TIN LIÊN QUAN | |
Cơ hội tốt phát huy vai trò ngoại giao hoà giải của Việt Nam | |
Tình hình Bán đảo Triều Tiên đang phát triển phù hợp với lộ trình do Nga và Trung Quốc đưa ra |
Nền chính trị thế giới ở thời điểm hiện tại đang chứng kiến một xu hướng mới, đó là sự nổi lên của những chính trị gia với tác phong và cách tiếp cận các vấn đề quốc tế rất mới, khiến báo chí và giới phân tích luôn phải bất ngờ trước những quyết định táo bạo, khó đoán trước của họ.
Trong số các chính trị gia như thế, phải kể đến Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un - hai gương mặt ghi dấu ấn đậm nét nhất trong các vấn đề quốc tế kể từ khi họ bắt đầu lên nắm quyền.
Khó khăn đi tìm tiếng nói chung
Đối với tình hình an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung, Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un đang nổi lên là hai chính trị gia có tiếng nói quyết định, bởi những động thái của hai nhân vật vốn rất khó đoán này rất có thể sẽ hoặc đưa Bán đảo Triều Tiên vào một thời kỳ mới an toàn, an ninh hơn, hoặc đẩy cả khu vực vào nguy cơ xung đột, thậm chí là xung đột hạt nhân. Bởi vậy, giống như cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ và Triều Tiên tại Singapore tháng 6/2018, cuộc gặp tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 cũng thu hút sự chú ý của dư luận và công chúng trên toàn thế giới.
TS. Nguyễn Việt Phương, Trung tâm Khoa học và Quan hệ quốc tế Belfer, Đại học Harvard (Hoa Kỳ). (Ảnh: NVP) |
Khiến cả thế giới phải dõi theo từng cử chỉ, tuyên bố, nhưng Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau cuộc hội đàm đầu tiên tại Singapore thực chất lại không đạt được bất cứ sự đồng thuận nào trong vấn đề phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên. Hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng và khác biệt trong những vấn đề hết sức cơ bản như định nghĩa thế nào là “phi hạt nhân hoá”, hay điều kiện nào là cần thiết cho việc nới lỏng một phần lệnh cấm vận kinh tế hiện Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang áp đặt lên Triều Tiên.
“Được - mất” trong đàm phán Mỹ - Triều 2 tại Hà Nội
Liệu tình trạng bế tắc trong đàm phán hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên có thể được khai thông sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội? Gần như giới nghiên cứu an ninh thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, đều đồng thuận rằng cơ hội cho sự đột phá lớn như vậy sau hội nghị Hà Nội là rất nhỏ bởi không có dấu hiệu nào cho thấy ông Kim Jong-un muốn phá huỷ chương trình hạt nhân và tên lửa, vốn là xương sống an ninh của Bình Nhưỡng. Và ở phía bên kia, ông Donald Trump dù đã không còn nhắc nhiều tới cụm từ “phi hạt nhân hoá toàn diện, kiểm chứng được, và không thể đảo ngược được”, song luôn nhấn mạnh rằng cấm vận chỉ có thể được gỡ bỏ khi Triều Tiên thực sự từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Thay vào đó, một kịch bản khả dĩ hơn cho đàm phán hạt nhân tại Hà Nội lần này đó là việc hai bên thống nhất về những bước đi đầu tiên trong việc đưa thanh sát nước ngoài vào kiểm tra việc phá huỷ, tháo dỡ các cơ sở thử hạt nhân và tên lửa mà Triều Tiên đã tiến hành trong thời gian vừa qua.
Thậm chí, giới quan sát còn đặt kỳ vọng vào một khuôn khổ pháp lý cần thiết để mở lại việc thanh sát hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Triều Tiên, vốn đã bị gián đoạn kể từ khi nước này quyết định đơn phương rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Đổi lại cho những dấu hiệu tích cực từ phía Triều Tiên, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ hoàn toàn có cơ sở để đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nới lỏng cấm vận trong các lĩnh vực mang tính nhân đạo và phục vụ trực tiếp đời sống của người dân Triều Tiên.
