Ấn phẩm phụ của tờ nhật báo đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố từ chức, phát hành ở thủ đô Tokyo ngày 3/9. (Nguồn: AFP) |
Ngày 22/9, tờ Nikkei Asia đã đăng bài phân tích của tác giả Jeffrey W. Hornung về tác động của những thay đổi trên chính trường Nhật Bản với quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ.
Thành tựu đặc biệt của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong 8 năm cầm quyền là hình thành một bộ máy lãnh đạo với quyết sách có thể đoán định, phản ánh sự hiện diện vững chắc và cam kết của Tokyo tại khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh.
Tuy nhiên, ngày 29/9 tới, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền sẽ bầu nhà lãnh đạo mới thay thế ông Suga Yoshihide, người kế nhiệm ông Abe chỉ trong 12 tháng. Trong bối cảnh đó, có ý kiến lo rằng điều này là dấu hiệu về việc Nhật Bản sẽ quay trở lại thời kỳ thường xuyên thay đổi Thủ tướng trong thời hậu Chiến tranh Lạnh hay không.
Nếu kịch bản này trở thành sự thực thì sẽ tác động đáng kể tới liên minh Nhật-Mỹ, cũng như các chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản.
Đi tìm sự ổn định
Công bằng mà nói, ông Suga đã làm tốt hơn nhiều người tiền nhiệm vốn chỉ giữ vị trí Thủ tướng thời gian ngắn và hiếm khi có bất kỳ hành động nào đáng kể về đối ngoại khi cầm quyền.
Trước hết, hãy xem xét khả năng của một thủ tướng trong củng cố quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ. Ông Suga vẫn chưa công bố chính sách an ninh lớn hay sáng kiến liên minh nào, ngoại trừ mong muốn xây dựng quan hệ an ninh rõ ràng với Đài Loan (Trung Quốc).
Một phần lớn thành công của cựu Thủ tướng Abe Shinzo đến từ sự đồng thuận ngày càng tăng ở trong nước về nhu cầu đối phó với các thách thức an ninh mới. Đồng thời, duy trì quyền lực thời gian dài đã giúp ông Abe triển khai nhiều thay đổi quan trọng.
Chẳng hạn, chính quyền của ông Abe đã thông qua luật an ninh, hợp pháp hóa quyền tự vệ tập thể, củng cố hệ thống tên lửa phòng không, đồng thời sửa đổi bản hướng dẫn quốc phòng Nhật-Mỹ để bổ sung vai trò, nhiệm vụ mới.
Thành công như vậy cần có thời gian. Việc giữ chức Thủ tướng thời gian dài đã giúp ông Abe xây dựng vốn liếng chính trị, liên minh và sự đồng thuận trong bộ máy để tiến lên trong các lĩnh vực mới.
Ngược lại, các chính quyền tồn tại trong thời gian ngắn thường tập trung vào đối nội, trong khi dựa vào bộ máy hành chính để đưa ra các chính sách ít tranh cãi hơn. Do vậy, kết quả thường giống nhau khi không có những ý tưởng hoặc sáng kiến mới.
Ngoại lệ hiếm hoi là cựu Thủ tướng Ryutaro Hashimoto. Trong 2 năm (1996-1998), chính quyền của ông đã đạt thỏa thuận với Washington về căn cứ quân sự của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ ở Okinawa và sửa đổi hướng dẫn quốc phòng Nhật-Mỹ.
Trong 8 năm làm Thủ tướng, ông Abe Shinzo đã có 176 chuyến công du tới 80 nước. (Nguồn: Kyodo) |
Lung lay vị thế
Mặt khác, sự thay đổi liên tục ở vị trí lãnh đạo khiến Nhật Bản khó đóng vai “người chơi chiến lược”.
Thực tế cho thấy các nhà lãnh đạo cầm quyền trong thời gian dài có xu hướng xây dựng tầm nhìn toàn cầu. Nhiệm kỳ càng dài, niềm tin vào triển khai chính sách đối ngoại càng lớn. Không phải dĩ nhiên mà ông Koizumi Junichiro và Abe Shinzo đã trở thành bộ mặt toàn cầu của Nhật Bản.
