📞

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Bước đệm cho tương lai?

Đức Anh 19:00 | 17/06/2021
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden được nhiều chuyên gia đánh giá là 'mang tính xây dựng' và có ý nghĩa quan trọng.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden được nhiều chuyên gia đánh giá là 'mang tính xây dựng' và có ý nghĩa quan trọng. (Nguồn: AFP)

Theo giới chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra ngày 16/6 không hề có những cái nhìn "săm soi" hay những lời lẽ đả kích nặng nề. Thay vào đó, tại Hội nghị này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, và theo những gì họ tuyên bố, hội nghị diễn ra tại Geneva này có thể dẫn một mối quan hệ dễ đoán hơn, dù vẫn còn căng thẳng.

Tín hiệu tích cực

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ông Biden đã mô tả ông Putin là "một đối thủ xứng tầm", còn tại cuộc họp báo sau hội nghị, ông nói rằng hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã tìm được những điểm quan tâm chung.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin dường như cũng không muốn làm khó "tân binh" Biden khi đánh giá tổng thống Mỹ là "một chính trị gia rất giàu kinh nghiệm", đã đề cập đến những vấn đề rất chi tiết trong cuộc hội đàm "mang tính xây dựng" kéo dài 3 giờ.

Ông Ian Bremmer, người đứng đầu công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định: "Nhìn chung, ông Biden là một người luôn muốn kiến tạo những mối quan hệ mang tính xây dựng".

Theo ông Ian Bremmer, ông Biden không tin tưởng và coi ông Putin là một người bạn, nhưng ông Biden thực sự hy vọng Nga sẽ hành động vì lợi ích của mình, và cả hai nước trên thực tế có những lợi ích đan xen nhau có những lĩnh vực nên hợp tác với nhau. Ông Bremmer kết luận rằng tương lai sẽ là phép thử cho mối quan hệ này.

Động thái tích cực đầu tiên như một kết quả trực tiếp của hội nghị thượng đỉnh là sẽ đưa các đại sứ trở lại thủ đô của hai nước, đồng thời sẽ thảo luận về việc trả tự do cho các tù nhân của hải bên.

Bình luận về vấn đề này, Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parrmelin nói: "Việc hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ quyết định đưa các đại sứ trở lại thủ đô của nhau là một tín hiệu tích cực".

Đồng quan điểm, ông Yuval Weber, chuyên gia về Nga tại Trung tâm nghiên cứu Wilson (Mỹ), nói: "Tôi không biết mọi việc có thể tốt đẹp hơn đến đâu, nhưng có lẽ tình hình sẽ không tồi tệ hơn".

Theo vị chuyên gia này, không giống như trong Chiến tranh Lạnh, thời điểm các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô cùng nhau ký hiệp định về các vấn đề lớn như vũ khí hạt nhân, ông Biden và ông Putin chưa bao giờ hy vọng đạt được đột phá ở Geneva.

"Điều họ tìm kiếm chỉ đơn giản là liệu họ có đủ hòa hợp với nhau để duy trì các cuộc tiếp xúc hay không", ông Weber cho biết đồng thời lưu ý rằng ông Putin "nổi tiếng là một người hay tự ái" nên chắc chắn nhà lãnh đạo Nga từng rất tức giận trước những bình luận nặng lời của ông Biden về mình (ông Biden từng đồng ý với quan điểm gọi ông Putin là "kẻ sát nhân").

Tuy nhiên sau đó, bằng cách gọi ông Putin là một "kẻ thù xứng tầm" và đánh giá Moscow là một cường quốc, dường như ông Biden đang theo đuổi chiến lược nói những điều có thể "lọt tai" với người đồng cấp Nga hơn.

Phản ứng đan xen ở Mỹ

Đảng Cộng hòa đã nhanh chóng chỉ trích ông Biden về hội nghị thượng đỉnh ở Geneva khi cho rằng lẽ ra ông chủ Nhà Trắng nên cứng rắn với ông Putin hơn.

Thượng nghị sỹ Jim Risch, thành viên cấp cao trong Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, bày tỏ quan điểm: "Thật đáng tiếc và thất vọng là hội nghị này chẳng mang lại được những tiến triển hữu hình trong quan hệ Mỹ-Nga".

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham nêu rõ: "Tôi lấy làm lo ngại khi Tổng thống Biden đưa ra luận điểm rằng việc ông Putin can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ và các cuộc bầu cử ở những quốc gia khác sẽ làm tổn hại đến vị thế của Putin".

