TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ - Nhật tái khẳng định cam kết nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên | |
Liên hợp quốc chấp thuận cho phái đoàn Triều Tiên đến Việt Nam |
Kể từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018, hai bên đã không đạt được nhiều tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Trong khi Washington đòi hỏi Bình Nhưỡng đơn phương phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lại yêu cầu Nhà Trắng có những động thái hạ nhiệt căng thẳng cùng lúc như ngừng tập trận chung với Hàn Quốc, rút quân về nước, gỡ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa…
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nhà lãnh đạo này có thể tìm kiếm được những điểm chung cần thiết, thậm chí là nhìn nhận và đánh giá lại quan hệ song phương. Điều này được thể hiện rõ trong phát biểu của Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun tại Đại học Stanford (Mỹ) ngày 31/1: “Mỹ sẽ tích cực thảo luận với phía Triều Tiên, để xem liệu có thể thay đổi lộ trình chính sách của họ bằng cách thay đổi lộ trình chính sách của chính chúng ta hay không.”
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tháng 6/2018. (Nguồn: AFP) |
Tương tự, Chủ tịch Kim Jong-un cũng khẳng định mong muốn quan hệ hai bên được cải thiện “sẽ sớm đơm hoa kế trái” vào năm nay. Những động thái phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, dù ít hay nhiều, cũng đang góp phần cải thiện quan hệ song phương. Đây là những tín hiệu tích cực và cần được các bên tiếp tục duy trì, đặc biệt là tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, dự kiễn diễn ra trong hai ngày 27 – 28/2 tại Hà Nội.
Ba cánh cửa
Nếu coi Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore là nơi hai bên đưa ra cam kết thì Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới tại Việt Nam là dịp để hai bên xây dựng lộ trình thực hiện cam kết đó. Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản khi trước mắt, cả Mỹ và Triều Tiên cần giải quyết ba vấn đề lớn.
Đầu tiên, hai bên cần quyết định xem liệu đã đến lúc ký vào một hiệp định hòa bình, thay thế cho thỏa thuận ngừng bắn tạm thời đã kéo dài gần 70 năm, chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên hay chưa. Đây là vấn đề từng được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhiều lần đề cập trong những cuộc trao đổi với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Tuy nhiên, nhiều khả năng hai bên sẽ khó có thể tuyên bố kết thúc chiến tranh ngay trong Thượng đỉnh lần này vì một vài lý do. Thứ nhất, xây dựng một hiệp định hòa bình tốn nhiều thời gian và chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên đã sẵn sàng. Thứ hai, một hiệp định hòa bình sẽ đòi hỏi có sự tham dự của tất cả các bên tham chiến (Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc), trong khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều chỉ có sự tham dự của 2/4 nước. Cuối cùng, hai bên có thể sử dụng việc ký kết thỏa thuận hòa bình để buộc bên còn lại tuân thủ các cam kết tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên.
Vấn đề trọng tâm nhất trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều chính là tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “đánh tiếng” cho thấy ông sẵn sàng chấp thuận một lộ trình phi hạt nhân theo từng giai đoạn, thay vì đòi hỏi Triều Tiên ngay lập tức tiến hành “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” như trước.
Theo đó, các bên có thể thảo luận cụ thể về tiến trình này như việc Triều Tiên tiến hành kiểm kê tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, chấp nhận quá trình thanh tra, phá hủy tại chỗ cơ sở hạt nhân và tên lửa không di chuyển được ra khỏi Triều Tiên, di dời những nguyên liệu làm giàu vũ khí hạt nhân ra ngoài lãnh thổ Triều Tiên, liệt kê danh sách những chuyên gia vũ khí và xây dựng cơ chế giám sát thực thi những quá trình này. Trước mắt, việc phá hủy một số cơ sở thử nghiệm tên lửa đạn đạo cho thấy Triều Tiên đã ít nhiều thể hiện thành ý.
Tuy nhiên, ngược lại, Chủ tịch Kim Jong-un chắc chắn sẽ yêu cầu Tổng thống Donald Trump thực hiện cam kết của mình trong việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế, bình thường hóa quan hệ ngoại giao, giải quyết vấn đề căng thẳng quân sự giữa hai miền Triều Tiên.
Song tương tự như lộ trình phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn, nhiều khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ tiến hành gỡ bỏ cấm vận theo từng giai đoạn, nhằm đảm bảo Triều Tiên thực hiện những cam kết của mình. Tương tự, giảm căng thẳng liên Triều, ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, bình thường hóa và xây dựng quan hệ ngoại giao nhiều khả năng sẽ được Mỹ tiến hành nhưng thận trọng, tương quan với hành động của Triều Tiên. Do đó, Thượng đỉnh Mỹ - Triều chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số hai.
Một chìa khóa
Giải quyết cả ba vấn đề này sẽ đòi hỏi cả Mỹ và Triều Tiên phải có những nhượng bộ nhất định. Với chính quyền của Tổng thống Donald Trump, đó là thay đổi cách tiếp cận, chấp thuận xây dựng một lộ trình phi hạt nhân hóa theo giai đoạn trên bán đảo Triều Tiên. Với chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, đó là thiết lập tiến trình phi hạt nhân hóa đồng bộ hơn, minh bạch hơn, nhằm giành lấy lòng tin từ Mỹ và cộng đồng quốc tế.
Suy cho cùng, lòng tin vẫn luôn là chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở mọi cánh cửa, dù đó là ký kết một hiệp định hòa bình sau gần 70 năm, thuyết phục Bình Nhưỡng “buông tay” khỏi tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân hay kêu gọi Washington dỡ bỏ cấm vận với chính quyền mà nước này từng liệt vào “trục ma quỷ” trong quá khứ đi chăng nữa. Khi đó, cảnh quan hữu tình của Thủ đô nước Việt Nam, thành phố vì hòa bình cùng những người dân mến khách sẽ là chất xúc tác hoàn hảo để lòng tin ấy được tạo dựng tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội.
Tổng thống Trump khẳng định muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông dự kiến sẽ lại gặp lại nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau Hội ... |
Nhật tìm cách hợp tác với Mỹ về vấn đề Triều Tiên Một quan chức Nhật Bản cho biết ngày 20/2, Thủ tướng nước này Shinzo Abe đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để ... |
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước Chiều 19/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Hội nghị ... |