TIN LIÊN QUAN | |
Ưu tiên thoát nghèo sớm cho vùng tái định cư | |
Thủ tướng thăm Khu tái định cư thủy điện Sơn La |
Sơn La là một tỉnh vùng cao, biên giới phía Tây Bắc tổ quốc, diện tích tự nhiên 1.412.349 ha, có 250km đường biên giới giáp Lào với 12 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 11 huyện và 01 thành phố), 204 đơn vị hành chính cấp xã; 3.308 bản, tiểu khu, tổ dân phố. Tỉnh có dân số là trên 1,1 triệu người gồm 12 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Trong những năm qua được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ và các Bộ, ban, ngành cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Sơn La đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đáng chú ý, kinh tế tăng trưởng khá, chính trị ổn định, các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân dần được cải thiện, nâng cao trong đó tập trung đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, những xã đặc biệt khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP giai đoạn 2011 - 2015 đạt 9,57%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.257 USD (tương đương 26,4 triệu), gấp 2 lần năm 2010.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Sơn La còn tồn tại những hạn chế, khó khăn. Tăng trưởng kinh tế đạt khá so với mức bình quân chung của cả nước nhưng chưa bền vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm và thiếu vững chắc. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ bé, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn. Chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn có mặt hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ở mức cao so với trung bình của cả nước (22,44% năm 2015) .
Đạt nhiều kết quả trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, sau 05 năm triển khai thực hiện tỉnh Sơn La đã đạt nhiều kết quả. Nổi bật, tổng số vốn huy động, lồng ghép để thực hiện chương trình giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 37.110 tỷ đồng. Kết cầu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân nông thôn được quan tâm xây dựng, nâng cấp. Từ đó, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập của dân cư nông thôn tăng nhanh hơn, sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã phát triển theo hướng tích cực, có sự chuyển dịch trong cơ cấu. Đến nay 03/188 xã đạt 19 tiêu chí bằng 1,6%; 03 xã đạt từ 15-18 tiêu chí bằng 1,6%; 22 xã đạt từ 10-14 tiêu chí bằng 11,7%; 99 xã đạt từ 5-9 tiêu chí bằng 52,7%; 61 xã đạt dưới 5 tiêu chí đạt 32,4%.
Hiện Sơn La có 47 đội viên của Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã. |
Hiện nay, Sơn La đang thực hiện một số chương trình Dự án, Đề án thu hút trí thức trẻ về địa phương công tác góp phần phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Thứ nhất, Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã theo Quyết định số 08/2011/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường cán bộ cho các xã thuộc các huyện nghèo để thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong cả nước. Tỉnh Sơn La có 5 huyện trong phạm vi dự án gồm: huyện Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, Phù Yên thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án với tổng số 49 đội viên (Phù Yên 14, Phù Yên 17, Mường La 09, Quỳnh Nhai 06, Sốp Cộp 03).
Hiện Sơn La có 47 đội viên của Dự án sau khi 02 đội viên chuyển thành cán bộ xã. 39/47 đội viên được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam, 08 đội viên còn lại đã được tham gia lớp bồi dưỡng về Đảng đang trong thời gian chờ được kết nạp. Hàng năm, các đội viên Dự án đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có đội viên không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ hai, Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020. Tỉnh Sơn La được phân bổ 12 chỉ tiêu theo 05 chức danh công chức xã (Văn phòng thống kê, Địa chính - nông nghiệp xây dựng và môi trường, Tài chính - kế toán, Tư pháp - hộ tịch và Văn hóa - xã hội), tuyển chọn, bố trí công tác tại 10/12 xã thuộc 05 huyện, trong đó: Mường La có 01 chỉ tiêu, Bắc Yên 02 chỉ tiêu, Quỳnh Nhai 01 chỉ tiêu, Phù Yên 03 chỉ tiêu, Sốp Cộp 03 chỉ tiêu.