Theo ông Lindsey Graham, Thổng thống Nga dường như chẳng mấy bận tâm việc mọi người nghĩ về ông ấy. Thậm chí, ông Putin còn được hưởng lợi với danh tiếng là người "có thể can thiệp thành công vào vấn đề nội bộ của các nước khác".

"Một lần nữa, tôi tin rằng Tổng thống Biden đã nhận định sai về người mà ông đang giao tiếp", vị Thượng nghị sỹ này kết luận.

Ngược lại, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, ca ngợi ông Biden vì đã "thẳng thắn nói sự thật" với ông Putin.

Ông Bob Menendez nhấn mạnh: "Đây là một bài kiểm tra thực tế cần thiết đối với ông Putin và là một sự khác biệt hoàn toàn với 4 năm trước khi cựu Tổng thống Donald Trump từng 'tâng bốc' Điện Kremlin. Đây là điều đáng hoan nghênh".

Đồng quan điểm, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen đánh giá: "Tôi rất vui khi thấy Tổng thống Biden đã giữ vững lập trường đối với ông Vladimir Putin và gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng chính quyền Mỹ sẽ không 'nhắm mắt làm ngơ' trước những hành động hiếu chiến của Nga.

Quyết tâm của Tổng thống rất rõ ràng: Gieo nhân nào gặt quả nấy, và Mỹ sẽ bắt Nga phải chịu trách nhiệm về những hành động đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta cũng như sự ổn định toàn cầu".

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ chỉ là một bước đệm, tương lai sẽ là phép thử cho mối quan hệ này. (Nguồn: Getty)

Kết quả nằm ở tương lai

Bình luận về cuộc gặp Biden-Putin, ông Max Bergmann, thành viên cấp cao của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nói: "Đây không phải là một hội nghị thượng đỉnh. Nó thực sự chỉ là một cuộc họp".

Theo ông Max Bergmann, hội nghị này là dịp để Mỹ cố gắng hạ nhiệt mối quan hệ song phương và vạch lằn ranh đỏ rõ ràng với Nga. Vì thế, kết quả của hội nghị tuy nhỏ nhưng tiềm ẩn ý nghĩa và tầm quan trọng là giúp tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân và đưa các đại sứ trở lại nước của nhau.

Trong khi đó, bà Meg King, Giám đốc phụ trách chương trình khoa học và đổi mới công nghệ của Trung tâm Wilson, bình luận: "Tổng thống Biden đã thông báo rằng Mỹ và Nga sẽ giao nhiệm vụ cho các chuyên gia ở cả hai quốc gia giải quyết mối đe dọa từ các cuộc tấn công mã độc tống tiền và thảo luận về'những gì vượt quá giới hạn cũng như theo dõi các trường hợp cụ thể".

Bà Meg King đánh giá đây là điều đặc biệt quan trọng vì là lợi ích chung của cả hai bên. Nhóm công tác kỹ thuật này sẽ làm sâu sắc thêm và tạo các mối quan hệ cần thiết để nhận được cảnh báo sớm tốt hơn về các nhóm tin tặc tội phạm và nhất trí nỗ lực ngăn chặn chúng.

Bà Meg King lưu ý bình luận của ông Putin rằng "chúng ta cần loại bỏ những lời nói bóng gió" và "bắt đầu tham vấn về chủ đề này" cho thấy Nga sẽ hợp tác, ít nhất là ở cấp độ làm việc.

Trong khi đó, bà Beatrice Fihn, Giám đốc điều hành của chiến dịch quốc tế nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân, nhận định: "Hội nghị thượng đỉnh này và tin tức về một cuộc đối thoại mới liên quan đến kiểm soát vũ khí trong tương lai tất nhiên rất đáng được hoan nghênh, nhưng nó không thực sự phù hợp mức độ nghiêm trọng của tình hình an ninh toàn cầu hiện nay".

Bà Beatrice Fihn nhấn mạnh rủi ro của việc sử dụng vũ khí hạt nhân hiện cao hơn bao giờ hết và đòi hỏi một cam kết cụ thể để nỗ lực giảm thiểu các kho vũ khí hạt nhân một cách sớm nhất. Các quốc gia trên toàn thế giới đang hy vọng Mỹ-Nga tiến nhanh hơn tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

(theo AFP, Reuters)