Nhà máy sản xuất điện thoại Bphone. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Kịch bản nào cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm?
Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 phải sang tuần sau mới chính thức được công bố. Tuy vậy, các số liệu ước tính đã bắt đầu được hé lộ.
Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,8%. Nếu chỉ đạt được con số này thì có nghĩa, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm không đạt mục tiêu đề ra, thấp hơn tới 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%).
Từ đầu năm tới nay, đã có 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Đợt 1 vào cuối tháng 1/2021, ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế - xã hội, khiến tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 4,48%, cũng không đạt mục tiêu như trong kịch bản. Trong khi đó, đợt dịch Covid-19 thứ hai, bùng phát vào cuối tháng 4/2021 và đang diễn biến rất phức tạp, dự kiến còn ảnh hưởng nặng nề hơn tới nền kinh tế so với hồi quý I/2021.
Tin liên quan |
VEPR: Kinh tế Việt Nam năm 2021 có thể tăng trưởng trên 6% |
Dù các số liệu thống kê cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm là khá tích cực, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhắc đến những rủi ro, thách thức của nền kinh tế. Chẳng hạn, 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng tới 23% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng đang có xu hướng sụt giảm. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, 5 tháng chỉ đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%). Trong đó, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%.
Trong khi đó, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra là, liệu kinh tế Việt Nam sẽ đi theo kịch bản nào?
Đầu năm 2021, khi ban hành Nghị quyết số 01, kịch bản kinh tế đã được xây dựng với các chỉ số quan trọng. Đó là quý I tăng trưởng 5,12%; quý II là 7,11%; 6 tháng tăng trưởng 6,22%; quý III là 6,71%; 9 tháng 6,43%; quý IV là 6,67%; cả năm 6,5%.
Tuy nhiên, sau khi tăng trưởng quý I chỉ đạt 4,48%, kịch bản đã được cập nhật lại. Theo kịch bản này, quý II đạt mức tăng trưởng 7,19%; 6 tháng 5,92%; quý III tăng trưởng 6,78%; 9 tháng là 6,23%; quý IV là 7,16% và cả năm là 6,5%.
6,5% là mức tăng trưởng Chính phủ quyết tâm đạt được, còn theo Nghị quyết của Quốc hội, con số là 6%.
Nhưng giờ đây, nếu tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 5,8%, thì có nghĩa, kịch bản tăng trưởng một lần nữa sẽ phải thay đổi. Theo kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải báo cáo Chính phủ kịch bản cập nhật tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6. Khi đó, số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đã được công bố, kịch bản sẽ được cập nhật đầy đủ và chính xác hơn.
Dù vậy, nhìn vào diễn biến trong hiện tại của nền kinh tế, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã đề ra, thì trong quý III và quý IV, tốc độ tăng trưởng phải cao hơn kịch bản điều chỉnh hồi cuối quý I. Đó là thách thức không nhỏ, nhất là khi Covid-19 chưa được kiểm soát và có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế trong quý III/2021.
Tìm biện pháp thúc tăng trưởng
Quốc hội đang hối thúc Chính phủ sớm cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, cuối tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chuẩn bị Đề án Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Trong Nghị quyết số 58/NQ-CP, tức là Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2021, Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2021.
Hiện nay, Đề án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng và hoàn thiện. Dự kiến, các chính sách, giải pháp đề xuất sẽ được phân thành 2 nhóm chính. Một là, các chính sách, giải pháp có thể ban hành, thực hiện được ngay và có tác động tức thì trong các tháng cuối năm để thúc đẩy tăng trưởng năm 2021. Hai là, các chính sách, giải pháp mang tính căn cơ, dài hạn có thể nghiên cứu, chuẩn bị và triển khai ngay trong thời điểm hiện tại để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025.
Tin liên quan |
Bất chấp Covid-19, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,48% trong quý I/2021 |
Chi tiết Đề án chưa được tiết lộ, song có lẽ, nhiều khả năng, các chính sách trong dài hạn sẽ tập trung vào việc củng cố, phát triển động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn mới, như cơ cấu lại nền kinh tế, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh giải ngân và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công; đào tạo lao động…
Trong khi đó, trong ngắn hạn, để thúc tăng trưởng kinh tế, các giải pháp dễ thấy nhất chính là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa là rất quan trọng. Đây chính là “cỗ xe tam mã” thúc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và cũng là các biện pháp mà Việt Nam đã quyết liệt thực hiện kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái.
Liên quan các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong báo cáo kinh kế vĩ mô tháng 6/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đưa ra khuyến nghị rằng, thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ, vì cả hai ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19. Xuất khẩu cũng có thể bị tác động do thu hẹp sản xuất ở một số khu công nghiệp.
Ở một góc độ khác, trong cuộc làm việc mới đây với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đại diện WB cũng cho rằng, ngoài các giải pháp nói trên, việc ứng phó khẩn cấp nhất hiện nay là vắc-xin, làm sao để có nguồn vốn, giải ngân nhanh mua vắc-xin.
Trong khi đó, các đối tác phát triển khác cho rằng, hiện nay, Chính phủ Việt Nam mới có các hoạt động kích thích kinh tế thông qua đầu tư công. Do vậy, cần có điều chỉnh về dư địa tài khóa cũng như khả năng vay nợ để thúc đẩy phát triển kinh tế trong trung hạn.