Là người ủng hộ liên minh tự nguyện, cựu Thủ tướng Koizumi đã để Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) tham gia chiến dịch ở Iraq và Afghanistan. Ông Abe đã phát triển tầm nhìn chiến lược về vai trò của Tokyo trên thế giới với khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, khởi xướng Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ tứ), với sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ và Australia.
Trong khi đó, các Thủ tướng cùng thời nhưng tại nhiệm ngắn hơn không thể đạt thành tựu như vậy. Ông Kaifu Toshiki không thể điều động SDF tới Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh. Ý tưởng của ông Aso Taro về vòng cung tự do và thịnh vượng không đi đến đâu. Khái niệm “tình huynh đệ” của ông Hatoyama Yukio có số phận tương tự.
Họ không thiếu tầm nhìn, song chẳng thể thực hiện được do nhiệm kỳ bị rút ngắn khi mất sự ủng hộ ở trong nước.
Các nhà lãnh đạo có thời gian tại nhiệm ngắn thường dành tập trung duy trì nền tảng chính trị hơn là xây dựng liên minh cần thiết ở trong nước và quốc tế để thúc đẩy sáng kiến mới.
Thế giới hưởng lợi từ những đóng góp của Nhật Bản và vì vậy, việc Tokyo quay lại thời kỳ thường xuyên thay đổi lãnh đạo lợi ít, hại nhiều.
Đồng minh lo ngại
Sự thay đổi thường xuyên ở vị trí thủ tướng Nhật Bản có thể tác động tiêu cực đến ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền ông Donald Trump bắt nguồn từ khái niệm của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Washington vẫn kiên trì với chiến lược này. Thủ tướng Suga Yoshihide là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Nhà Trắng dưới thời ông Biden.
Tokyo cũng là địa điểm mở màn trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Đô đốc John Aquilino, Chỉ huy Lực lượng Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tất cả những sự kiện này đã ít nhiều nói lên vai trò trung tâm của Nhật Bản trong chiến lược của Mỹ.
Trên thực tế, các nhà lãnh đạo cầm quyền trong thời gian dài có xu hướng xây dựng tầm nhìn toàn cầu. Nhiệm kỳ càng dài, niềm tin trong triển khai chính sách đối ngoại càng lớn. |
Washington cũng hưởng lợi từ sự ổn định chính trị của Tokyo. Trong 8 năm, ông Abe Shinzo đã có 176 chuyến thăm tới 80 quốc gia, xây dựng mối quan hệ chiến lược để kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, từ pháp lý, ngoại giao tới tư tưởng.
Đồng thời, ông tích cực thúc đẩy, củng cố hợp tác an ninh với nhiều nước qua triển khai lực lượng, tập trận phối hợp lớn, đa dạng ở trong và ngoài khu vực.
Thông qua Nhật Bản, Mỹ có thể tiếp cận đối tác không có quan hệ chặt chẽ với Washington nhưng lại thân thiết với Tokyo. Một khi thiếu vắng ổn định chính trị lâu dài, nhiều sáng kiến nhằm xây dựng quan hệ với đối tác không còn là ưu tiên cao với lãnh đạo Nhật Bản, khiến Mỹ gặp khó hơn.
Hiện tại, chưa rõ liệu cuộc bỏ phiếu tới của LDP có khởi đầu cho giai đoạn có nhiều thủ tướng ngắn hạn của Nhật Bản, hay chỉ là sự lạc nhịp tạm thời.
Lịch sử đang thiên về khả năng đầu tiên. Trong trường hợp đó, tác động của thay đổi này tới chính sách an ninh, đối ngoại của Nhật Bản cũng như quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ sẽ thực sự đáng kể.
Nhật Bản là một cường quốc quan trọng, chừng nào các nhà lãnh đạo nước này có thể duy trì ổn định chính trị để thực hiện các cam kết của mình.
Một khi bước vào thời kỳ thường xuyên thay đổi Thủ tướng, vai trò này của Tokyo có thể sẽ không còn như trước.