Thứ ba, Đề án thu hút tri thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tham gia Tổ công tác tại 05 huyện nghèo theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kĩ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Sơn La hiện có tổng số 244 tri thức trẻ, cụ thể: huyện Mường La có 54, huyện Bắc Yên có 56, Sốp Cộp có 23; huyện Phù Yên 76 và huyện Quỳnh Nhai 35 tri thức trẻ. Mỗi Tổ công tác có từ 03-05 người có trình độ chuyên môn thuộc các lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, kinh tế - tài chính, luật, văn hóa xã hội, công nghệ thông tin,…
Thứ tư, Đề án bố trí tạo nguồn đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc Mông theo Quyết định số 718/QĐ-TTg ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh Sơn La 08 xã thuộc các huyện: Sông Mã 09 người; Sốp Cộp 07 người; Thuận Châu 03 người thuộc phạm vị đề án, được bố trí giúp việc cho cán bộ, công chức và cấp ủy đảng, chính quyền theo các lĩnh vực phân công phụ trách.
Nhìn chung, các đội viên dự án, tri thức trẻ tham gia các chương trình, Dự án nêu trên đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên môi trường, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở,…
Đẩy mạnh thu hút nhân tài về địa phương
Để tiếp tục thu hút trí thức trẻ về địa phương để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Sơn La xin đề xuất một số giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tư tưởng, làm cho cả hệ thống chính trị ở cơ sở nhận thức được ý nghĩa thiết thực và tầm quan trọng của việc thu hút trí thức trẻ về công tác tại địa phương là để đóng góp, cống hiến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để trí thức trẻ mạnh dạn phát huy khả năng tư duy, sáng tạo trong việc triển khai các nhiệm vụ và thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tri thức trẻ có điều kiện làm việc tốt, phát huy khả năng, kịp thời thực hiện các chế độ chính sách và thường xuyên làm việc, trao đổi với các trí thức trẻ trong thời gian đầu khi mới nhận nhiệm vụ; giúp các đội viên nhanh chóng nắm bắt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hiểu sâu các chương trình công tác theo lĩnh vực mình phụ trách,… kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ, khuyến khích học tiếng dân tộc thiểu số, quan tâm bổ sung phương tiện làm việc, tạo điều kiện để các giải pháp, sáng kiến của các đội viên Dự án được triển khai thực hiện. Đồng thời, thường xuyên tiến hành việc kiểm tra giám sát để đánh giá hiệu quả hoạt động của các đội viên Dự án, để nắm bắt kịp thời những tâm tư nguyện vọng của các đội viên, trí thức trẻ nhằm tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện việc điều chỉnh chế độ, chính sách cho phù hợp, kịp thời.
Thứ hai, thực hiện kịp thời, đầy đủ và theo quy định các chế độ, chính sách đối với các tri thức trẻ như: tiền lương, các khoản phụ cấp, thu hút, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,...
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm có chế độ, chính sách đặc thù riêng hỗ trợ các tri thức trẻ trong thời gian đầu nhận nhiệm vụ để động viên, khích lệ và tạo điều kiện để sớm ổn định cuộc sống và an tâm công tác, công hiến lâu dài tại địa phương; quan tâm, tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, chính trị - xã hội tại cơ sở; hỗ trợ, đầu tư các trang thiết bị làm việc như: máy tính, điện thoại, bàn làm việc…
Sơn La hiện có tổng số 244 tri thức trẻ công tác tại 05 huyện nghèo. |
Trường hợp cần thiết sẽ được đầu tư nguồn lực và trang thiết bị đặc biệt để triển khai các chương trình, đề án, dự án, các công trình khoa học đã được cấp có thẩm quyền đánh giá có tính khả thi cao và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đối với các ngành nghệ thuật, thể dục thể thao và các lĩnh vực quốc phòng, an ninh được đầu tư thích đáng theo yêu cầu chuyên môn, nghề nghiệp; được tạo điều kiện để tiếp cận, khai thác thông tin phục vụ hoạt động chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ tri thức trẻ nhằm tạo nguồn kế cận, bổ sung cho đội ngũ cán bộ cấp xã; xem xét, lựa chọn và bổ nhiệm hoặc đưa vào diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý trước thời hạn theo quy định đối với những trí thức trẻ có thành tích xuất sắc trong công tác, nghiên cứu.
