Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam về xung đột Nga-Ukraine, Đại sứ Tôn Sinh Thành, Giảng viên cao cấp về đàm phán quốc tế tại Học viện Ngoại giao, đã chia sẻ nhận định về đàm phán hiện nay, quan hệ giữa Nga và phương Tây thời gian tới, cùng tác động của xung đột tới châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương.
Xung đột Nga-Ukraine để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng tới các bên liên quan nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. (Nguồn: Reuters) |
Thực địa quyết định đàm phán
Gần đây, đàm phán Nga-Ukraine đã có tiến triển nhất định, với giao tranh trên thực địa ít nhiều hạ nhiệt. Liệu xung đột Nga-Ukraine sẽ sớm kết thúc? Xin Đại sứ, nêu một vài kịch bản cho đàm phán hiện nay?
Tôi cho rằng đã có những dấu hiệu tích cực về một giải pháp chính tri cho cuộc xung đột Nga-Ukraine. Thực tế, ngay từ đầu hai bên đã để ngỏ khả năng giải quyết bằng một giải pháp chính trị. Chỉ 4 ngày sau khi xung đột nổ ra ngày 24/2, hai bên đã bắt đầu gặp nhau để đàm phán.
Tuy nhiên, trong các vòng đàm phán đầu tiên cuối tháng 2 đầu tháng 3, ngoại trừ thỏa thuận mở hành lang nhân đạo, hai bên đã không đạt kết quả gì, chủ yếu do Nga đưa ra các đòi hỏi rất cao như Ukraine phải: (i) công nhận Crimea thuộc Nga và công nhận Lugansk và Donetsk là lãnh thổ độc lập; (ii) Ukraine phi phát xít hóa và phi quân sự hóa; và (iii) không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ukraine cho rằng đây là “tối hậu thư” buộc họ “đầu hàng” nên không thể chấp nhận.
Hai bên giữ lập trường cứng rắn ban đầu là do tương quan về lực lượng trên thực địa: Nga cho rằng họ đang ở thế áp đảo nên không có bất cứ sự nhượng bộ nào. Trong khi đó, Ukraine nghĩ họ đang ở “thế mạnh” vì đã gây cho Nga những tổn thất nặng nề và bị “ghìm chân” khi chưa chiếm được thành phố nào của Ukraine.
Các vòng đàm phán gần đây xuất hiện dấu hiệu tích cực do tác động trực tiếp của cục diện trên thực địa đã thay đổi khi hai bên đã đi vào thế giằng co. Nga chưa thể chiếm ưu thế tuyệt đối trên thực địa trong thời gian ngắn, song nền kinh tế đang đối mặt khó khăn do các lệnh trừng phạt, cấm vận mạnh chưa từng có của phương Tây.
Mới đây, Nga tuyên bố đã đạt mục tiêu quân sự đề ra cho giai đoạn 1 và sẽ giảm mạnh các hoạt động quân sự tại khu vực Kiev và Chernihiv, chuyển trọng tâm vào giải phóng Donbass. Nhiều khả năng Nga không muốn kéo dài xung đột và tránh bị sa lầy tại Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine cũng đã chịu nhiều tổn thất và không muốn kéo dài xung đột. Cục diện này đã khiến hai bên đều thấy khó có thể dùng biện pháp quân sự để áp đặt điều kiện cho bên kia và buộc phải đi vào đàm phán nghiêm túc hơn.
Cục diện giằng co khiến hai bên đều thấy khó có thể dùng biện pháp quân sự để áp đặt điều kiện cho bên kia và buộc phải đi vào đàm phán nghiêm túc hơn. |
Tại vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra ngày 29-30/3 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Nga đã phải hạ thấp muc tiêu ban đầu.
Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói yêu cầu cao nhất của Nga là Ukraine phải trung lập, không có vũ khí hạt nhân và không gia nhập NATO.
Tuy nhiên, ông không còn nhắc tới yêu cầu phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine và bảo vệ tiếng Nga như ban đầu. Phía Nga cũng không phản đối Ukraine gia nhập EU.
Trong khi đó, phía Ukraine đã đưa ra kế hoạch hòa bình 15 điểm, trong đó Ukraine có nhượng bộ đáng kể như chấp nhận quy chế trung lập và không gia nhập NATO.
Cam kết này sẽ được ghi trong hiến pháp Ukraine, với điều kiện an ninh của Ukraine phải được bảo đảm bằng một hiệp định quốc tế, theo đó các nước bảo trợ như Mỹ, Anh, Canada và Pháp, Đức, Trung Quốc, Italy, Ba Lan, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được quyền hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong trường hợp bị tấn công quân sự.
Phía Ukraine cũng chấp nhận hạn chế quy mô quân sự của mình và cam kết không cho phép nước ngoài đưa quân hoặc đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tập trận với nước ngoài nếu không có sự đồng ý của các nước bảo trợ, kể cả Nga.
Ukraine đề xuất thời hạn 15 năm để đàm phán về quy chế của Bán đảo Crimea và một cuộc đàm phán riêng giữa ông Putin và ông Zelensky về vùng Donbass. Phía Ukraine thừa nhận không còn quyền kiểm soát nữa đối với vùng này, do vậy Ukraine sẵn sàng cùng Nga tìm kiếm công thức phù hợp.
Ukraine cũng đồng ý các đảm bảo an ninh quốc tế tạm thời sẽ không có hiệu lực đối với Donetsk, Lugansk và Crimea.
Như vậy, khoảng cách giữa lập trường đàm phán của hai bên đã được thu hẹp đáng kể và đã xuất hiện những điểm song trùng quan trọng, trong đó yêu cầu cao nhất của Nga về một nước Ukraine trung lập, không gia nhập NATO đã được Ukraine nhận.
Do vậy, triển vọng về một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã trở nên tương đối khả thi.
Tuy nhiên, triển vọng đàm phán sắp tới sẽ còn phụ thuộc vào cục diện trên thực địa. Nhiều khả năng Nga sẽ bỏ những nơi khác đúng như đã tuyên bố để tập trung kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass trước khi ký kết một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
Tại các cuộc đàm phán tới, hai bên có thể tập trung mặc cả các chi tiết trong đề nghị 15 điểm của Ukraine, đặc biệt là về biện pháp bảo trợ an ninh cho Ukraine khi nước này cam kết trung lập và không gia nhập NATO, về quy chế của Crimea và Donbass.
Nếu công thức của Ukraine về giải quyết 2 vùng này được Nga chấp nhận với những điều chỉnh nhỏ, khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình sẽ không còn xa nữa.
Phái đoàn Nga và Ukraine tại vòng đám phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29/3. (Nguồn: Anadolu) |
Con dao hai lưỡi
Mặc dù đàm phán Nga-Ukraine đã có tiến triển, song dường như căng thẳng giữa Nga và phương Tây không hề suy giảm, thậm chí các nỗ lực cấm vận kinh tế, cô lập, loại trừ Nga khỏi các thể chế, cơ chế hợp tác và tổ chức quốc tế còn gay gắt hơn. Đại sứ nhận định gì về thực trạng này? Theo Đại sứ, một khi xung đột Nga-Ukraine kết thúc, liệu quan hệ Nga-phương Tây có cải thiện?
Trước hết, chúng ta cần coi cuộc xung đột Nga-Ukraine là một phần trong cuộc đối đầu giữa phương Tây đứng đầu là Mỹ với Nga. Mỹ và phương Tây muốn ngăn chặn Nga vươn lên phục hồi vai trò siêu cường, thách thức trật tự của Mỹ và phương Tây.
Hành động quân sự của Nga tại Ukraine là lý do để Mỹ và phương Tây áp đặt hàng loạt trừng phạt bao gồm: (i) phong tỏa tài sản của một số ngân hàng, tổ chức và cá nhân Nga (giá trị đến nay khoảng 1.400 tỷ USD); (ii) tách một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT; (iii) cấm các tổ chức thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ tài chính Quốc gia và Bộ Tài chính Nga; (iv) cấm không vận, hạn chế vận tải biển và đường sắt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng; và (v) hạn chế nhập khẩu xăng dầu và khí đốt từ Nga. Đây là những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chưa từng có mà Mỹ và phương Tây từng áp đặt lên một nước khác.
Để đối phó với trừng phạt của phương Tây, Nga cũng tuyên bố một số biện pháp đáp trả nhưng nhìn chung là khá yếu ớt.
Việc Nga phong tỏa hay quốc hữu hóa tiền, tài sản của cá nhân và các công ty nước ngoài tại Nga không có nhiều tác dụng do đa số những tổ chức, cá nhân này đã chuyển tiền, thoái vốn ra khỏi Nga. Biện pháp cắt đường ống dẫn dầu, hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu tuy gây khó khăn cho Liên minh châu Âu (EU), nhưng cũng gây tổn hại lớn về kinh tế cho Nga.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã tác động tiêu cực nghiêm trọng đến Nga, khiến nước này đối mặt sự cô lập và nhiều khó khăn kinh tế.
Đặc biệt, lệnh cấm dầu khí, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Moscow đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xứ bạch dương. GDP Nga năm 2022 dự báo sẽ sụt giảm mạnh, xuống mức âm 7%.
Lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao cũng là một trong những biện pháp trừng phạt “đau đớn nhất” đối với nền kinh tế của nước này.
Nền kinh tế Nga đang đối mặt với nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt từ phương Tây. (Nguồn: AP) |
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng bị cắt giảm khỏi các hệ thống thanh toán toàn cầu khiến Nga khó mua các linh kiện và máy móc nhập khẩu phục vụ sản xuất quốc phòng.
Do vậy, các khí tài của quân đội Nga đã bị phía Ukraine phá hủy sẽ không dễ dàng được thay thế, ảnh hưởng tới triển khai hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine.
Tất cả những tác động này sẽ gây áp lực, khiến Nga phải tính toán lại khả năng kéo dài xung đột và các lựa chọn đàm phán.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga cũng có hai mặt, bởi nó không chỉ tác động tới Nga mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt làm cho giá dầu và khí đốt tăng vọt, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm và lạm phát toàn cầu tăng.
Nga và Ukraine là những nền kinh tế chịu tác động lớn nhất, nhưng EU, Mỹ và các nước khác cũng chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Các lệnh trừng phạt cũng làm tăng thời gian vận chuyển, chi phí logistics, lưu kho bãi. Xung đột và các biện pháp trừng phạt đã cắt đứt nguồn cung nguyên liệu thô và lương thực, thực phẩm lớn từ Nga và Ukraine, khiến mặt bằng giá của các mặt hàng này bị đẩy lên cao.
Nhà đầu tư và người dân mất niềm tin khiến thị trường chứng khoán tại hầu hết các nước suy giảm, giá trị nhiều đồng tiền bị hạ thấp.
Triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 vốn đã không dễ dàng, giờ càng trở nên khó khăn hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga.
Về lâu dài, vẫn có cơ hội cho sự cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, vì Mỹ muốn tách Nga khỏi Trung Quốc, đối thủ chính của nước này và Nga cũng không muốn tránh phụ thuộc vào Trung Quốc. |
Với những tác động như vậy, tôi cho rằng nếu Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt xung đột, nhiều khả năng các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng được dỡ bỏ nhằm giải tỏa tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế thế giới, trong đó có các nước phương Tây.
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ thường khó hơn là áp đặt một lệnh trừng phạt kinh tế, bởi Mỹ và phương Tây có thể dùng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để buộc Nga thỏa hiệp trong đàm phán và nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận đã đạt được.
Về phần mình, Nga nhiều khả năng sẽ đòi đưa vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt vào trong khuôn khổ một một thỏa thuận quốc tế về đảm bảo an ninh cho Ukraine và châu Âu.
Mỹ và phương Tây có thể từng bước dỡ bỏ cấm vận đối với Nga, nhưng việc cải thiện quan hệ giữa song phương sẽ khó có thể sớm diễn ra, bởi xung đột Nga - Ukraine đã đẩy sự đối đầu giữa Nga, Mỹ và phương Tây lên quá cao.
