Thủ tướng Anh Gordon Brown và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo |
Kinh tế là trọng tâm
Chuyến công du hai cường quốc châu Á của ông chủ số nhà 10 phố Downing, London diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Anh với Trung Quốc cũng như Ấn Độ đang ở vào giai đoạn tốt đẹp. Thương mại hai chiều giữa Anh và Trung Quốc liên tục gia tăng và hiện đạt tới 40 tỷ USD. Anh cũng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong số các nước EU đầu tư vào Trung Quốc. Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng G.Brown và Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thảo luận về quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”, nhất trí nâng cấp đối thoại kinh tế Trung - Anh lên cấp Phó Thủ tướng và đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2010. Hai bên đã ký một loạt văn kiện hợp tác và các hợp đồng kinh tế, thương mại với tổng trị giá gần 800 triệu USD. Phái đoàn của ông Brown cũng đã thăm Thượng Hải để xem xét các kế hoạch phát triển một “thành phố sinh thái”, vấn đề mà phía Anh cũng rất quan tâm.
Kinh tế, tài chính cũng là chủ đề nổi bật trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Anh với Thủ tướng Ấn Độ Mahmohan Singh. Ấn Độ vốn là nước giành lại độc lập từ Anh vào năm 1947 nên quan hệ giữa London và New Delhi mang đậm tính lịch sử… Hiện Anh là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là nhà đầu tư nước ngoài số 2 tại Anh với tổng số vốn đầu tư ước đạt 1,9 tỷ USD chỉ trong riêng năm 2007. Tiếng Anh được xem là ngôn ngữ chính thức ở Ấn Độ cũng như tại Anh có một cộng đồng người Ấn khá đông đảo. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Brown đã tuyên bố kế hoạch giúp Ấn Độ đào tạo 750.000 giáo viên tiếng Anh trong vòng 5 năm tới, dưới sự điều hành của Hội đồng Anh. Trong 3 năm tới, nước này cũng sẽ cung cấp cho Ấn Độ gói viện trợ phát triển trị giá 1,6 tỉ USD, trong đó hơn một nửa dành cho y tế và giáo dục.
Trên góc độ ngoại giao, Thủ tướng Brown cũng tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ giành một ghế Ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ được mở rộng. Ông cũng hối thúc Ấn Độ tham gia một liên minh quốc tế với tên gọi Lực lượng đặc nhiệm về hành động tài chính để ngăn chặn nạn rửa tiền và tài trợ cho khủng bố
Ông Brown có “chậm chân”?
Việc Thủ tướng Anh Brown chọn Trung Quốc và Ấn Độ là điểm đến trong chuyến công du lần này một phần bởi ông nhận thấy đây không chỉ là hai quốc gia lớn với dân số đông, sự phát triển của kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng của hai quốc gia này. Quan trọng hơn nữa, trên khía cạnh chính trị, ngoại giao, việc hợp tác với hai nước này là yếu tố rất quan trọng để giải quyết những vấn đề then chốt của thế giới trong những thập kỷ tới.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng dù gì ông Brown cũng đã “chậm chân” hơn so với nhà lãnh đạo láng giềng Pháp. Cũng lên nhậm chức vào thời điểm gần tương tự với ông Brown nhưng sau 7 tháng cầm quyền, ông Nicolas Sarkozy đã có mặt ở hầu hết khu vực trên thế giới, từ Mỹ tới Đông Á, Trung Đông hay Bắc Phi.
Nhìn vào chương trình nghị sự thì ông Brown, vốn là một vị cựu Bộ trưởng phụ trách ngân quỹ dưới thời ông Tony Blair, thường có cách tiếp cận quá thiên về khía cạnh tài chính - một điều không phải bao giờ cũng hợp lý, nhất là trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm như tình hình Hongkong chẳng hạn.
Một tham vọng nữa của ông Brown là thuyết phục Bắc Kinh và New Delhi trong việc đối phó với thảm họa biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc ký kết một thỏa thuận giảm các chất thải gây hiệu ứng nhà kính sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012. Tuy nhiên, vấn đề này xem ra không đơn giản bởi cả hai nước đang phát triển lớn nhất trên thế giới này dường như rất khó khăn trong việc kìm hãm tốc độ tăng trưởng nóng, vốn cần rất nhiều nguyên nhiên liệu cho các đại công trường sản xuất.
Cần một chính sách đối ngoại mới
Với sự hiện diện của Thủ tướng Brown ở Trung Quốc và Ấn Độ trong những ngày qua, có thể nói mục tiêu cơ bản của chuyến thăm đã đạt được. Tuy nhiên, trong bối cảnh uy tín của ông Brown ở trong nước tiếp tục có dấu hiệu suy giảm, nhất là qua một số vụ bê bối để mất dữ liệu của các nhân viên, quan hệ Anh - Nga xấu đi, các hoạt động ngoại giao trên thế giới lại diễn ra dồn dập ngay nhằm tập hợp lực lượng, đồng minh, tìm kiếm thỏa hiệp cho các vấn đề quốc tế, chuyến thăm này được coi là một nỗ lực muộn và chưa đủ để lấy lại uy tín và vị thế cường quốc của Anh.
Trong không gian toàn cầu với các vấn đề quốc tế phức tạp nảy sinh như hiện nay, với tư cách là một nước lớn, một ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an LHQ nhưng người ta lại nhận thấy Anh thường rất ít khi bày tỏ quan điểm một cách độc lập mà thường đồng nhất quan điểm với Mỹ. Đó có lẽ cũng là lý do khiến tiếng nói của Anh không có trọng lượng như đáng có. Phải chăng, nước Anh cần một chính sách đối ngoại mới, năng động và độc lập hơn!
Người ta đang hy vọng với chuyến thăm tới hai nước châu Á đông dân nhất thế giới trong những ngày đầu năm mới, ông Brown thực sự đang đi theo hướng đó và có khác biệt với người tiền nhiệm của mình.
Ngọc Hùng