Nhỏ Bình thường Lớn

Thủ tướng Ấn Độ thăm Nga bàn chuyện gì?

Là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ nhiệm kỳ 3, chuyến công du tới Nga của ông Narendra Modi có nhiều mục đích quan trọng.
Thủ tướng Ấn Độ thăm Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp tại dinh thự ở Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moscow, ngày 8/7. (Nguồn: Reuters)

Trong hai ngày 8-9/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có chuyến thăm chính thức Nga theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Modi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ 3.

Tin liên quan
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào: Nhất quán coi trọng, đưa quan hệ đặc biệt đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Lào: Nhất quán coi trọng, đưa quan hệ đặc biệt đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả

Năm 2019, ông Modi thăm Nga để tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok. Năm 2021, ông Putin cũng đến New Delhi và hội đàm với nhà lãnh đạo Ấn Độ. Lần gần đây nhất Tổng thống Nga và Thủ tướng Ấn Độ gặp nhau là tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 9/2022 ở Uzbekistan.

Do đó, chuyến thăm lần này của ông Modi được cả hai bên mong đợi và được đánh giá là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.

Giải quyết những vấn đề sau nhiều thay đổi

Trong bữa tối tại dinh thự của Tổng thống Putin ở vùng ngoại ô Moscow vào tối 8/7, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc bối cảnh địa chính trị đã có sự thay đổi to lớn kể từ khi các ông gặp nhau tại New Delhi vào năm 2021.

Cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022 không chỉ làm trì hoãn các cuộc gặp song phương, mà còn tạo ra những thách thức cũng như những cơ hội chưa từng có.

Các ông Modi và Putin đều là những lãnh đạo kỳ cựu tại các cuộc hội nghị thượng đỉnh Nga-Ấn Độ thường niên, đỉnh cao của cấu trúc ngoại giao đa tầng. Tổng thống Putin đã tham dự gần như toàn bộ 21 cuộc gặp thượng đỉnh song phương kể từ năm 2000, khi ông ký thỏa thuận đối tác chiến lược với Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Atal Bihari Vajpayee.

Đối với ông Modi, đây là cuộc gặp thượng đỉnh song phương lần thứ 8 liên tiếp với nhà lãnh đạo Nga. Rõ ràng, các cuộc gặp thượng đỉnh là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề, đồng thời đưa ra những ý tưởng mới cho hợp tác song phương. Trong 3 năm gián đoạn vừa qua, một số vấn đề quan trọng đã bị dồn lại trên bàn đàm phán.

Đơn cử như cán cân thương mại Nga-Ấn hiện chưa được cân bằng. Tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2014, hai ông đã đưa ra tuyên bố chung nêu rõ tầm nhìn nhằm tăng cường mối quan hệ trong hơn một thập niên. Với kim ngạch thương mại dưới 10 tỷ USD khi đó, hai bên đặt mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025 sẽ phải đạt được 30 tỷ USD thương mại và 50 tỷ USD đầu tư song phương.

Mặc dù kim ngạch thương mại song phương đã tăng vọt lên 65 tỷ USD vào năm 2023, nhưng chủ yếu là do Ấn Độ tăng cường mua than, xăng dầu và phân bón của Nga với giá ưu đãi.

Do đó, hai nhà lãnh đạo sẽ cần phải bàn cách khắc phục việc cán cân thương mại chênh lệch. Cụ thể, hai bên sẽ phải tìm giải pháp giúp các công ty Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây và sử dụng đồng nội tệ để đầu tư vào Ấn Độ, nhằm cố gắng đạt được mục tiêu 50 tỷ USD đầu tư song phương từ mức 33 tỷ USD hiện nay.

Tăng cường quan hệ quốc phòng và năng lượng

Việc xuất nhập khẩu xăng dầu, than sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác năng lượng giữa Nga và Ấn Độ.

Hai nước này cũng đang hợp tác trong dự án Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam, nơi đã cung cấp 2.000 MW năng lượng, với lò phản ứng công suất 4.000 MW đang được xây dựng. Moscow là đối tác nước ngoài duy nhất trong việc cung cấp năng lượng hạt nhân và dự kiến sẽ giúp New Delhi xây dựng nhiều lò phản ứng hơn.

Quan hệ quốc phòng Nga-Ấn cũng khăng khít không kém khi quốc gia Nam Á vẫn tiếp tục là khách hàng hàng đầu của xứ sở bạch dương về các hệ thống vũ khí và đạn dược.

Mặc dù Ấn Độ cũng đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ đối tác quốc phòng sang các quốc gia như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc và Israel, cùng với chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ” đầy tham vọng, nhưng Nga vẫn có lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực công nghệ quốc phòng cốt lõi.

