📞

Thoả thuận hạt nhân Iran: Ai cần ai?

Minh Vương 11:00 | 23/02/2022
Trong bối cảnh các bên đã đến rất gần với việc nối lại thoả thuận hạt nhân Iran, liệu Mỹ, Iran và các bên liên quan đã sẵn sàng để đi đến kết quả cuối cùng?
Khách sạn Grand Hotel Wien tại Vienna (Áo), địa điểm diễn ra các cuộc đàm phán về thoả thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: Financial Tribune)

Ngày 16/2, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, thời gian khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran, hay Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) "chỉ còn tính bằng ngày”. Vài tiếng sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng nhận định: “Chúng ta đang ở giai đoạn cuối cùng của đàm phán”.

Cùng lúc đó, một nguồn tin Iran giấu tên khẳng định các bên sẽ góp ý và điều chỉnh bản dự thảo dài 20 trang của JCPOA, bao gồm 3 phụ lục về cấm vận, cam kết hạt nhân và triển khai, trong 10 ngày tới.

Tuy nhiên, xét cho cùng, lợi ích mới là yếu tố then chốt, chi phối thoả thuận này. Liệu Tehran và Washington có đủ lợi ích, quyết tâm đi tới đích cuối cùng?

Lợi cả đôi đường

Về phía Iran, câu trả lời là “có”.

Tại lễ nhậm chức ngày 5/8/2021, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi khẳng định: “Cấm vận với Iran cần phải bãi bỏ. Chúng tôi sẽ ủng hộ bất cứ kế hoạch ngoại giao nào nhằm đạt được mục tiêu này”. Tuyên bố của ông Raisi hoàn toàn có cơ sở nếu xét đến những gì thoả thuận hạt nhân này có thể mang lại cho phía Iran.

Trước hết, đó là kinh tế. Các cấm vận dầu mỏ và tài chính được bãi bỏ sẽ “cởi trói” cho Tehran. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), dù nền kinh tế Iran không đứng bên bờ vực sụp đổ và dự kiến tăng trưởng 2% năm nay, song các khoản nợ lớn, lạm phát và thách thức mang tính cấu trúc chỉ được giải quyết khi không còn cấm vận.

Tuy nhiên, xét cho cùng, lợi ích mới là yếu tố then chốt, chi phối thoả thuận này. Liệu Tehran và Washington có đủ quyết tâm đi tới đích cuối cùng?

Cụ thể, sau khi JCPOA được ký, kinh tế Iran tăng trưởng mạnh, từ -1,3% (năm 2015) lên 13,5% (năm 2016) và 3,7% (năm 2017). Song hành động đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến kinh tế Iran tăng trưởng âm những năm sau đó, lần lượt là -6% (năm 2018), -6,7% (năm 2019) và -3,3% (năm 2020).

Tương tự, giá dầu tăng mạnh, gần đạt mốc 100 USD/thùng sẽ khiến triển vọng khôi phục nền kinh tế của Iran sáng sủa hơn bao giờ hết. Sau khi JCPOA được ký kết, xuất khẩu dầu mỏ của Iran năm 2015 tăng từ 1,3 lên 2 triệu thùng/ngày năm 2015. Tuy nhiên, năm 2018, con số này chỉ còn chưa tới 500.000 thùng/ngày trong 2019 và 2020 và chỉ tăng nhẹ lên 551.000 thùng/ngày trong năm vừa qua.

Cuối cùng, Iran cần các khoản đầu tư nước ngoài, song chúng chỉ xuất hiện tại Tehran một khi thoả thuận có hiệu lực và cấm vận đầu tư tài chính được dỡ bỏ.

