📞

Thúc đẩy dệt may Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam

10:06 | 29/02/2016
Doanh nghiệp dệt may Ấn Độ có thể thông qua đầu tư, sản xuất ở Việt Nam đưa hàng dệt may đến Mỹ, Nhật Bản… với thuế bằng 0.

Ngày 25/2, tại Hội nghị thúc đẩy đầu tư đối với các công ty dệt may phía Bắc Ấn Độ tổ chức tại Ludhiana, bang Punjab (Ấn Độ), Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ tích cực đầu tư vảo sản xuất sợi, dệt may và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).

Khoảng 50 đại biểu của hơn 30 doanh nghiệp thành viên Hiệp hội các xí nghiệp dệt may Bắc Ấn Độ (NITMA) đã tham dự Hội nghị.

Đây là một trong loạt hoạt động xúc tiến mà Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Eximbank Ấn Độ nhằm thúc đẩy đầu tư của Ấn Độ vào lĩnh vực dệt may ở Việt Nam.

Trong phần trình bày tại Hội nghị, trên cơ sở kết quả chuyến thăm làm việc và tìm hiểu thực tế Việt Nam của Ngân hàng Eximbank, ông Mukal Sarkar, Giám đốc Trưởng của Ngân hàng đã nhấn mạnh những thuận lợi cho đầu tư tại Việt Nam, trước hết là hạ tầng cơ sở và giao thông thuận tiện, tiên tiến; lực lượng lao động trẻ và có tay nghề; chi phí lao động có tính cạnh tranh; nhà nước và địa phương có những chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn về giá thuê đất, thuế nhập nguyên liệu, thuế doanh nghiệp, thời gian ân hạn thuế; và chính sách đảm bảo cho các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận kinh doanh về nước.

Bên cạnh đó, Eximbank cũng đề cập những chi tiết như giá điện, thu nhập của công nhân, giá thành vận chuyển, hệ thống giao thông, cam kết cải cách của lãnh đạo chính quyền, Nhà nước Việt Nam và môi trường xã hội an ninh, thân thiện ở Việt Nam.

Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ những cơ hội của doanh nghiệp dệt may Ấn Độ khi Việt Nam tham gia TPP.

Phát biểu với Hội nghị, Đại sứ Tôn Sinh Thành nêu rõ cơ hội khi Việt Nam tham gia TPP, các doanh nghiệp dệt may Ấn Độ có thể thông qua đầu tư, sản xuất ở Việt Nam đưa hàng dệt may đến các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản với thuế bằng 0. Tương tự, một số hiệp định tự do thương mại Việt Nam đã ký và đang đàm phán sẽ mở ra cơ hội cho hàng dệt may vào những thị trường hàng đầu thế giới như Liên minh châu Âu, Canada.

Hiện Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao (9,8% hàng năm) và dự báo đạt 55 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu quần áo của Việt Nam chiếm 4% toàn cầu và con số này có tiềm năng tăng lên 11% vào 2024 do tham gia TPP.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần nhập khẩu 90% nguyên liệu sợi, 80% vải cao cấp cho may mặc xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ trong nước cho ngành dệt may mới đáp ứng 3%.

Bên cạnh đó, Việt Nam có môi trường đầu tư ngày càng được cải tiến, thân thiện, điều kiện xã hội ổn định, an ninh được đảm bảo và quan hệ chiến lược giữa hai nước đang tiếp tục phát triển với sự tin cậy và gần gũi trong hợp tác giữa hai Chính phủ và dân tộc.

Để thúc đẩy hợp tác dệt may song phương, Chính phủ Ấn Độ cũng đã khởi động gói tín dụng ưu đãi 300 triệu USD cho các dự án của Ấn Độ đầu tư vào dệt may Việt Nam trong 10 năm. Đây là những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may, các nhà đầu tư Ấn Độ - quốc gia có ngành dệt may phát triển trên thế giới đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam.

Bên trong một nhà máy dệt ở Ludhiana, bang Punjab - trung tâm của vùng Punjab rộng lớn với thế mạnh về trông bông và công nghiệp dệt may.

Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của Hiệp hội các xí nghiệp dệt may Bắc Ấn Độ (NITMA) với nội dung xúc tiến đầu tư vào các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) nhưng trọng tâm là kêu gọi đầu tư vào thị trường dệt may Việt Nam. Tham dự Hội nghị có khoảng 50 đại biểu của hơn 30 doanh nghiệp thành viên của NITMA, trong đó có những tên tuổi lớn như Vardhman Polytex, Vardhman Textiles, Welspun India, Trident, Nahar Group, DCM Textiles, Din Dayal Purushottam Lai, Rajasthan Spinning & Wvg, Garg Acrylics, DCM Textiles và Din Dayal Purushottam Lai.

(theo ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ)