📞

Thủ tướng Đức thăm Ấn Độ: Chuẩn bị cho kỷ nguyên mới

Hoàng Tùng Lan 16:58 | 24/10/2024
Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Ấn Độ từ ngày 24-26/10 đồng chủ trì Tham vấn liên chính phủ (IGC) - cơ chế quan trọng hàng đầu được tổ chức hai năm một lần - cùng Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại New Delhi ngày 25/2/2023. (Nguồn: Reuters)

Thiết lập nền tảng mới

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ngày 16/10 vừa qua, nội các Đức đã thông qua văn kiện chiến lược “Tập trung vào Ấn Độ” nhằm nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước lên cấp độ mới.

Quyết định này xuất phát từ nhận định của Đức về vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu và tiếng nói trọng lượng tại các diễn đàn đa phương quan trọng như G20, BRICS mở rộng hay Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).

Theo đó, văn kiện nêu rõ, Ấn Độ không chỉ là một đối tác quan trọng của Đức mà còn là nhân tố chủ chốt định hình trật tự thế giới. Văn kiện này được thông qua khi hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2025 và ngay trước thềm chuyến công du New Delhi của Thủ tướng Olaf Scholz.

Văn kiện chiến lược “Tập trung vào Ấn Độ” của Berlin đề ra các lĩnh vực ưu tiên hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trong lĩnh vực chính trị-an ninh, hai bên sẽ mở rộng đối thoại cấp cao giữa bộ ngoại giao và quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc phòng và mở rộng đối thoại chuyên gia về các vấn đề khu vực, an ninh mạng và chống khủng bố.

Về kinh tế-thương mại, Đức cam kết tháo gỡ các rào cản cản trở doanh nghiệp Đức tiếp cận thị trường Ấn Độ, đẩy mạnh hợp tác trong năng lượng tái tạo và hydro xanh.

Về khoa học-công nghệ, Đức sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Đức dự kiến tăng mạnh hạn mức cấp thị thực lao động cho công dân Ấn Độ từ 20.000 lên 90.000 người/năm. Đức cũng cam kết thúc đẩy hợp tác trong chống biến đổi khí hậu thông qua việc thúc đẩy đối thoại giữa EU và Ấn Độ về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

Hợp tác trên các giá trị chung

Kể từ khi kế nhiệm bà Angela Merkel tháng 12/2021, Thủ tướng Scholz liên tục thể hiện nỗ lực xây dựng mối quan hệ mới với cường quốc đang lên ở châu Á. Nhà lãnh đạo từng nhấn mạnh, “Ấn Độ và Đức có mối quan hệ rất tốt đẹp và tôi muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ này”. Năm ngoái, ông đã đến Ấn Độ hai lần với chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng Hai và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi vào tháng Chín.

Trước đó, vào tháng 5/2022, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã thăm chính thức Đức. Trong chuyến thăm, hai Thủ tướng đã hội đàm và cùng chủ trì Tham vấn liên chính phủ Ấn Độ - Đức lần thứ 6 và ký kết nhiều văn bản hợp tác.

Trong chuyến thăm lần này, theo Văn phòng Thủ tướng Đức, “hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, mở rộng cơ hội trao đổi nhân lực chất lượng cao, hợp tác kinh tế sâu sắc hơn, phát triển bền vững cũng như hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi và chiến lược”.

Tại New Delhi, Thủ tướng Scholz đồng chủ trì Tham vấn liên Chính phủ lần thứ 7 với người đồng cấp Modi, tập trung đánh giá tiến độ hợp tác kể từ khi hai nước ký kết Biên bản ghi nhớ cách đây hai năm trên các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt về quốc phòng.

Ngoài ra, ông Scholz còn tham dự và phát biểu tại Hội nghị kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương (APK 2024) với sự có mặt của khoảng 650 lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của hai nước. Sự góp mặt đông đảo của giới doanh nghiệp hai bên cho thấy quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh thương mại song phương đang phát triển mạnh mẽ, với kim ngạch đạt 26 tỷ USD trong năm 2023.

Đức hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong EU và là một trong những đối tác hàng đầu của Ấn Độ trên toàn thế giới. Hiện có khoảng 2.000 công ty Đức đang hoạt động tại Ấn Độ và đầu tư trực tiếp đạt 25 tỷ Euro trong năm 2022. Các công ty Đức nhìn thấy triển vọng kinh tế tươi sáng ở Ấn Độ với 82% kỳ vọng doanh thu sẽ tăng trong 5 năm tới, 59% có kế hoạch mở rộng đầu tư.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Scholz còn đi thăm bang Goa, nơi tàu khu trục Baden-Wuerttemberg và tàu hỗ trợ chiến đấu Frankfurt am Main của Đức sẽ cập cảng trong khuôn khổ kế hoạch triển khai lực lượng của Berlin tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để tham gia tập trận với Hải quân Ấn Độ.

Trong bối cảnh cả New Delhi và Berlin đều mong muốn xích lại và cần nhau hơn như thế, chuyến thăm của Thủ tướng Scholz được kỳ vọng không chỉ là một sự kiện ngoại giao hai năm một lần, mà quan trọng hơn là thể hiện cam kết và quyết tâm của lãnh đạo nền kinh tế đang lên ở châu Á với đầu tàu kinh tế của châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những thay đổi với nhiều điểm nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.