Chương trình về giao thương Việt Nam-Ấn Độ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. |
Ngày 23/11, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt Cotton Ấn Độ (Texprocil), Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam (Vafie) tổ chức chương trình "Giao thương về thương mại và đầu tư trong lĩnh vực dệt may". Sự kiện có sự tham dự của hơn 60 doanh nghiệp dệt may từ Ấn Độ và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành dệt may trong hợp tác thương mại song phương giữa hai nước và sự cần thiết phải hình thành cơ chế hợp tác mới. Bên cạnh đó, việc khảo sát chuỗi cung ứng mới và giải quyết các vấn đề liên quan đến hậu cần và thâm nhập thị trường cũng là các yếu tố thúc đẩy thương mại dệt may giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma phát biểu khai mạc. |
Đại sứ Pranay Verma đã chỉ ra khoảng cách giữa khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào có chất lượng của ngành như sản phẩm cotton, sợi, vải trên quy mô toàn cầu của Ấn Độ cũng như nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam. Ông cũng kêu gọi doanh nghiệp hai bên đánh giá khả năng và nhu cầu thị trường hai nước để có thể khai thác những tiềm năng chưa được tận dụng trong lĩnh vực này.
Theo đại diện của Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt Cotton Ấn Độ, nước này là quốc gia có nguồn cung thay thế hấp dẫn đối với sản phẩm nguyên liệu đầu vào có chất lượng của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt như cổng giao thương B2B Market Place có thể giúp doanh nghiệp nước ngoài có thể trao đổi với các nhà cung cấp sợi, vải và sản phẩm dệt may gia dụng.
Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh Madan Mohan Sethi chia sẻ, ông và các đồng nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ tổ chức các chương trình giao thương, triển lãm và trao đổi đoàn trong lĩnh vực dệt may. |
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, những lĩnh vực mà doanh nghiệp Ấn Độ có thể thâm nhập thị trường Việt Nam bao gồm ngành sản xuất sợi với công nghệ tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực dệt, xuất khẩu các sản phẩm cotton, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo quản lý và tăng cường đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ sang thị trường Việt Nam.
Sau phiên khai mạc, 22 doanh nghiệp Ấn Độ đã giới thiệu về doanh nghiệp của mình với gần 40 doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước tiến hành trao đổi thông tin và các hoạt động giao thương.