồng đã được gạt sang một bên và đem lại hàng loạt lợi ích. Châu Âu sẵn sàng mở lòng với Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù chỉ là rất khiêm tốn. Nga trở thành đối tác thương mại quan trọng. Các láng giềng Arab hân hoan chào đón cựu thủ lĩnh đế quốc Ottoman trở lại. Xuất khẩu sang Trung Đông bùng nổ.
Trong một thời gian, Tổng thống Erdogan thực sự trở thành nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất trong khu vực và lấy được lòng cả với phương Tây. Ông Erdogan lúc đó có mối quan hệ khá thân thiết với Tổng thống Mỹ Barack Obama, còn ông Davutoglu luôn nhận được những “lời khen có cánh” từ truyền thông Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ lúc ấy tưởng chừng có vẻ trong ấm ngoài êm.
Có thể nói, môi trường địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xáo trộn nhanh chóng và những biến động bên trong lẫn bên ngoài đã làm tiêu tan những nỗ lực nói trên, đưa Ankara trở lại với nguyên tắc cổ xưa, giống như câu ngạn ngữ “Người Thổ chỉ có bạn là người Thổ”.
Lý do quan trọng nhất phải kể đến “Mùa xuân Arab” khi Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư một lượng vốn lớn để hỗ trợ các đảng Hồi giáo dân chủ xung quanh Trung Đông nhưng lại không đạt được nhiều hiệu quả.
Mục tiêu lật độ chính quyền của ông Bashar al-Assad cũng không thành và cuộc nội chiến Syria đã dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nơi tiếp nhận nhiều người tị nạn nhất thế giới. Vì vậy, ông Erdogan đã ít nhiều từ bỏ ý định thay đổi chế độ chính trị ở Syria, thay vào đó tập trung vào an ninh biên giới và kiềm chế lực lượng người Kurd có nguy cơ đe dọa đến nền chính trị quốc gia.
Ngoài ra, năm 2015, đảng AKP cầm quyền đã mất thế đa số ở quốc hội vào tay Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd. Kết quả đáng thất vọng cũng buộc đảng cầm quyền phải liên minh với một đảng dân tộc cực hữu. Liên minh đó cũng được coi là chịu một phần trách nhiệm khiến ông Erdogan hướng tới chính sách đối ngoại đặt nặng quân sự và xung đột với các nước phương Tây.
Sau đó, năm 2016, một cuộc đảo chính quân sự bất thành đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ mà chính quyền ông Erdogan cho rằng Fethullah Gulen, một giáo sĩ đang lưu vong ở Mỹ là người “giật dây”. Ankara khi đó đã lên tiếng chỉ trích thái độ của một loạt các nước phương Tây, trong đó có cả Mỹ và các nước châu Âu.
Gönül Tol, giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông, hoài nghi rằng chính sách gây căng thẳng của Tổng thống Erdogan sẽ không kéo dài mãi mãi, do quốc gia này cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kép từ Covid-19 và suy thoái kinh tế. Đó là còn chưa kể đến, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phải hứng những đòn trừng phạt từ Mỹ, EU.
Các chuyên gia cũng cho rằng, động thái thay đổi chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là điều ngẫu nhiên. Ankara từ lâu được cho là một cường quốc khu vực, cho nên việc duy trì ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình trước các thách thức bên ngoài cũng là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, tham vọng xây dựng lại Đế chế Ottoman đến nay có thể nói là bất khả thi. Đó cũng là lý do vì sao, người Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại nhất trong lịch sử - người sáng lập đất nước Mustafa Kemal Ataturk đã không theo đuổi một lý tưởng như vậy.
Theo trang Foreign Policy, lý do chính mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn can thiệp vào cuộc xung đột ở Libya, cũng như gây căng thẳng tại nhiều “chiến trường” là cam kết của ông Erdogan đối với chính sách của đảng cầm quyền ở nước này, thường được gọi là "tân Ottoman" - thiết lập ảnh hưởng chính trị - quân sự ở các quốc gia chưa từng thuộc về Đế chế Ottoman. |