Quan hệ EU-Trung Quốc hiện nay đang khiến EU ngày càng thêm hoài nghi và lo lắng Trung Quốc tìm cách phân hoá nội bộ EU và mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị cũng như kiểm soát kinh tế ở châu Âu. (Minh họa của Paresh Nath/Politicalcartoons) |
Nếu muốn có phác hoạ tổng quát nhất về thực trạng hiện tại của mối quan hệ EU-Trung Quốc thì chỉ cần nhìn vào sự tương phản giữa dự kiến kịch bản cho cuộc gặp cấp cao trực tiếp giữa EU-Trung Quốc tại Leipzig (Đức) từng bị phía Đức, trong tư cách là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của EU, quyết định hoãn lại vô thời hạn với diễn biến và kết quả của cuộc trao đổi trực tuyến vừa rồi giữa hai bên.
Từ tối đa về tối thiểu
Cuộc cấp cao EU-Trung Quốc ở Leipzig được phía Đức chủ trương và thiết kế để làm đỉnh cao và hoạt động trung tâm của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU, dự kiến kéo dài 3 ngày, nhưng rồi bị hoãn vô thời hạn và cuộc trao đổi trực tuyến thay thế kéo dài không đầy một ngày. Như thế chẳng phải mối quan hệ song phương EU-Trung Quốc từ kỳ vọng được thúc đẩy tối đa giờ chỉ còn thoi thóp được ở mức độ tối thiểu.
Nếu sự kiện dự kiến tổ chức ở Leipzig được tiến hành thì đấy sẽ là lần đầu tiên có cuộc hội ngộ giữa lãnh đạo của tất cả 27 thành viên Liên minh châu Âu với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc trao đổi trực tuyến thay thế bị thu hẹp diện tham gia xuống còn giữa ông Tập Cận Bình với Chủ tịch Uỷ ban EC, chủ tịch Hội đồng EU và Thủ tướng Đức. Như thế chẳng phải từ cách tiếp cận "lượng tạo nên chất" đã chuyển thành "vì không có chất nên phải giảm lượng".
Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để thấy hai điều. Thứ nhất, mối quan hệ giữa EU-Trung Quốc hiện ở trong tình trạng thể thảm như chưa từng thấy từ trước đến nay. Thứ hai, cả hai bên đều ý thức được rằng bất đồng quan điểm cơ bản và xung khắc lợi ích chiến lược hiện tại giữa hai bên không thể được khắc phục trong một sớm một chiều và lại càng không thể được hoá giải chỉ nhờ vào có một cuộc trao đổi trực tuyến. Chính vì thế, sự kiện trực tuyến kia không thành công không gây bất ngờ gì, nếu như không muốn nói là đương nhiên. Hai điều ấy cũng lý giải vì sao Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã không thành công với sứ mệnh ngoại giao trước đấy ở một số nước thành viên EU.
Nhìn vào sâu hơn và ra xa hơn trong mối quan hệ song phương này có thể nhận thấy tình trạng hiện tại là kết quả của việc EU điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc và của việc Trung Quốc, tuy không điều chỉnh chính sách đối với EU, nhưng lại có những quyết sách mới và hành động mới về đối nội cũng như đối ngoại khiến EU không thể không điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc.
Mỹ xưa nay luôn là một nhân tố tác động trực tiếp rất mạnh mẽ tới mối quan hệ giữa EU-Trung Quốc nhưng Mỹ và EU chưa bao giờ “cùng hội cùng thuyền” trên mọi phương diện và trong mọi vấn đề liên quan tới quan hệ với Trung Quốc nên không thành lập được với nhau liên minh chống hay đối phó Trung Quốc mà chỉ cùng liên thủ với nhau trong chuyện này hay liên kết với nhau trong vấn đề kia.
Thực tế này có lợi cho Trung Quốc và được Trung Quốc luôn luôn khai thác và tận lợi triệt để. Lĩnh vực duy nhất mà Mỹ và EU luôn có được sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong xử lý quan hệ với Trung Quốc là ý thức hệ, dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền.
Sự thức tỉnh của châu Âu
Ngay từ năm ngoái, trong chiến lược đối với Trung Quốc, EU đã công khai coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, tức là hợp tác bị chi phối và quyết định bởi đối phó. Giống như đối với Mỹ, Trung Quốc vẫn là đối tác rất quan trọng của EU và EU không thể để quan hệ bị đổ vỡ. Nhưng cũng giống như Mỹ, EU hiện đã ý thức được rằng mối thách thức trên mọi phương diện từ Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng và mạnh mẽ đến mức không chỉ còn đơn thuần là thách thức nữa mà là mối nguy hiểm đối với tương lai của EU, buộc EU phải hành động đối phó trước khi quá muộn.
Trung Quốc đã không xua tan được mối lo ngại này của EU mà còn khiến EU ngày càng thêm hoài nghi và lo lắng về Trung Quốc khi vừa thúc đẩy hợp tác với EU vừa tìm cách phân hoá nội bộ EU và mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị cũng như kiểm soát kinh tế ở châu Âu. Cách thức Trung Quốc xử lý vấn đề người theo đạo Hồi ở khu vực Tân Cương và vấn đề an ninh chính trị, ổn định xã hội ở Hong Kong đã đẩy EU vào tình thế không thể không làm găng với Trung Quốc bởi EU không thể không vừa bảo vệ ý thức hệ và hệ giá trị của EU vừa phải tránh bị thế giới coi là đạo đức giả với cái gọi là "Tiêu chuẩn kép". EU bây giờ không còn ảo tưởng dùng quan hệ hợp tác để làm thay đổi Trung Quốc trên những phương diện EU muốn Trung Quốc thay đổi.
Quan hệ giữa EU-Trung Quốc rồi đây không hẳn gay cấn như quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chắc chắn không thể sớm lại được hữu hảo như đã từng có được trong quá khứ.