Về lâu dài, vẫn có cơ hội cho sự cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, vì Mỹ muốn tách Nga khỏi Trung Quốc, đối thủ chính của nước này và Nga cũng không muốn tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.
Thách thức thực sự
Xin Đại sứ nêu một số tác động chính của xung đột Nga-Ukraine tới cấu trúc an ninh châu Á-Thái Bình Dương?
Tôi nghĩ rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine chủ yếu có tác động tới châu Âu. Cuộc xung đột cho thấy cấu trúc an ninh tập thể của châu Âu dựa trên Hiệp ước Helsinki không còn đủ khả năng đề đảm hòa bình và an ninh cho khu vực này trước sự nổi lên của chủ nghĩa cường quyền và cạnh tranh nước lớn. Châu Âu vẫn phải dựa vào Mỹ và NATO để bảo đảm an ninh, chưa thể có một khối phòng thủ của riêng mình.
Trên bình diện toàn cầu, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi tương quan lực lượng, khiến Nga và châu Âu đều yếu đi, trong khi Mỹ lấy lại vị thế và vai trò lãnh đạo phương Tây.
Cạnh tranh nước lớn sẽ gay gắt hơn, tập hợp lực lượng sẽ quyết liệt hơn, nhưng kịch bản Nga cùng Trung Quốc hình thành một hệ thống quốc tế mới đối lập với phương Tây khó có thể xảy ra, chủ yếu do Trung Quốc vẫn đang bị phụ thuộc, nhất là về kinh tế, vào hệ thống quốc tế do phương Tây dẫn đầu hiện nay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ Phòng tình huống tại Nhà Trắng, Washington D.C ngày 18/3. (Nguồn: The White House) |
Tác động của xung đột với châu Á-Thái Bình Dương trước hết là thay đổi nhận thức về thách thức an ninh do sự nổi lên của chủ nghĩa cường quyền, nhất là khả năng nước lớn sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp với nước nhỏ hơn.
Về ngắn hạn, các nước khu vực lo ngại rằng tập trung đối đầu với Nga sẽ khiến Mỹ giảm quan tâm tới châu Á-Thái Bình Dương, qua đó hạn chế khả năng đối phó với các thách thức từ Trung Quốc. Thậm chí, Mỹ còn có thái độ hòa giải hơn với Trung Quốc để hạn chế nước này giúp Nga chống lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Điều này sẽ tạo ra khoảng trống, cho phép Trung Quốc có thể tự do hành động hơn trong một số vấn đề của khu vực.
Về dài hạn, sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine được giải quyết, Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là thách thức thực sự đối với ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu.
Trong đó, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu với lợi ích của Mỹ và là ưu tiên số một trong chính sách và chiến lược đối ngoại của nước này.
Về dài hạn, sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine được giải quyết, Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là thách thức thực sự với ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. |
Do vậy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tập hợp lực lượng với các nước trong khu vực bằng nhiều hình thức song phương và đa phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và các khuôn khổ Bộ tứ, AUKUS và ASEAN. Cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp tục là thách thức lớn đối với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về giải pháp, trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương còn thiếu vắng một cấu trúc an ninh bao trùm như châu Âu, xung đột Nga-Ukraine khiến các nước khu vực phải suy nghĩ về đối sách một khi có tình huống tương tự xảy ra tại châu Á-Thái Bình Dương.
Sức ép phải chọn phe ngày một lớn sẽ khiến các nước khu vực phải thận trọng hơn trong mọi điều chỉnh về chính sách đối ngoại trước tình hình mới.
Xin cảm ơn Đại sứ!
| Vụ việc ở Bucha, Ukraine: Phương Tây ồ ạt nhắm vào Nga bất chấp phản pháo, Moscow kéo Mỹ vào cuộc Mặc cho Moscow phản bác các cáo buộc liên quan vụ việc mà Ukraine gọi là "sát hại hàng loạt dân thường" ở thị trấn ... |
| Tổng thống Ukraine tỏ ý chưa hài lòng với động thái của phương Tây? Hòa đàm với Nga gần cán đích? Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, các gói trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga không phải là một trừng phạt đầy đủ ... |