📞

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Tổng thống Vladimir Putin thực sự muốn gì ở ông Joe Biden?

Gia Kỳ 10:47 | 16/06/2021
"Là một chính khách có lý trí, ông Putin muốn giảm những nguy cơ và thiệt hại mà mối quan hệ đối đầu mang lại", Giám đốc tổ chức nghiên cứu RIAC ở Moscow Andrei Kortunov bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ sắp tới trên BBC.
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Tổng thống Vladimir Putin thực sự muốn gì ở ông Joe Biden? (Nguồn: BBC)

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva, Thụy Sỹ hôm nay (16/6) sẽ không phải là một cuộc gặp gỡ giao lưu “hữu nghị”.

Bởi ngay trước hội nghị, Nga đưa Mỹ vào danh sách "các quốc gia không thân thiện".

Cả hai bên đều mô tả mối quan hệ đang ở mức “đáy” và không nước nào có Đại sứ ở nước còn lại. Các quan chức cấp cao của Nga thì bị Mỹ trừng phạt vì nhiều thứ, từ việc sáp nhập Crimea của Ukraine năm 2014 cho đến cáo buộc can thiệp bầu cử.

Hai cựu lính thủy đánh bộ của Mỹ hiện cũng đang ở trong nhà tù của Nga, một trong hai người thụ án 16 năm với cáo buộc gián điệp.

Đỉnh điểm của căng thẳng là khoảnh khắc hồi tháng 3, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc phỏng vấn đã gọi người đồng cấp Vladimir Putin là "kẻ sát nhân”.

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo này đang chuẩn bị gặp gỡ tại Geneva, và nhiều ý kiến ở Nga cho rằng, bản thân cuộc gặp đã là một thành công.

Ngang cơ với Mỹ

Cuộc gặp diễn ra chỉ không lâu sau khi ông Biden đặt chân vào Nhà Trắng, và cũng nằm trong lịch trình chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden - đây đều là những “điểm thưởng” đối với Điện Kremlin. Hơn thế nữa, nó còn là một cuộc gặp nghị thượng đỉnh trọn vẹn, chứ không phải là cuộc gặp ngắn hay bên lề các sự kiện khác.

Và mặc dầu đã trải qua lịch trình bận rộn với Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh và các cuộc họp tại trụ sở của NATO ở Brussels (Bỉ), ông Joe Biden có những sự quan tâm đặc biệt trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du châu Âu, cuộc gặp mặt đối mặt với Tổng thống Putin.

Giám đốc tổ chức nghiên cứu RIAC ở Moscow, Andrei Kortunov, cho rằng: “Hội nghị thượng đỉnh thực sự mang tính biểu tượng quan trọng, vì nó đặt ông Putin ngang hàng với người đồng cấp Mỹ. Với ông Putin, điều này không phải là không quan trọng”.

Đồng tình với nhận định của ông Kortunov, nhà phân tích chính trị Lilia Shevtsova nói: "Tổng thống Nga Putin chắc chắn muốn mình ngang hàng với người đồng cấp Mỹ. Ông ấy muốn được tôn trọng theo các điều kiện của mình".

Tiếng vọng từ quá khứ

Việc lựa chọn Geneva là địa điểm tổ chức cuộc gặp gợi nhớ lại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên năm 1985 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và người đồng cấp Liên Xô Mikhail Gorbachev trong Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (trái) và người đồng cấp Liên Xô Mikhail Gorbachev trong cuộc gặp “nồng ấm” bên bếp lửa ở Geneva tháng 11/1985. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, hiện có rất ít khả năng cuộc gặp hôm nay sẽ mang lại một mối quan hệ cá nhân khăng khít hay sự tan băng chính trị nào đó.

Nhà Trắng vẫn nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ là một mối quan hệ "ổn định" và "có thể dự đoán được” với Nga.

“Một mục tiêu khả thi hơn là việc kiểm tra xem 'lằn ranh đỏ' của hai bên nằm ở đâu", bà Shevtsova nói. “Một sự hiểu biết chung rằng đối thoại vẫn là cách đi lên từ vực thẳm. Bởi không nói chuyện, nước Nga còn khó đoán định hơn”.

Vậy Tổng thống Nga muốn gì?