Lợi ích chính trị từ thoả thuận hạt nhân mới cũng không hề nhỏ với Tehran. Cá nhân ông Raisi không phản đối thoả thuận này và từng khẳng định Iran “chắc chắn sẽ tuân thủ JCPOA”, nhấn mạnh Tehran cần một chính phủ mạnh để chấm dứt đàm phán và triển khai cam kết này trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Iran dưới thời Tổng thống Ebrahim Raisi sẽ gặt hái được nhiều lợi ích một khi thoả thuận hạt nhân Iran được ký kết. (Nguồn: Reuters)

Bốn rào cản lớn

Trong khi đó, chính quyền Mỹ hiện tại nhiều lần khẳng định trở lại JCPOA là ưu tiên, đồng thời cố gắng tìm kiếm một thoả thuận tốt hơn. Tổng thống Joe Biden tin rằng có thể dùng JCPOA kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran tốt hơn. Song nỗ lực của Mỹ sẽ phụ thuộc vào bốn yếu tố sau.

Đầu tiên, đó là Liên minh châu Âu (EU). Châu Âu có vai trò đặc biệt quan trọng với Mỹ, dù là về quan hệ với Nga, Trung Quốc hay Iran. Do đó, ngay khi nhậm chức, ông Joe Biden đã cố gắng cải thiện quan hệ với đồng minh tại đây.

Nỗ lực này đã đem lại kết quả, ít nhất là trong vấn đề hạt nhân Iran: Dù kết quả đàm phán ra sao, Mỹ, Anh, Pháp và Đức vẫn có lập trường tương đồng về JCPOA.

Thứ hai, đó là Nga và Trung Quốc. Quan điểm của Moscow và Bắc Kinh tương đối phức tạp do quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với Washington.

Về cơ bản, cả Nga và Trung Quốc đều hưởng lợi nếu Mỹ dỡ cấm vận với Iran. Song nếu thoả thuận sụp đổ, không loại trừ khả năng Moscow và Bắc Kinh sẽ tận dụng quan hệ với Tehran để thách thức lợi ích của Washington tại khu vực.

Xét cho cùng, khi tiến trình đàm phán đi vào giai đoạn cuối, câu hỏi “ai cần ai” chẳng còn quan trọng bằng thực tế trước mắt: Mỹ và Iran đều cần đến nhau để đạt thoả thuận cuối cùng, vì hoà bình, lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, cả hai đều không ủng hộ Iran ở hữu vũ khí hạt nhân và trong bối cảnh hiện nay, Nga và Trung Quốc có thể “ngại” đối đầu với Mỹ về vấn đề này để tránh trừng phạt không đáng có. Điều này ít nhiều giải thích tại sao Tehran không quá lạc quan về lập trường của Moscow và Bắc Kinh nếu đàm phán sụp đổ.

Thứ ba, đó là thái độ của Quốc hội Mỹ. Thiếu vắng sự ủng hộ tại lưỡng viện có thể khiến nỗ lực của ông Biden “đổ sông đổ biển”.

Mới đây, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ bang New Jersey Bob Menendez đã chỉ trích gay gắt chính sách của ông Biden về Iran. Đồng thời, nhiều chỉ dấu cho thấy đảng Cộng hoà sẽ phản đối thoả thuận này. Trong khi đó, khảo sát cho thấy nhiều khả năng đảng này sẽ chiếm ít nhất một Viện sau bầu cử Quốc hội tháng 11 tới.

Trong bối cảnh đó, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stephen Rademaker cho rằng chính quyền ông Joe Biden chỉ có thể mong rằng số nghị sĩ phản đối thoả thuận này không chiếm đủ 2/3 mà thôi.

Cuối cùng và quan trọng hơn cả, đó là Iran.

Trả lời phỏng vấn Financial Times, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian ẩn ý rằng đã đến lúc Quốc hội Mỹ đưa ra “tuyên bố chính trị”, thể hiện cam kết với JCPOA trước khi đàm phán kết thúc. Gỡ bỏ cấm vận quỹ tài sản lớn của Iran có thể là một món quà như thế.

Xét cho cùng, khi tiến trình đàm phán đi vào giai đoạn cuối, câu hỏi “ai cần ai” chẳng còn quan trọng bằng thực tế trước mắt: Mỹ và Iran đều cần đến nhau để có được thoả thuận cuối cùng, vì hoà bình, lợi ích của hai nước, khu vực và thế giới.

(theo Al-Monitor)