Do đó, Moscow sẽ vẫn là đối tác chính của New Delhi trong vài thập niên nữa nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm các hệ thống vũ khí như hệ thống phòng không S400, tàu khu trục thế hệ mới, sản xuất chung tên lửa Brahmos, chương trình tàu ngầm hạt nhân và nhu cầu phụ tùng thay thế cho số khí tài trước đây.

Đối với Ấn Độ, Nga sẽ vẫn là đối tác quan trọng về mặt chiến lược, quốc phòng và năng lượng. Các khoản đầu tư mang tính lịch sử của New Delhi trong mối quan hệ với Moscow không chỉ tạo ra một “yếu tố mang tính kế thừa”, mà còn cần thiết để đảm bảo duy trì tư thế sẵn sàng phòng thủ, đảm bảo nguồn cung năng lượng và công nghệ thay thế và thậm chí đóng vai trò như “hàng rào địa chính trị” trong thế giới đa cực hiện nay.

Mặc dù bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều tình hình phức tạp, nhưng lãnh đạo Nga và Ấn Độ vẫn khẳng định duy trì quan hệ hợp tác cùng có lợi. Thêm vào đó, mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Modi có xu hướng ngày càng tốt đẹp kể từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên cách đây một thập niên, cũng góp phần thúc đẩy sự gắn kết giữa hai nhà lãnh đạo khi cả hai đều vừa bước vào nhiệm kỳ mới.

Các cuộc gặp ở Moscow sẽ là cơ hội để hai bên tái khẳng định niềm tin vào mối quan hệ truyền thống trong bối cảnh mới.

Cân bằng quan hệ

Ông Lưu Tông Nghĩa, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định, có hai lý do khiến Thủ tướng Modi thực hiện chuyến thăm Nga.

Một là, cải thiện quan hệ với Nga bởi chính sách ngoại giao của Ấn Độ có chiều hướng nghiêng về phương Tây trong 2 năm qua.

Theo vị chuyên gia này, ông Modi nhận thức rõ rằng, những vấn đề lớn sẽ nảy sinh nếu tiếp tục giữ chính sách như vậy nên ông đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến thăm, chẳng hạn như việc ông chọn Nga là quốc gia đầu tiên đến thăm trong nhiệm kỳ mới chính là muốn làm nổi bật vị thế của Nga.

Hai là, mong muốn nhấn mạnh quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ. Chuyên gia Lưu Tông Nghĩa cho rằng, sở dĩ ông Modi không lo ngại phương Tây phản ứng với chuyến thăm này vì vị thế quan trọng của New Delhi trong bàn cờ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Modi dường như đang tìm kiếm sự cân bằng giữa phương Tây và Nga. Điều này thể hiện ở việc ông tham dự Hội thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ở Italy và giờ đây là chuyến thăm Nga.

Như vậy, G7 là sự kiện đa phương và Nga là quốc gia đầu tiên ông Modi chính thức viếng thăm sau khi lên nắm quyền Thủ tướng nhiệm kỳ mới. Sự sắp xếp này thể hiện quyền tự chủ chiến lược của New Delhi, vừa tiếp tục chiến lược hợp tác với phương Tây, đồng thời vẫn thắt chặt quan hệ với Moscow.

Đại sứ Lào: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Lào và đoàn kết ASEAN

Đại sứ Lào: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Tô Lâm thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Lào và đoàn kết ASEAN

Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh đề cao ý nghĩa chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào, cũng là điểm đến nước ngoài ...

Chuyên gia Nga: Tín hiệu từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin

Chuyên gia Nga: Tín hiệu từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin

Tiến sĩ Ivan Nikolaievich Timofeev, Tổng giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), đề cao ý nghĩa chuyến thăm cấp ...

Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đúng thời điểm, hợp lòng người

Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đúng thời điểm, hợp lòng người

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường về nước ...

Truyền thông Hàn Quốc đề cao kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Truyền thông Hàn Quốc đề cao kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết thúc nhưng những kết quả và dư âm tốt đẹp của ...

Thủ tướng Hungary cảnh báo NATO rời xa mục đích phòng thủ ban đầu, khả năng rơi vào nguy cơ tự diệt vong

Thủ tướng Hungary cảnh báo NATO rời xa mục đích phòng thủ ban đầu, khả năng rơi vào nguy cơ tự diệt vong

Trong bài xã luận của mình trên tờ Newsweek (Mỹ) ngày 5/7, vào thời điểm công du đến Nga, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho ...

(theo SCMP, Aljazeera)