Vũ khí hạt nhân là một trong những xương sống an ninh của Bình Nhưỡng. (Nguồn: wrcbtv.com) |
Người ta còn đề cập đến khả năng ông Donald Trump ngầm “bật đèn xanh” để Hàn Quốc mở rộng quan hệ liên Triều sang lĩnh vực hợp tác kinh tế - hoạt động, vốn trước nay vẫn bị Hoa Kỳ phản đối kịch liệt, kể cả sau chuyến thăm Bình Nhưỡng lịch sử của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào năm 2018.
Chỉ một vài tiến bộ cơ bản trong đàm phán hạt nhân sau ngày 28/2 cũng đã có thể coi là một dấu mốc thành công cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Bởi những tiến bộ đó sẽ ít nhất dẫn đến việc Triều Tiên tiếp tục ngừng mở rộng hơn nữa chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, và qua đó giúp giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Mặt khác, rất có thể hai chính trị gia đầy tham vọng như Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mong muốn thu được về nhiều hơn thế từ một cuộc gặp xứng đáng được liệt vào dạng “sự kiến hiếm có” trong nền chính trị thế giới này. Bởi vậy, rất có thể hai bên sẽ cố gắng đưa ra một thông cáo chung về lộ trình tiến tới một tuyên bố chính thức về việc chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên – 66 năm sau ngày hiệp định đình chiến được ký kết.
Những người lạc quan thậm chí còn kỳ vọng rằng Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un sẽ đồng ý về một lộ trình để tiến tới ký kết hiệp định kết thúc chiến tranh – một văn bản pháp lý vốn cần có sự tham gia của các quốc gia liên quan khác như Trung Quốc và Hàn Quốc. Nếu kịch bản lạc quan này trở thành hiện thực, thì cái tên “Thượng đỉnh Hà Nội” chắc chắn sẽ đi vào lịch sử thế giới hiện đại như một dấu mốc quan trọng bậc nhất cho tiến trình hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngoại giao Việt Nam “ghi điểm”
20 năm sau khi Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hoà bình”, thủ đô của dải đất hình chữ S đã được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai, trở thành “cầu nối” cho một trong những tiến trình hoà bình mang tính biểu tượng lịch sử của thế giới hiện đại.
Việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đồng thuận trong việc chọn Hà Nội là địa điểm gặp gỡ lần thứ hai là một thành công lớn của Ngoại giao Việt Nam trong quá trình hội nhập. Bởi đây là cơ hội hiếm có để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cải cách, phát triển kinh tế thành công với cộng đồng quốc tế nói chung và với Triều Tiên nói riêng.
Theo thông báo từ phía Mỹ, sự kiện được cả thế giới chú ý sẽ diễn ra trong hai ngày 27-28/2 tới đây tại Hà Nội. |
Bên cạnh đó, bằng việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai một cách chu đáo, suôn sẻ trong không khí hiếu khách, chuộng hoà bình của người dân, chắc chắn Việt Nam sẽ chứng tỏ được rằng từ một đất nước “muốn làm bạn với tất cả quốc gia trên thế giới”, Việt Nam nay đã là một quốc gia chủ động, tích cực trong việc gìn giữ hoà bình, an ninh, và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngoại giao.
Hy vọng rằng sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un, cái tên Hà Nội, Việt Nam sẽ còn được nhắc tới nhiều hơn nữa như là nơi cộng đồng quốc tế đặt niềm tin cho những sự kiện quốc tế có ý nghĩa quan trọng với hoà bình và phát triển, không chỉ trong khu vực Đông Á mà còn trên cả thế giới.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều Hà Nội: Giữ “lửa” đối thoại Mỹ - Triều, nâng tầm Đối ngoại Việt Nam Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công An) tin tưởng rằng, Thượng đỉnh Mỹ - ... |
Việt Nam: Nhân tố kiến tạo hòa bình trong quan hệ Mỹ - Triều Giới quan sát nhận định rằng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 ... |
Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần hai tại Hà Nội: Kiến tạo hòa bình, nâng tầm vị thế Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ nhất giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch ... |