Cuối tuần vừa rồi, ông Vladimir Putin nói trên truyền hình quốc gia rằng có "các vấn đề mà chúng ta có thể làm việc cùng nhau" với Mỹ, bắt đầu bằng các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, thảo luận về các cuộc xung đột khu vực, trong đó có Syria, Libya và biến đổi khí hậu.

Ông Putin lập luận: "Nếu chúng tôi có thể tạo ra các cơ chế để giải quyết những vấn đề đó, thì tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng hội nghị thượng đỉnh đã không diễn ra một cách vô ích".

Một số người ở Nga cho rằng cuộc gặp có thể đem lại sự “đình chiến” trong cuộc chiến ngoại giao: Mỹ đã trục xuất hàng chục nhà ngoại giao Nga và đóng cửa hai cơ quan đại diện ngoại giao trong những năm gần đây; ở chiều ngược lại, các phái bộ của Mỹ tại Nga từ nay sẽ bị cấm tuyển dụng người dân địa phương, đồng nghĩa với việc cắt giảm đáng kể các dịch vụ bao gồm cả thị thực.

Sau cuộc gặp, Moscow có thể cho phép Đại sứ của mình trở lại Washington như một động thái giải tỏa tối thiểu.

Mỹ cũng có thể nêu vấn đề số phận các tù nhân của nước này ở Nga.

Nga gần đây đã tiếp tục thúc đẩy vấn đề trao đổi tù nhân - nhưng các điều khoản của Moscow cho đến nay vẫn chưa được Washington đáp ứng, do đó khó có thể mong chờ một cử chỉ rộng lượng đơn phương của ông Putin.

Tổng thống Nga cũng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của ông về phương Tây. Tại Diễn đàn Kinh tế tháng này ở St Petersburg, ông Putin đã tuyên bố rằng Mỹ muốn "kìm hãm" sự phát triển của Nga.

Trước đó vài ngày, ông đe dọa sẽ "đánh bật răng" bất kỳ kẻ nào ở bên ngoài muốn “cắn” nước Nga, nhấn mạnh rằng thế giới cần phải thức tỉnh về vị thế và sức mạnh dần được phục hồi của Moscow.

Ông Kortunov nói: “Rõ ràng ông Putin tin rằng Mỹ là một đối thủ không mong muốn điều tốt đẹp cho Nga và tôi không nghĩ quan điểm sẽ thay đổi”.

Hạ nhiệt căng thẳng

Mặc dầu vậy, ông Kortunov cho rằng Nga có thể đang tìm cách hạ nhiệt trong quan hệ với Mỹ.

"Là một chính khách có lý trí, ông Putin muốn giảm những nguy cơ và thiệt hại mà mối quan hệ đối đầu mang lại”, ông Kortunov nói.

Những nguy cơ đó bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế, gây thêm căng thẳng trong một năm bầu cử quan trọng.

Chuyên gia Kortunov nhận định: “Công chúng Nga không còn hứng thú với những 'chiến thắng' trong chính sách đối ngoại thay cho việc tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội đang nhức nhối ở quê nhà".

Theo Giám đốc tổ chức nghiên cứu RIAC, ông Putin không thể đạt được những thứ mình muốn bằng cách leo thang căng thẳng.

Vậy ông Putin không muốn gì?

Đó là việc Mỹ sẽ rao giảng về nhân quyền, cụ thể là về trường hợp của Alexei Navalny, chính trị gia đối lập mà Washington và phương Tây cáo buộc bị Nga đầu độc.

Các văn phòng chính trị và tổ chức chống tham nhũng của Navalny vừa bị tòa án Moscow gắn mác là "cực đoan", một phán quyết đáng lẽ có thể bị trì hoãn cho đến sau Hội nghị thượng đỉnh.

Thay vào đó, thời điểm ra phán quyết dường như muốn gửi một thông điệp rằng: Vladimir Putin sẽ tiếp tục dẹp tan những bất đồng chính kiến và đó không phải là việc của Mỹ.

"Ông Biden sẽ ca khúc dạo đầu về Navalny, và về nhân quyền, ông Putin cũng 'có bài' của ông ấy - rằng Mỹ cũng không khác gì”, bà Shevtsova nói.

Chuyên gia này nhận định thêm: "Nhưng thực tế cuộc gặp vẫn đang tiến triển, và điều này có nghĩa là sau món khai vị nói trên, họ sẽ tiến đến món chính. Và đó là: Hãy làm điều gì đó để giảm bớt căng thẳng".

(theo BBC)