Gắn công tác quy hoạch với việc đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ hàng năm của trí thức trẻ và phải đảm bảo công khai, dân chủ; công tác quy hoạch phải căn cứ vào tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ, công chức hiện tại và yêu cầu, nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ tư, các trí thức trẻ khi được thu hút về địa phương công tác phần lớn đều là những sinh viên mới tốt nghiệp, kinh nghiệm công tác còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu công việc vì vậy cần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; đào tạo, bồi dưỡng phải gắn liền với chức danh đảm nhiệm sau đào tạo. Thường xuyên tổ chức cho các tri thức trẻ tham gia các chương trình, đi nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương.
Thứ năm, có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, tạo điều kiện để các tri thức trẻ đăng ký thi tuyển, xét tuyển vào các vị trí, chức danh cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của địa phương và theo đúng các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định của pháp luật hoặc được bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn nghiệp vụ; năng lực, sở trường của từng trí thức trẻ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tại địa phương nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác, cống hiến cho địa phương hoặc được cộng điểm ưu tiên trong quá trình tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị, cụ thể:
Được tuyển dụng không qua thi tuyển hoặc bố trí vào các vị trí cán bộ, công chức, viên chức đối với các trường hợp có trình độ từ thạc sỹ trở lên, đảng viên, là người dân tộc thiểu số, có chuyên môn phù hợp với chức danh cần tuyển dụng và đã tham gia tình nguyện phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 36 tháng trở lên và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Được ưu tiên cộng điểm vào kết quả tuyển dụng đối với các trường hợp có trình độ trên đại học trở lên có chuyên môn phù hợp với chức danh cần tuyển dụng và đã tham gia tình nguyện phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên và đều hoàn thành nhiệm vụ (đề nghị được cộng 20 điểm vào tổng số điểm thi tuyển hoặc xét tuyển).
Thứ sáu, có chính sách nhằm kịp thời tôn vinh, khen thưởng, biểu dương kịp thời những trí thức trẻ có thành tích đặc biệt xuất sắc có những đóng góp thiết thực góp phần xóa đỏi giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho địa phương được đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa của xã hội, của các cấp, các ngành đối với hoạt động của trí thức trẻ qua đó nâng cao sự hiểu biết và hỗ trợ đối với việc triển khai nhiệm vụ của tri thức trẻ để cống hiến góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thứ bảy, cấp ủy, chính quyền có kế hoạch bồi dưỡng để phát triển Đảng nếu chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đa số trí thức trẻ đều chưa được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi về công tác tại địa phương vì vậy cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của các trí thức trẻ, cấp ủy, chính quyền cần quan tâm có kế hoạch phát triển Đảng cụ thể cho trí thức trẻ để họ có thể tham gia các cuộc họp của cấp ủy từ đó có những đề xuất, đóng góp vào việc hoạch định các chính sách quan trọng.
Việc thu hút trí thức trẻ về địa phương công tác góp phần phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới những năm trước đây đã mang lại hiệu quả tích cực cho địa phương, trí thức trẻ đã phát huy được năng lực chuyên môn, tính sáng tạo của mình, chịu khó học hỏi, không ngại khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, góp phần tăng tỷ lệ cán bộ, công chức trẻ ở địa phương, chuẩn hóa và tạo được nguồn cán bộ, công chức trẻ có trình độ chuyên môn, có năng lực để kế thừa cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trước tình hình và yêu cầu trong giai đoạn mới, đặc biệt là việc triển khai các Chương trình trọng điểm của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển nguồn nhân lực… thì việc thu hút trí thức trẻ về địa phương công tác góp phần phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới là cần thiết, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động và hoàn thiện hệ thống chính quyền cơ sở.
Sắp diễn ra ngày hội lớn của vùng Tây Bắc mở rộng Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch này sẽ có tham gia 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng gồm: Lào Cai, Hòa ... |
Thứ trưởng Lê Hoài Trung làm việc với Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La Chiều 29/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã làm việc với ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND ... |
Hợp tác triển khai Năm du lịch quốc gia 2017 Tây Bắc mở rộng Để Chương trình Năm Du lịch Quốc gia 2017 đạt được hiệu quả tốt nhất, cần tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp, thúc ... |
Đối ngoại Sơn La: Những thành quả đáng khích lệ Là một tỉnh miền núi có địa hình bị chia cắt mạnh, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, trình độ dân trí không đồng ... |