Người dân Lebanon trở về thành phố Tyre vào ngày 28/11, một ngày sau khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah có hiệu lực. (Nguồn: AP) |
Thực tế cho thấy sau thời gian dài xung đột đẫm máu, các bên liên quan đều cảm thấy mệt mỏi. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế có những thay đổi với việc ông Donald Trump, người chủ trương sớm giải quyết các “điểm nóng” kể trên, sắp quay lại Nhà Trắng.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thời gian gần đây, quan điểm hòa đàm xuất hiện ngày càng nhiều. Hôm 1/12, Tổng thống Israel Isaac Herzog cho biết: “Có những cuộc đàm phán diễn ra trong hậu trường, và thỏa thuận có thể đạt được” với Hamas. Trước đó, phái đoàn cấp cao của Hamas đã đến thủ đô Cairo, Ai Cập, để thảo luận về các đề xuất ngừng bắn ở Dải Gaza.
Với Ukraine, từ lập trường cứng rắn, Tổng thống Volodymyr Zelensky bắt đầu có điều chỉnh khi lần đầu tiên đề cập khả năng nước này có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Còn theo Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Gennady Gatilov, Nga sẵn sàng đối thoại để chấm dứt xung đột Ukraine nếu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khởi xướng các cuộc đàm phán.
Nhưng quá khứ cho thấy vượt qua sự thù hận vốn tích tụ trong các cuộc xung đột kéo dài không phải là điều dễ dàng. Dù cam kết thực hiện thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn cảnh báo điều đó không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc. Ông Netanyahu thậm chí còn đe dọa sẽ “thực thi lệnh ngừng bắn này bằng nắm đấm sắt”.
Lập trường khác biệt giữa Nga và Ukraine cũng không dễ hóa giải. Để ký thỏa thuận ngừng bắn, Ukraine cho rằng nước này phải được đặt dưới “chiếc ô an ninh” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, điều kiện mà Nga đưa ra cho bất cứ thỏa thuận hòa bình nào là Ukraine không được gia nhập NATO.
Tâm lý hòa giải đang nhen lên. Nhưng từ ý tưởng đến hiện thực là con đường dài.