Ông Marco Schlueter, Trưởng ban Chiến lược và quan hệ quốc tế của Naturland. (Ảnh: Hạ An) |
Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đến các sản phẩm hữu cơ?
Gần đây, chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Việt Nam đang rất hứng khởi với các sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, khi người dùng lựa chọn các sản phẩm hữu cơ thì thường sẽ có chút bối rối ban đầu khi nhận biết những thực phẩm mình dùng có chính xác là hữu cơ hay không vì nếu đúng thì cần phải có chứng nhận về nguồn gốc rõ ràng.
Sau đại dịch Covid-19, tôi nhận thấy người tiêu dùng thế giới và người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm ngày càng nhiều hơn đến vấn đề sức khoẻ. Chính vì vậy, việc lựa chọn sử dụng những sản phẩm an toàn cho sức khoẻ là một trong những ưu tiên mà người tiêu dùng hướng đến.
Vấn đề an toàn thực phẩm hay dư lượng thuốc trừ sâu và kháng sinh cao trong thực phẩm...vẫn đang là thực trạng phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, việc người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm hữu cơ sẽ là nhu cầu tất yếu.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đang còn rất trẻ, các bậc cha mẹ cũng rất quan tâm đến sức khoẻ của con trẻ. Việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ tốt cho sức khoẻ giúp bảo đảm quá trình tăng trưởng của trẻ.
Tiềm năng của thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đang rất lớn bởi tầng lớp trung lưu đang gia tăng, nhiều người sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm an toàn và được chứng nhận rõ nguồn gốc.
Không chỉ là những sản phẩm trong quá trình sản xuất không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hoá học, việc sử dụng thực phẩm hữu cơ còn là một hành vi tiêu dùng thông minh, góp phần bảo vệ môi trường và đóng góp cho phát triển bền vững của thế hệ kế tiếp.
Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay, chi phí để đáp ứng được chứng chỉ hữu cơ khá đắt đỏ, dẫn đến giá thành của các thực phẩm hữu cơ vì thế cũng gia tăng theo. Với nhu cầu ngày càng lớn về các sản phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khoẻ, chúng ta cần phải có những biện pháp để thu hẹp khoảng cách này.
Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình tiêu chuẩn PSG - gắn mác hữu cơ của Việt Nam. Mô hình này đã được Haiform – phong trào hữu cơ quốc tế xác nhận. Đây có thể là hướng tiếp cận mới để mở rộng những thực hành liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Với hướng từng bước cấp chứng nhận hữu cơ cho các sản phẩm nông nghiệp, chúng ta đang đi rất đúng hướng. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua việc phổ biến những mô hình, tiêu chuẩn như vậy, chúng ta có thể khuyến khích người nông dân tiếp tục gieo trồng các sản phẩm hữu cơ, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Vậy làm thế nào để doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn hữu cơ của Naturland?
Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của Naturland, doanh nghiệp phải bảo đảm một số yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu canh tác, gieo trồng cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Đơn cử như với sản phẩm cà phê hữu cơ, quá trình canh tác không được phép là canh tác độc canh mà phải bảo đảm kết hợp xen canh với một hệ sinh thái cây trồng, rau củ dưới những tán cà phê.
Với mỗi sản phẩm hữu cơ, Naturland có những tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm. Doanh nghiệp muốn đáp ứng được yêu cầu của Naturland thì phải tìm hiểu xem doanh nghiệp định phát triển sản phẩm nào và có những yêu cầu cụ thể nào trong hệ sinh thái Naturland.
Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của Naturland trong viêc hỗ trợ các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn hữu cơ của Naturland và EU trong thời gian tới?
Là một trong những Hiệp hội Nông dân hữu cơ của Đức, điều đầu tiên, chúng tôi rất quan tâm đến là người nông dân. Khi đưa ra những yêu cầu của Naturland, tiêu chuẩn là một phần nhưng những kiến thức, thực hành nông nghiệp cho người nông dân rất quan trọng.
Chúng tôi muốn giới thiệu những thực hành tốt về nông nghiệp cho người nông dân Việt Nam để họ có thêm những hiểu biết, kinh nghiệm về thực hành nông nghiệp hữu cơ. Đó cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà chúng tôi muốn hướng tới.
Ngoài ra, chúng tôi muốn kết nối người nông dân với hệ sinh thái và mạng lưới của Naturland thúc đẩy chuỗi giá trị trong việc đưa các sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng. Mạng lưới của chúng tôi hiện nay khá đông đảo, tập hợp nhiều doanh nghiệp thực phẩm, chế biến thức ăn, chế biến nông sản cũng như các bên phân phối, bán lẻ.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng tới các dự án nâng cao năng lực về thực hành hữu cơ. Thông qua các dự án này, chúng tôi sẽ đưa thêm nhiều điển hình tốt, phương pháp tiên tiến nhằm góp phần thúc đẩy canh tác, nuôi trồng những sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang hỗ trợ như thế nào cho các sản phẩm hữu cơ châu Âu vào thị trường Việt Nam, thưa ông?
Hiệp định EVFTA đi vào thực thi đã giúp giảm thuế khi các sản phẩm hữu cơ châu Âu vào Việt Nam. Việc có thêm nhiều sản phẩm hữu cơ châu Âu, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm nhiều lựa chọn và được hưởng lợi khi được sử dụng những sản phẩm có tiêu chuẩn từ châu Âu với giá thành phải chăng. Từ đó, hiểu biết của người tiêu dùng Việt Nam trong việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ cũng được nâng cao.
Xin cám ơn ông!